Đường dẫn truy cập

Căn cước và băn khoăn: Dường như phải đổi... ‘đầu’!


Dự kiến mẫu thẻ căn cước mới. (Photo: Tuoitre.vn screenshot)
Dự kiến mẫu thẻ căn cước mới. (Photo: Tuoitre.vn screenshot)

Lạy các ông! Nên là “Thẻ Căn cước" để phù hợp với dòng ghi chú bằng tiếng Anh “Identity Card”.

Trân Văn


Tuần này, thông báo của Bộ Công an về “mẫu Căn cước mới” đã khuấy động dư luận. Theo dự kiến, loại chứng thư cấp cho cá nhân để sử dụng như giấy tờ tùy thân chỉ được gọi gọn lỏn là “Căn cước” và Bộ Công an sẽ làm “Căn cước” từ 1/7/2024 (1).

Theo Cù Mai Công: Đúng là xã hội thời @ cần những thay đổi nhưng nên nhớ xã hội cũng cần sự ổn định để phát triển. Vô số quốc gia mà mức độ hiện đại hơn hẳn ta nhưng... không vội vã 4.0, 5.0 và liên tục @ như ta. Ông Công lập lại điều mà nhiều người đã từng liệt kê về tên gọi giấy tờ tùy thân ở Việt Nam để chứng minh sự... “sáng tạo” về tên gọi loại chứng thư cá nhân này đã tạo thành một vòng luẩn quẩn: Trước 1945 khi còn thuộc Pháp là THẺ CĂN CƯỚC. Đến 1946, Viêt Nam Dân chủ cộng hòa (VN DCCH) gọi là THẺ CÔNG DÂN. Tới 1957, VN DCCH đổi thành GIẤY CHỨNG MINH. Rồi 1964 thì VN DCCH đổi cách gọi GIẤY CHỨNG MINH/GIẤY CHỨNG NHẬN CĂN CƯỚC. Năm 1976, Cộng hòa XHCN Việt Nam tiếp tục thay đổi và gọi đó là GIẤY CHỨNG MINH NHÂN DÂN. Năm 1999, Cộng hòa XHCN Việt Nam đổi cách gọi lần nữa - CHỨNG MINH NHÂN DÂN (CMND) 9 số. Năm 2012, Cộng hòa XHCN Việt Nam cấp CMND 12 số. Năm 2014, Cộng hòa XHCN Việt Nam đổi CMND thành THẺ CĂN CƯỚC CÔNG DÂN. Từ tháng 11/2023, Cộng hòa XHCN Việt Nam dự tính đổi THẺ CĂN CƯỚC CÔNG DÂN thành THẺ CĂN CƯỚC nhưng sau đó dự tính từ 1/7/2024 sẽ bỏ chữ “thẻ” chỉ còn gọi là CĂN CƯỚC dù phần ghi chú bằng tiếng Anh trên CĂN CƯỚC vẫn có chữ “card” nghĩa là thẻ (2).

Cũng với suy nghĩ như thế, Hung Do bộc bạch ngắn gọn hơn: Lạy các ông! Nên là “Thẻ Căn cước" để phù hợp với dòng ghi chú bằng tiếng Anh “Identity Card”. Các ông cứ làm như thời Việt Nam Cộng hòa là đủ, khỏi dùng tiền dân đổi hoài (3). Bùi Công Tự không chê nhưng “khen” thế này: Bộ Công an luôn luôn đổi mới, lần này cấp cả căn cước cho người từ 0 đến sáu tuổi và người trên sáu tuổi (4)! Còn Trần Đình Dũng kể: Theo tục lệ, hôm nay làm mâm cơm “Tiễn vong linh ông bà tổ tiên về âm phủ sau mấy ngày Tết”, cũng là trả lời những người đã thăm hỏi suốt mấy ngày qua – khi chúc Tết, nhiều bạn bè cứ hỏi, năm nay có dự định gì mới không (?), tui chỉ biết trả lời là có dự định làm... “Căn cước công dân” mới. Ông Dũng chú thích thêm về tấm ảnh đăng kèm status rằng: Hình chỉ mang tính minh hoạ, không liên quan tới nội dung. Tấm hình ấy chụp bàn thờ bày chân dung K.Marx, F.Engels,V. Lenin với đầy đủ nhang đèn, bánh trái, gà luộc theo đúng... tục lệ (5). Huỳnh Kim Hoàng không chê, không khen mà chỉ đưa ra một nhận định hết sức ngắn gọn về nỗ lực đổi giấy tờ tùy thân xoành xoạch: Đã đổi bao lần rồi có CĂN mới có CƯỚC (6). Việt Tân không ngại gì nên huỵch toẹt: Căn cước công dân là miếng mồi béo bở ngành công an nhắm tới để “vặt” nhân dân (7).

***

Thông tin mới nhất về bỏ “thẻ” như dự tính ban đầu để chỉ giữ “căn cước” là lý do ông Nguyễn Thông không muốn cũng đành phải lên tiếng bởi “không nói thì họ coi mình là cục đất”: Việc Bộ Công an lại đề xuất mẫu căn cước mới sẽ áp dụng từ ngày 1 tháng 7 năm nay thay cho mẫu căn cước công dân đang dùng, với lý do để phù hợp với luật căn cước, quả thật không còn gì để chê nữa, bởi hết mức rồi. Trong vòng gần chục năm, chỉ mỗi cái thẻ tùy thân mà sáu mẫu khác nhau (CMND 9 số, CMND 12 số, CCCD, CCCD mã vạch, CCCD gắn chip, căn cước) thì đủ biết bộ máy hành là chính này nó ghê gớm thế nào, tầm nhìn của nó khiếp thế nào. Nhân đây, tôi nhắc luôn các chú công an - các chú dự định cái mẫu thẻ mới với tên của nó là “Căn cước” là bậy, hết sức bậy. Đó chỉ là tính từ, không thể thành tên được. Nó phải có chữ “thẻ”, tên đầy đủ của nó phải là "Thẻ căn cước", cũng như tên tiếng Anh là “Identity Card”, phải có chữ “card”, nhé. Lúc thì thừa chữ “công dân”, khi lại thiếu chữ “thẻ”, lôi cái đứa thiết kế, đứa duyệt mẫu ra mà đánh trăm roi vào đít. Làm như mèo mửa. Một cái thẻ tùy thân của người Việt mà ngay cả tiếng Việt cũng sai thì giời đất thiên địa nào chịu nổi. Còn nếu các chú có những dự định nào khác nữa thì làm luôn một thể đi, chứ cứ vài năm/lần, mệt nhau quá. Thứ cần thay không phải là cái thẻ, mà là cái đầu (óc) của nhà cai trị (8).

Đó cũng là lý do Kiem Mai Ba đặt vấn đề về “tính chính danh cho một thẻ định danh”: Việc thay đổi thủ tục hành chánh nào cũng làm mất thời gian tiền bạc của dân. Nhiều từ ngữ chính trị và hành chánh có sai văn phạm và ngữ pháp chứ không riêng gì chữ “căn cước”... Mất thời gian, tiền bạc, sai ngữ pháp là thường tình, tôi chỉ lo ngại, mất gần 80 năm mà sao công an không chọn được chính danh cho cái thẻ nhận dạng hay định danh cho công dân mình? Tôi ngại vì trong quá khứ, mỗi danh tánh (tên gọi) của chính quyền và công an gọi ai thường ẩn chứa quan điểm, lập trường của thời kỳ đó. Thí dụ, dùng từ “địa chủ”, “phú nông” thể hiện lập trường “đào tận gốc” thời cải cách ruộng đất, hoàn khác “quan điểm cởi mở” với từ “chủ trang trại” ngày nay. Từ “tư sản” và “gian thương” thời cải tạo Công – Thương – Nghiệp trái nghĩa với “doanh nhân thành đạt” ngày nay. Từ “người trốn đi nước ngoài, phản bội tổ quốc” hồi 1975-1989 tương phản với “Việt Kiều yêu nước, khúc ruột ngàn dặm”. Tên gọi hay kèm định kiến, thời bao cấp có một số tên gọi là xú danh hay hỗn danh, dành cho một số thành phần trong xã hội. Nhưng đến thời mở cửa, hội nhập các xú danh, hỗn danh được điều chỉnh thành chính danh. Định danh bằng thẻ căn cước có gắn chip hay nhận dạng bằng thẻ CMND có dấu vân tay và đặc điểm nhận dạng trong tiếng Anh họ đều dùng một từ là IDENTIFICATION. Mong Bộ Công an sớm đặt chính danh cho thẻ định dạng (hay nhận dạng) cho công dân mình (9).

Chú thích

(1) https://tuoitre.vn/bo-cong-an-de-xuat-mau-can-cuoc-moi-du-kien-cap-tu-1-7-20240211134403007.htm

(2) https://www.facebook.com/he.via.54/posts/pfbid0u6pi1uGARMRaSbNc7nNEC44e6ZCRq1jm6PiQjaEFBTNS46s9qUV4jk4VEM4TA7Z6l

(3) https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid0zKmiUsFst3UUgq1Z9JFovGz4KfZeSsYV4fyPSNZvETF31i7WRkqjAXxXjva2jRrcl&id=100017613422765

(4) https://www.facebook.com/congtutb.bui/posts/pfbid023WSrEp9sbJL9LaQqtRZZHTPrRmHiSKumtzYmfN7cK31iBioYWPR5Y6cADNzNAdskl

(5) https://www.facebook.com/luatsutrandinhdung/posts/pfbid02kJGKwCycrznhBRtDrLMgiECRsxmnebuHBzDeSrQ7QvMzP4cHyLCo97hDTSEySDMul

(6) https://www.facebook.com/huynh.kimhoang.5/posts/pfbid0DPoPS3QpxvGVD8A5Kuda5oY9BddVhvZxLtwvMJL8Q6wXZ6a8TK8JCusbk4Y4LcLxl

(7) https://www.facebook.com/viettan/posts/pfbid02PX8agmUcJgeo8LUN1dJgWFmhyYDRytBb26wjFh1ZUBpzrXEEA6cETtSLSD6D55Ggl

(8) https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid02s1vhnKsVHNNnDhrNgHE78dLR11AtjcFAt9mcHWyF5cHde7irptBwjwoa1ceF2mRWl&id=100024722048900

(9) https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid033qtGufbbQh5fVYkfNBwVTC9DJzXCX6DQzJCgqjPKrKLyKAhwpGGDK7D3iJaBo84El&id=100089087646024

  • 16x9 Image

    Thiên Hạ Luận

    Tự kể điều mình biết, tự nói điều mình nghĩ với hàng triệu người đã trở thành chuyện đơn giản và bình thường. Khi một người nói, nhiều người có thể cùng nghe, bất kể người nói là ai, làm gì, ở đâu thì vai trò, vị trí của cá nhân trong tương tác với xã hội đã khác trước và chắc chắn sẽ càng ngày càng khác.

    Đó cũng là lý do để dù muốn hay không, hệ thống truyền thông chính thống phải tự thay đổi. Ban Việt ngữ VOA cũng thấy phải tự thay đổi...

    Trước mặt bạn là “Thiên hạ luận” – chuyên mục mới của Ban Việt ngữ VOA. Tuy nhiên đây chỉ là bước đầu tiên - tập hợp thông tin, ý kiến của nhiều người sử dụng mạng xã hội bằng Việt ngữ về những sự kiện, vấn đề đang được nhiều người quan tâm và có thể là mọi người nên biết, nên bàn thêm - của một tiến trình.

    Liệu “Thiên hạ luận” có thể trở thành nơi mà độc giả chủ động đóng góp mọi thứ (thông tin, ý kiến, hình ảnh) về những sự kiện, vấn đề mà theo họ, mọi người cần biết, cần bàn hay không sẽ do các bạn quyết định.

    Các bài viết của Thiên Hạ Luận là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG