Tại một hội nghị hôm 17/7 nhằm thúc đẩy đầu tư ở tỉnh Sơn La, Thủ tướng Việt Nam nói có những cán bộ ở miền núi sống phô trương làm ông trăn trở và gây suy yếu niềm tin của các nhà đầu tư.
Theo tường thuật của báo chí trong nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh trong phát biểu của mình rằng “Tôi rất trăn trở khi nghe các thông tin về lối sống phô trương, lãng phí” của một bộ phận cán bộ, đảng viên ở một vài tỉnh miền núi của Việt Nam.
Người đứng đầu chính phủ cho rằng lối sống của các cán bộ đó không chỉ “gây nhiều phản cảm”, mà còn “làm suy yếu niềm tin của các nhà đầu tư vào môi trường kinh doanh ở địa phương”, do vậy cũng “ảnh hưởng đến sinh kế của người dân và sự phát triển chung”.
Chỉ riêng từ cuối tháng 5 đến nay, báo chí Việt Nam đăng nhiều bài viết hé lộ những biệt phủ, biệt thự của một số quan chức ở các tỉnh Lào Cai, Sơn La, và Yên Bái.
Ở Lào Cai, tại một khu đất có ví trị đẹp và đắt giá, được gọi là “khu đất vàng”, có 6 biệt thự lớn của các lãnh đạo hàng đầu của tỉnh.
Bí thư Tỉnh ủy, quan chức đứng đầu tỉnh theo hệ thống chính trị Việt Nam, sống trong tòa biệt thự lớn nhất nằm trên lô đất gần 627 mét vuông. Các căn khác thuộc về Giám đốc Công an tỉnh, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Tài chính, Bí thư Huyện ủy Sa Pa và một cán bộ biên phòng tỉnh Lào Cai.
Ở Sơn La, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy được cho là sở hữu một “lâu đài” nhưng ông đã bác bỏ thông tin đó, và đưa ra bằng chứng khẳng định khu đất và tòa nhà là thuộc sở hữu của mẹ, các chị gái và em trai.
Ồn ào dư luận hơn cả là thông tin về biệt phủ của ông Phạm Sỹ Quý, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái.
Khu biệt phủ của gia đình ông Quý có diện tích đất rộng hơn 13.000 m2, với hồ nước, một cây cầu, thảm cỏ, sân chơi thể thao và một số khối nhà.
Trả lời báo chí, Ông Quý nói đã vay hàng tỉ đồng để xây dựng, hoàn thiện khu biệt phủ. Ông giải thích thêm rằng một phần tài sản ông có được là vì thời trẻ ông “đã làm đủ thứ nghề”, như buôn chổi đót, lá chít, ủ men nấu rượu, làm bánh kẹo, mở xưởng đóng giày.
Nhận xét về việc một số quan chức các tỉnh miền núi có khối tài sản lớn so với mặt bằng đời sống nói chung ở địa phương, cựu Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Quốc Thuận nói với VOA:
“Vùng Tây Bắc nói chung là nghèo khó, nghèo khổ. Trường học vẫn còn nhếch nhác lắm. Cuộc sống thiếu đói. Nhưng mà nếu có những người là cán bộ, mang danh là người đầy tớ của nhân dân, và có cuộc sống vượt lên trên, xa xỉ, thì điều đó là một điều rất đáng trách”.
Vùng Tây Bắc nói chung là nghèo khó, nghèo khổ. Nhưng mà nếu có những người là cán bộ, mang danh là người đầy tớ của nhân dân, và có cuộc sống vượt lên trên, xa xỉ, thì điều đó là một điều rất đáng trách.Ông Trần Quốc Thuận
Vấn đề kiểm soát, làm rõ thu nhập và tài sản của các quan chức Việt Nam đã được chính quyền đề ra từ cách đây nhiều năm. Luật sư Trần Quốc Thuận cho rằng bên cạnh các hoạt động trong nội bộ chính quyền, báo chí và nhân dân cần có vai trò lớn hơn, điều đó sẽ giúp tìm ra những thông tin thật sự về tài sản, thu nhập của quan chức. Ông nói:
“Nhân dân cùng giám sát, cùng có tự do báo chí công bố có điều tra độc lập, tự nhiên từ đó sẽ lòi ra việc này việc khác. Báo chí Việt Nam gần đây cũng có điều tra rất nhiều vụ. Nếu tạo điều kiện cho báo chí vào cuộc, khuyến khích báo chí công khai, tôi nghĩ mọi việc sẽ tốt. Từ đó quyền lực sẽ được kiểm soát tốt hơn và số thành phần hư đốn sẽ bị bóc trần ra, xử lý đến nơi đến chốn”.
Trong số các biệt thự, biệt phủ ở 3 tỉnh Tây Bắc, khu bất động sản của giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Yên Bái gây dư luận đình đám nhất, và đã dẫn đến một cuộc thanh tra.
Nói với báo chí trong nước chiều ngày 17/7, ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng thuộc Thanh tra Chính phủ, cho biết đoàn thanh tra đã kết thúc quá trình thanh tra trực tiếp. Ông nói thêm rằng dự kiến khoảng cuối tháng 8 “sẽ có kết luận thanh tra chính thức, được công bố công khai”.