Đường dẫn truy cập

Nghĩ gì từ hiện tượng ‘du học rồi… mất tích’ (P1)


Nam Hàn là điểm đến ưa thích của du học sinh và lao động trẻ Việt Nam.
Nam Hàn là điểm đến ưa thích của du học sinh và lao động trẻ Việt Nam.

Không phải đến bây giờ du học sinh Việt Nam ở Nam Hàn mới nổi tiếng vì mượn danh nghĩa du học để có thể đến Nam Hàn cư trú bất hợp pháp.

Nhiều người Việt cư trú tại Nam Hàn thở dài trước tin Pusan National University (PNU) tạm ngưng tiếp nhận sinh viên Việt Nam đến học Hàn ngữ. Mỗi năm PNU tiếp nhận khoảng 400 du học sinh từ Việt Nam đến trường này để học Hàn ngữ nhưng đa số cùng bỏ học để ra ngoài đi làm bất hợp pháp. PNU sợ điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới họ nên đưa ra quyết định vừa kể (1).

Vào website của PNU để tìm thêm thông tin ắt sẽ thấy ở phần cung cấp dữ liệu hỗ trợ ghi danh bằng tiếnh Anh có lưu ý được highlight: Nationals of Africa, Vietnam, Mongolia, and Uzbekistan, please confirm the possibility of application with the regional coordinator via email in advance – Công dân các quốc gia châu Phi, Việt Nam, Mông Cổ và Uzbekistan nên dùng email liên lạc với Điều phối viên của khu vực để biết có thể nộp đơn hay không (2).

***

Visa cấp cho người ngoại quốc đến Nam Hàn học hành được xếp vào loại D. Trong đó D-2 dành cho nghiên cứu sinh tiến sĩ (D-2-4), sinh viên cao học (D-2-3), sinh viên đại học (D-2-2), sinh viên cao đẳng (D-2-1). D-4 dành cho những người đến Nam Hàn học trung học (D-4-3) hoặc trau dồi Hàn ngữ (D-4-1). Nhìn một cách tổng quát, có visa loại D vừa được phép đến Nam Hàn cư trú, vừa có quyền đi làm bán thời gian.

Cách nay khoảng ba tháng, ông Cho Jung-hun, Dân biểu Hạ viện Nam Hàn đã yêu cầu chính phủ Nam Hàn phải xem lại chính sách tiếp nhận sinh viên ngoại quốc đến Nam Hàn học hành. Dựa trên dữ liệu do Bộ Tư pháp Nam Hàn cung cấp thì có khoảng 65.000 sinh viên ngoại quốc đến Nam Hàn bằng visa D-4-1 để trau dồi Hàn Ngữ và tính từ tháng 6/2023, có khoảng 26.000 (40%) trở thành cư trú bất hợp pháp.

The Korea Times cho biết, trong 26.000 người đến Nam Hàn trau dồi Hàn ngữ nhưng cư trú bất hợp pháp, người Việt Nam chiếm đa số (gần 23.000 người), kế đó là Uzbekistan (khoảng 1.100 người), xếp thứ ba là Mông Cổ (hơn 800 người). Số lượng du học sinh đến Nam Hàn bằng visa D-2 nhưng bỏ dở việc học rồi trở thành cư trú bất hợp pháp cũng không hề nhỏ, riêng với D-2-1 (học cao đẳng), tỷ lệ cư trú bất hợp pháp lên tới hơn 27%.

Đó cũng là lý do nhiều người Nam Hàn tin rằng, mục đích thực sự của nhiều người đến Nam Hàn trau dồi Hàn ngữ là để kiếm việc làm. Song song với việc tường thuật nhận định, yêu cầu của ông Cho Jung-hun, rằng chính phủ Nam Hàn phải cẩn thận hơn trong việc cấp visa cho sinh viên ngoại quốc và phải có hướng dẫn chi tiết hơn để ứng phó với du học sinh từng quốc gia, The Korea Times nhắc lại một số sự kiện liên quan đến những người Việt tới Nam Hàn bằng visa D-4-1: Hồi tháng 8/2023, một thanh niên Việt Nam bị Tòa án quận Suwon phạt tù vì bán thuốc lắc. Thanh niên 23 tuổi này này đến Nam Hàn hồi tháng 7/2019 bằng visa D-4-1, lẽ ra phải rời Nam Hàn vào tháng 10/2021 nhưng không quay về Việt Nam... Khi làm việc trong một câu lạc bộ được người Việt ví von là “thánh địa ma túy”, anh ta bị bắt quả tang đang bán thuốc lắc...

Hoặc sự kiện 164/1.900 du học sinh Việt Nam đến Đại học Quốc gia Incheon học Hàn ngữ đột nhiên mất tích sau khi chương trình đào tạo khởi động chừng vài tháng. Do luật pháp Nam Hàn yêu cầu các cơ sở giáo dục phải báo cáo nếu du học sinh vắng mặt quá 15 ngày nên tháng 12/2019, Đại học Quốc gia Incheon buộc phải báo cáo chuyện mất tích hàng loạt này cho cảnh sát và báo cáo ấy kích hoạt một cuộc săn lùng khắp Nam Hàn (3)!

***

Chuyện xin visa sang Nam Hàn du học rồi bỏ học ra ngoài làm việc bất hợp pháp thật ra không mới. Cuối năm 2019, sau khi Đại học Quốc gia Incheon báo cáo có 164 du học sinh Việt Nam mất tích, báo điện tử VnExpress đã thực hiện một phóng sự bằng tiếng Anh mà tính chất giống như giải thích cho thiên hạ thông cảm, rằng tại sao du học sinh Việt Nam lại bỏ học hàng loạt để đi làm bất hợp pháp ở Nam Hàn (4).

Những người trong cuộc đã giải thích với phóng viên của VnExpress rằng họ xin visa D-4-1 để đến Nam Hàn không phải vì hiếu học mà vì “thủ tục đơn giản và khả năng được cấp visa lớn” để có cơ hội đi làm kiếm tiền ở Nam Hàn. Dù đó chính là là cư trú bất hợp pháp nhưng những người trong cuộc vẫn chọn lối này vì hoàn toàn bế tắc, không tìm thấy lối ra cho cả hiện tại lẫn tương lai của họ ở Việt Nam.

Ở Việt Nam, nếu tốt nghiệp đại học, có việc làm, họ cũng chỉ có thể kiếm được 250 Mỹ kim/tháng nhưng tại Nam Hàn, họ có thể được trả từ 2.500 đến 4.000 Mỹ kim/tháng. Chi phí cho việc thực hiện ý định quá lớn (vài trăm triệu) cộng thêm với hy vọng có đủ điều kiện để gầy dựng tương lai nên nhiều thanh niên Việt Nam hy sinh tất cả mọi thứ, kể cả sức khỏe cho công việc, phần lớn làm việc suốt tuần, kể cả ngày nghỉ...

Không phải đến bây giờ du học sinh Việt Nam ở Nam Hàn mới nổi tiếng vì mượn danh nghĩa du học để có thể đến Nam Hàn cư trú bất hợp pháp. Năm 2018, trong số gần 14.000 du học sinh cư trú trái phép tại Nam Hàn có 2/3 là thanh niên người Việt dù điều đó có thể khiến họ bị phạt 5.000 Mỹ kim và sáu tháng tù. Việt Nam cũng là quốc gia mà du học sinh phải gửi vào ngân hàng Nam Hàn khoản tiền cao hơn, rút ra khó hơn nhưng...

(còn tiếp)

Chú thích

(1) https://www.facebook.com/duonghoa.223/posts/pfbid0311Jc9mw2gMnqQPrH88XEj7rvEGvESt8Nf8x6LAzzrBNKpw39YQjYpCMwjCUB4mzBl

(2) https://lei.pusan.ac.kr/leieng/56426/subview.do

(3) https://www.koreatimes.co.kr/www/nation/2024/02/113_360839.html

(4) https://e.vnexpress.net/news/news/why-vietnamese-students-end-up-working-illegally-in-south-korea-4031179.html

  • 16x9 Image

    Trân Văn

    Trân Văn là bút danh của một nhà báo có 28 năm làm việc ở nhiều vị trí khác nhau (Cộng tác viên, Phóng viên, Biên tập viên, Thư ký Tòa soạn) của một số đài truyền hình, đài phát thanh, nhật báo, tuần báo, báo điện tử tại Việt Nam và Hoa Kỳ. Các bài viết của Trân Văn là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG