Suốt thập niên qua, Kampuchea đã chứng kiến mức tăng trưởng kinh tế lớn lao. Trong lúc tăng trưởng đã tạo được công ăn việc làm và cơ sở hạ tầng được thiết lập ở một trong số những quốc gia nghèo nhất châu Á, thì đồng thời nó cũng có nghĩa là những kiến trúc cổ thời Pháp thuộc tại thủ đô cũng đang nhanh chóng bị thay thế bằng những tòa nhà chọc trời hiện đại.
Hệ quả là khung cảnh của thành phố với 1 triệu 400 ngàn cư dân giờ đây đang thay đổi nhanh chóng, khi mà những dãy phố với các tòa nhà dùng làm văn phòng và chung cư cao từ 10 đến 20 tầng đang mọc lên.
Một số các kiến trúc sư và các sử gia tại đây nói rằng có đến 40% các kiến trúc thời thuộc địa đã tồn tại được sau hàng chục năm chiến tranh và ngay cả dưới thời chính phủ Khmer đỏ tàn bạo, thì lại bị triệt hạ trong vòng 20 năm qua.
Ông Michel Verrot là một kiến trúc sư người Pháp đã sống tại Cambodia từ 11 năm nay. Ông đứng đầu tổ chức Heritage Mission, một dự án được nước Pháp tài trợ để tìm cách bảo tồn những kiến trúc còn lại từ thời Pháp thuộc, bắt đầu từ 150 năm trước.
Ông Verrot giải thích rằng trong thời kỳ Pháp cai trị Kampuchea, Phnom Penh được thiết kế như một thành phố đầy vườn cây, những đại lộ nên thơ và cảnh quan êm đềm. Nhưng sắc thái đó đang mất dần đi trên con đường vội vã hiện đại hóa. Ông nói :
“Điều đang diễn ra hiện nay là cảnh quan vô cùng lộn xộn, bát nháo, chẳng có một ý tưởng dẫn đạo nào cả, chẳng theo một ý kiến tiêu chuẩn toàn cầu về thiết kế đô thị nào hết. Sự kiện này thực sự là một vấn đề quan trọng nhất ngày nay. Vấn đề thứ nhì là họ cứ xây cất bừa bãi mà chẳng có một kế hoạch tổng quát. Chúng tôi phải xét đến từng điểm một.”
Tổ chức Heritage Mission đã lập bản đồ lịch sử kiến trúc của thủ đô Phnom Penh, và đã giúp trùng tu lại nhiều kiến trúc, kể cả khu chợ Trung Tâm, là nơi du khách rất thích đến xem và mua sắm.
Và những chủ nhân cũng đã trùng tu lại một ít kiến trúc thương mại như khách sạn Hoàng Gia - Hotel de Royal.
Ông Verrot cho rằng chính phủ không màng đến việc gìn giữ những tòa nhà cổ. Theo ông, một phần của sự thờ ơ đó là do Kampuchea đã có một hòn ngọc lộng lẫy trong nền kiến trúc của họ, đó là khu đền chùa Angkor Wat, nổi bật và khống chế tất ca, khiến chẳng còn chỗ cho những loại kiến trúc khác chen chân vào.
Nhưng di sản kiến trúc thời thuộc địa cũng lại là một phần trong lịch sử nước này, cho dù hồi tưởng lại cái quá khứ thuộc địa có thể làm cho người dân không cảm thấy thoải mái chút nào.
Ông Samraing Kimsan, Phó Bộ trưởng Bộ Văn Hóa Kampuchea, một cơ quan có nhiệm vụ bảo tồn lịch sử, cho biết khả năng hành động của bộ rất hữu hạn, và ông nói thêm rằng công việc bảo tồn càng khó khăn phức tạp hơn vì thái độ của nhiều người dân Kampuchea. Ông nói :
“Họ không hiểu hoặc không lưu luyến lối kiến trúc cổ,truyền thống. Họ hoàn toàn không hiểu.”
Phó Bộ trưởng Văn Hóa Kampuchea cho biết bộ phải vất vả giảng giải cho công chúng biết coi trọng giá trị của những tòa nhà cổ, nhưng lại có rất ít tiền để chi dùng cho việc bảo tồn những kiến trúc đó. Chính phủ Pháp đã tài trợ cho một số những nỗ lực bảo tồn, nhưng ngân quĩ đó có thể chẳng còn được lâu. Ông SamRaing Kimsan nói:
“Ở tất cả mọi nơi tại Kampuchea, các phân bộ tại các tỉnh đều đặt trụ sở trong các tòa nhà cổ từ thời thuộc địa. Vì thế có rất nhiều kiến trúc cổ là những kiến trúc kiểu Pháp. Những kiến trúc này cần được trùng tu. Nước Pháp không có nhiều tiền, tuy nhiên chính phủ cần phải có tiền. Nhưng giờ đây chúng tôi đang trên con đường phát triển.”
Tự bản thân ông Samraing Kimsan cũng không có vẻ nhiệt tình lắm về những kiến trúc thời thuộc địa. Ông mô tả những tòa nhà đó trống lỗng, gió cứ thông thống lọt vào, và cần phải trang bị với hệ thống điều hòa không khí, và trùng tu những kiến trúc đó là công trình quá đắt.
Theo ý ông thì nên triển khai đường lối hiện đại theo kiến trúc Khmer, phối hợp cả cũ lẫn mới.
Tuy nhiên du lịch là một ngành chủ yếu ở nước này, và chính phủ đang khuyến khích du khách hãy lưu lại Kampuchea lâu hơn 3 ngày như bình thường họ vẫn đến để xem khu đền đài Ankor Wat trong thị trấn Siem Reap.
Kiến trúc sư Verrot đưa ý kiến rằng trùng tu những tòa nhà cổ trong thủ đô Phnom Penh sẽ phù hợp với mục tiêu đó. Ông và những người khác cổ vũ cho việc bảo tồn các kiến trúc cổ của Kampuchea cũng nêu lên rằng trùng tu các tòa nhà cổ có những cái lợi khác.
Họ nói rằng trùng tu thì rẻ hơn là xây lại, và trùng tu chỉ sử dụng đến những vật liệu xây cất tại địa phương, trong khi xây lên những tòa nhà mới đòi hỏi phải nhập khẩu các vật liệu thép và kính rất đắt giá.
Nhưng trong con mắt của chính phủ, Phnom Penh không được coi là một thị trấn của di tích, như đối với Siem Reap. Và những người chỉ trích cho rằng quan điểm đó có nghĩa là thủ đô Phnom Penh chỉ chú ý vào chuyện hiện đại hóa, xây lên những tòa nhà cao ngất, mất hết nét độc đáo,và sẽ giống hệt như các thành phố lớn khác ở đông nam Á, như Bangkok chẳng hạn.
Thủ đô Phnom Penh của Kampuchea tương đối còn non trẻ và hầu hết những kiến trúc trong thành phố đều chỉ có 2 hay 3 tầng. Nhưng cảnh quan này đang thay đổi. Hầu hết những kiến trúc thời Pháp thuộc có từ cả thế kỷ nay đang bị triệt hạ, để lấy chỗ xây những tòa nhà hiện đại cao tầng.
Đọc nhiều nhất
1