New York, thủ đô Mỹ quốc, có chiếc taxi màu vàng. Thủ đô London của Anh thì có chiếc xe buýt màu đỏ. Còn Phnom Penh thì có chiếc xe xích-lô, loại xe ba bánh mà người lái vắt vẻo trên chiếc ghế cao bên trên bánh xe sau, trong khi hành khách chễm chệ trên chiếc ghế có lưng tựa mắc giữa hai bánh xe trước.
Chiếc xe mang tính biểu tượng này đã chứng tỏ là một phương tiện di chuyển thoải mái tuy có hơi chậm chạp để đi lại quanh thủ đô của Campuchia trong suốt gần một thế kỷ. Tuy nhiên, tình trạng đó đang thay đổi.
Trong thập niên qua, số xe xích-lô trên các đường phố Phnom Penh đã giảm sút hẳn. Ông Im Sambath là người đứng đầu Hội Bảo tồn Xe Xích Lô và nghề đạp xe Xích-Lô, một tổ chức chuyên bảo vệ quyền lợi của những người hành nghề này.
Ông Sambath nói: “Giờ đây chỉ còn khoảng 1,300 tài xế xích lô tại Pnom Penh. Nhưng qua cuộc nghiên cứu của chúng tôi, thì hồi năm 1999, chúng ta có khoảng 9000 xe xích lô.”
Ông Sambath ước lượng là trong 5 năm nữa, chỉ còn từ 500 đến 600 chiếc xích lô còn lại.
Ông nói có một số lý do để giải thích tình trạng sa sút này, từ những thay đổi trong thói quen đi lại của các cư dân Phnom Penh, cho đến sự thông dụng của xe tuktuk, một loại xe kéo có gắn máy.
Tài xế xe xích-lô trả khoảng 25 cent mỗi tháng để gia nhập Hội Xích-lô. Khoảng 100 hội viên được sử dụng các phương tiện để rửa xe, ngoài ra họ được hướng dẫn về bệnh HIV-Aids, và được hưởng một số quyền lợi về y tế khác.
Tuy nhiên, quan trọng hơn cả, họ được tiếp cận giới du khách quốc tế. Ông Im Sambath nói trong bối cảnh nhu cầu địa phương giảm sút, du khách nước ngoài là tương lai của ngành xích-lô.
Hội Xích-lô hợp tác với các đại lý du lịch để thu xếp các tua xích-lô tại Phnom Penh, du khách tham gia tua được đạp đi tham quan các thắng cảnh quanh thành phố rất bằng phẳng này.
Hội viên lớn tuổi nhất của Hội xích-lô là ông Oum Sok, năm nay 75 tuổi. Ông đã đạp xe xích-lô quanh các đường phố thủ đô từ khi mới lên 18.
Như đa số các tài xế xích-lô khác, ông Oum Sok xuất thân từ vùng thôn quê Campuchia, nơi không có bao nhiêu công ăn việc làm. Và như họ, ông thường đậu xe bên lề đường mỗi tối với một nhóm tài xế xích-lô khác, và nằm ngủ trên chiếc ghế có lưng tựa thường dành cho khách.
Chở du khách bằng phương tiện di chuyển này cung cấp một lối kiếm ăn tương đối. Ông Oum Sok kiếm được 8 đôla từ Hội Xích-Lô sau một ngày làm việc, chưa kể tiền típ.
Tuy nhiên, không có ai làm giàu bằng nghề này. Trong khi chờ du khách bên ngoài Viện Bảo Tàng Quốc gia tại Phnom Penh, ông kể chuyện về những thay đổi trong hơn nửa thế kỷ đạp xích lô chở khách quanh thủ đô Pnom Penh.
Ông nói thời còn trẻ, ông kiếm nhiều tiền hơn, nhưng bây giờ cái gì cũng mắc mỏ. Một điều khác là khách hàng không muốn chọn xe xích-lô với một bác tài già nua như ông.
Mặc dù vậy, ông Oum Sok cũng thừa nhận rằng tuổi cao cũng có thể là một quyền lợi. Trong một nền văn hóa vốn trọng người cao niên, người Campuchia thường cho típ nhiều hơn, so với du khách.
Tuy nhiên du khách có thể là hướng đi tương lai của đa số người hành nghề đạp xe xích-lô.
Bà Margie Edmonds, người Úc, vừa bỏ ra một buổi sáng để tham gia một tua xích-lô với khoảng 20 du khách khác.
Bà Edmonds nói: “Tôi nghĩ rằng đây là một phương pháp tuyệt vời để đi lại. Các bác tài rất quen thuộc với giao thông ở đây, và họ rất tử tế. Đây là một trong những kinh nghiệm tốt đẹp nhất mà tôi từng trải qua ở Châu Á. Rất thú vị, xe xích-lô lại rất an toàn và rất thoải mái.”
Tại Hội Xích-Lô, ông Im Sambath nói kỹ nghệ xe xích-lô tuy đã suy thoái, nhưng không bị diệt vong.
Ông tỏ ra lạc quan với triển vọng có thể khai thác hơn 2 triệu du khách đến thăm Campuchia mỗi năm, để cho phép số người hành nghề đạp xe xích-lô còn ít ỏi hiện nay có thể kiếm sống và nuôi gia đình của họ tại các tỉnh lỵ của Campuchia.
Xe xích-lô đã từng là một nét đặc thù trên các đường phố Phnom Penh trong suốt 70 năm qua, trải dài từ thời khi Campuchia còn là thuộc địa của Pháp. Thế nhưng phương tiện di chuyển này đã bắt đầu phai mờ. Từ Phnom Penh, Thông tín viên đài VOA Robert Carmichael gửi về bài tường trình chi tiết sau đây.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1