Đường dẫn truy cập

Campuchia đồng ý nhận thêm người tị nạn theo thoả thuận với Úc


Xe chở 4 người tị nạn bốn người tị nạn từ Úc ra khỏi sân bay quốc tế Phnom Penh, Campuchia, ngày 4/6/2015. Cho đến nay chỉ có 4 người tị nạn ghi danh để thoát khỏi điều kiện tệ hại trên đảo quốc Nauru ở Nam Thái Bình Dương để tìm kiếm một cuộc sống mới tại nước Campuchia nghèo khó.
Xe chở 4 người tị nạn bốn người tị nạn từ Úc ra khỏi sân bay quốc tế Phnom Penh, Campuchia, ngày 4/6/2015. Cho đến nay chỉ có 4 người tị nạn ghi danh để thoát khỏi điều kiện tệ hại trên đảo quốc Nauru ở Nam Thái Bình Dương để tìm kiếm một cuộc sống mới tại nước Campuchia nghèo khó.

Campuchia đồng ý nhận thêm người tị nạn từ một trung tâm tạm giam của Australia trên đảo quốc Nauru. Theo tường thuật của thông tín viên Robert Carmichael của đài VOA tại Phnom Penh, diễn tiến này mang lại sức sống cho thoả thuận tái định cư có kinh phí 40 triệu đô la từng bị nhiều người xem là một sự thất bại rất tốn kém của Australia.

Cam kết nhận thêm người tị nạn được đưa ra sau khi Bộ trưởng Di trú Australia Peter Dutton thực hiện một chuyến viếng thăm không loan báo trước tới Phnom Penh.

Sau cuộc họp giữa ông Dutton với Thủ tướng Hun Sen, một người phát ngôn của chính phủ Campuchia cho báo chí biết rằng quốc gia Đông Nam Á này “sẵn sàng tiếp nhận thêm người tị nạn.”

Loan báo này được đưa ra sau những đồn đoán là thoả thuận gây nhiều tranh cãi đã bị đổ vỡ, bất chấp những mục tiêu và ý định tốt đẹp.

Ông Khieu Sopheak, phát ngôn viên Bộ Nội vụ Campuchia, nói rằng biên bản ghi nhớ giữa hai nước vẫn còn hiệu lực.

"Dĩ nhiên là Campuchia sẽ tiếp tục nhận thêm người tị nạn từ Nauru. Và bây giờ chúng tôi đã được thông báo là 4 người trong số họ -- chúng tôi biết là họ tự nguyện tái định cư ở Campuchia. Cho nên toán nhân viên của Bộ Nội vụ sẽ được phái tới để phỏng vấn họ. Tôi không biết chắc là khi nào, nhưng chỉ trong nay mai thôi."

Cho đến nay chỉ có 4 người tị nạn ghi danh để thoát khỏi điều kiện tệ hại trên đảo quốc Nauru ở Nam Thái Bình Dương để tìm kiếm một cuộc sống mới tại nước Campuchia nghèo khó. 3 người là người Iran và người kia là người sắc tộc Rohingya ở Myanmar.

Người đàn ông Rohingya này hồi gần đây cho biết ông muốn rời Campuchia và trở về Myanmar. Ông Khieu Sopheak nói rằng giới hữu trách đang làm thủ tục để ông này xuất cảnh.

"Các cơ quan di trú của hai chính phủ Campuchia và Australia không phản đối ý định trở về Myanmar của người đàn ông Rohingya đó. Khi nào ông ấy trở về? Câu trả lời là khi ông ấy nhận giấy tờ du hành từ chính phủ Myanmar. Tôi nghĩ rằng phải mất vài tuần nữa."

Thông báo của Campuchia mang lại một sự nhẹ nhõm nào đó cho chính phủ Australia, là chính phủ mà chính sách “ngăn chặn những con tàu” đã giúp họ giành được thắng lợi trong cuộc bầu cử lần trước.

Tuy nhiên, cam kết nhận thêm người tị nạn chẳng phải là một sự việc mang tính đột phá mà chỉ là một sự lập lại của những gì đã được nói tới dựa theo thoả thuận bí mật: đó là Campuchia sẽ nhận người tị nạn với một con số hạn chế và chỉ trong trường hợp những người đó tự nguyện tới Campuchia.

Thoả thuận, mà hai nước đã ăn mừng trong một buổi lễ được tổ chức một cách hấp tấp ở Phnom Penh cách nay một năm, đã bị chỉ trích vì nhiều lý do khác nhau bởi các tổ chức nhân quyền, các giáo hội và những chính khách đối lập ở cả hai nước.

Cao uỷ Tị nạn Liên Hiệp Quốc cho rằng thoả thuận này phương hại tới những nguyên tắc của công ước quốc tế về người tị nạn mà Campuchia và Australia đã ký kết.

Theo thoả thuận với chính phủ ở Phnom Penh, Australia đồng ý chi trả tất cả phí tổn tái định cư trong vòng một năm, và hứa cung cấp cho những người ghi danh tham gia chương trình tái định cư hàng ngàn đô la tiền mặt. Họ cũng sẽ được học tiếng Campuchia và học nghề, và được bảo hiểm sức khoẻ.

Người ta tin rằng hơn 600 người tị nạn và người xin tị nạn đang bị giam trên đảo Nauru, hàng trăm người khác bị giam ở đảo Manus của Papua New Guinea dựa trên một sự dàn xếp với Australia. Hầu hết những người này là người của các nước vùng Nam Á và vùng Trung Đông.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG