Tổng thư ký Liên hiệp quốc đã đi thăm Viện bảo tàng Diệt chủng Tuol Sleng ở Phnom Penh và tán thành các nỗ lực đưa các thủ lãnh Khmer Đỏ ra trước công lý. Ông nói:
“Việc kết tội Kaing Guek Eav, còn gọi là Duch, là một dấu mốc trong hành trình của Kampuchea tiến tới công lý. Chúng tôi biết khó mà tái diễn lại chương khủng khiếp này trong lịch sử của quý vị, nhưng tôi muốn quý vị biết rằng lòng can đảm của quý vị đã gửi đi một tín hiệu mạnh mẽ cho thế giới rằng không thể có sự miễn trừ cho các tội ác, rằng các tội ác chống lại nhân loại sẽ phải bị trừng trị.”
Tuol Sleng là một trại giam mang tên S-21 dưới thời chính phủ Khmer Đỏ hồi thập niên 1970. Hồi tháng 7, Tòa án quốc tế xét xử các tội ác chiến tranh và tội ác chống lại nhân loại đã kết tội viên chỉ huy nhà tù, có biệt danh là Duch.
Năm tới, tòa án Liên hiệp quốc và Kampuchea sẽ bắt đầu xử vụ thứ nhì mà bị can là 4 cựu thủ lãnh Khmer Đỏ, bị cho là thủ phạm sát hại tới 2 triệu người dưới chế độ của họ.
Nhưng thông điệp của Thủ tướng Kampuchea Hun Sen được chuyển thẳng cho ông Ban hôm thứ Tư nói rằng vụ xử thứ nhì sẽ là vụ xử cuối cùng của tòa án này.
Chưa hoàn toàn rõ ràng liệu chính phủ Kampuchea có thể ngăn chặn những vụ xử mới hay không, bởi lẽ tòa án đáng lý ra phải không chịu sự can thiệp chính trị. Tòa đang điều tra thêm 5 nghi can nữa.
Ông Ban đã tránh không trả lời các câu hỏi về việc liệu sẽ có thêm các vụ xử nữa hay không, ông nói:
“Tôi đã có một cuộc thảo luận tốt đẹp về vấn đề này 2 lần với Thủ tướng Hun Sen, và với Phó Thủ tướng hồi sáng nay, và tôi có thể nói với quý vị rằng chính phủ Kampuchea có cam kết hoàn tất tiến trình. Liên hiệp quốc sẽ thảo luận vấn đề với các thành viên của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước cấp viện. Đó là tất cả những gì tôi có thể nói với quý vị vào lúc này.”
Ông Ban đã kết thúc lời phát biểu tại Viện bảo tàng Diệt chủng Tuol Sleng bằng lời ca ngợi các nỗ lực của Kampuchea trong việc mưu tìm công lý:
“Tôi sẽ không bao giờ quên chuyến thăm nơi này hôm nay. Tại nơi chốn khủng khiếp này, thưa quý ông bà, hãy để cho tinh thần nhân loại thắng thế. Chiến tranh không thể đem lại công lý, nhưng chúng ta có thể làm việc đó. Cảm ơn nhân dân Kampuchea đã mở đường.”
Sau đó trong ngày, ông Ban đã đáp máy bay đi Việt Nam, nơi ông sẽ gặp các nhà lãnh đạo Hiệp hội các Quốc gia Đông nam Á, ASEAN. Sau đó, ông sẽ đi Trung Quốc.
Tổng thư ký Liên hiệp quốc cho hay tòa án xét xử Khmer Đỏ đóng một vai trò cấp thiết trong việc Kampuchea mưu tìm công lý cho các nạn nhân của chính phủ thời thập niên 1970. Nhưng theo tường thuật của thông tín viên VOA Robert Carmichael từ Phnom Penh, ông Ban Ki-moon đang vấp phải sự chống đối tòa án từ phía chính phủ đương thời ở Kampuchea.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1