Campuchia cho biết họ đã yêu cầu Trung Quốc hạn chế số lượng thị thực cấp cho phụ nữ Campuchia độc thân để ngăn chặn việc môi giới hôn nhân với đàn ông Trung Quốc.
Yêu cầu này được đưa ra giữa lúc ngày càng nhiều phụ nữ Campuchia tìm đường lấy chồng Trung Quốc và trở thành nạn nhân của nạn buôn người.
Bà Chu Bun Eng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ và là người đứng đầu của Cơ quan Quốc gia chống Buôn người, cho biết hạn chế thị thực sẽ giúp giảm số lượng phụ nữ bị đem bán. Bà nói:
"Chúng tôi đã gửi công thư cho đại sứ quán Trung Quốc và nói với họ rằng, ngày nay nhiều phụ nữ Campuchia bị lừa kết hôn giả với đàn ông Trung Quốc ở Trung Quốc. Họ đang sống khổ sở. Chúng tôi yêu cầu đại sứ quán nêu vấn đề này với nhà chức trách Trung Quốc ở Trung Quốc".
Ông Koy Kuong, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao, cho biết Campuchia đã yêu cầu sự hợp tác của Trung Quốc, bao gồm tại các đại sứ quán của họ ở Lào, Việt Nam và Thái Lan, nơi mà phụ nữ Campuchia cũng có thể xin thị thực.
"Vì vấn đề này tiếp tục chồng chất, Bộ Ngoại giao yêu cầu sự hợp tác của đại sứ quán Trung Quốc để đối phó với vấn đề này," ông nói. "Đó là lý do vì sao đại sứ quán Trung Quốc đã bắt đầu siết chặt thị thực cấp cho phụ nữ Campuchia độc thân đi đến Trung Quốc."
Nhưng một phát ngôn viên của Trung Quốc cho biết ông không thể xác nhận hay phủ nhận rằng Bắc Kinh chuẩn bị hạn chế thị thực.
Phát ngôn viên Đại sứ quán Trung Quốc Thành Hồng Ba nói rằng Trung Quốc sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với Campuchia về vấn đề buôn người. Ông nói, "Giữa hai nước, tôi nghĩ rằng chúng ta cũng nên chú trọng hơn vào vấn đề buôn người".
Buôn người là một vấn đề dai dẳng tại Campuchia.
Nhóm nhân quyền Adhoc cho biết trong sáu tháng đầu năm nay, họ đã nhận được 108 đơn tố cáo về những vụ buôn người qua biên giới, trong đó có 295 nạn nhân. Trong số này, 29 người được báo cáo đã bị đưa đến Trung Quốc.
Bà Lim Mony, Phó giám đốc của Adhoc, cho biết những phụ nữ bị đem bán và thoát thân khỏi Trung Quốc cho biết họ bị xâm hại tình dục, lao động quá sức và bị bỏ đói. Bà nói:
"Họ nói rằng một số nạn nhân uống thuốc tự tử và những người khác bỏ trốn hoặc bị giam giữ để làm việc như nô lệ trong nhà".
Bà nói thêm rằng những kẻ buôn người môi giới những cuộc hôn nhân giả có mạng lưới ăn sâu ở Campuchia và Trung Quốc.
Một nạn nhân bị lừa là Chan Rumduol và đây không phải là tên thật của cô. Trong một cuộc phỏng vấn tại ngôi nhà nghèo nàn của mình ở tỉnh Kampong Cham, cô cho biết gia đình cô bị một người làm mối thuyết phục gả cô cho một người đàn ông ở Trung Quốc. Đổi lại, gia đình sẽ nhận được tiền hàng tháng.
Thay vào đó, cô nói cô bị một kẻ buôn người bắt, và cô nói người này hãm hiếp cô trước khi giao cô lại cho một người đàn ông Trung Quốc và sống với ông ta ở vùng nông thôn.
"Tôi cứ nghĩ sẽ lấy được người chồng tốt -.. một chồng chứ không phải nhiều chồng. Lúc đầu tôi bị tay buôn người hãm hiếp rồi sao đó bị buộc phải đổi từ chồng này qua chồng khác. Cuối cùng tôi phải lấy một ông chồng nghèo sống gần núi," cô nói.
Chan Rumduol nói thêm cuộc sống của cô ở đó "khổ sở, như địa ngục trần gian."
Cô nói cô tìm cách trốn thoát khỏi nhà và gọi điện thoại cho mẹ cô, và mẹ cô tìm đến Adhoc để được giúp đỡ. Cuối cùng cô được về nhà và đệ đơn tố cáo kẻ buôn người lừa gia đình cô lúc đầu. Tuy nhiên, ông này vẫn chưa bị bắt giữ.
Bà Chu Bun Eng cho biết Bộ của bà sẽ có hành động đối với bất kỳ đơn tố cáo nào gửi tới văn phòng của bà.
"Nếu họ đệ đơn tố cáo kẻ buôn người và chúng tôi không có hành động gì, thì khi đó họ mới có thể nói chúng tôi thờ ơ. Nhưng chúng tôi không bao giờ thờ ơ trước bất kỳ tố cáo buôn người nào. Vấn đề quan trọng là các nạn nhân phải hợp tác với chính quyền để hoàn thành được nhiệm vụ," bà nói.
Nhưng tổ chức Adhoc nói nhiều nạn nhân đã đệ đơn tố cáo nhưng giới chức chính phủ không chịu hành động.