Nhiều tháng trước khi một khinh khí cầu do thám của Trung Quốc trôi dạt qua Alaska và Canada, quân đội Canada đã phát hiện và thu hồi các phao do thám của Trung Quốc ở Bắc Cực, một khu vực mà Bắc Kinh đã quan tâm từ lâu.
Các phao đó của Trung Quốc theo dõi tàu ngầm Mỹ và sự tan chảy của các tảng băng.
Trung tướng hồi hưu Lực lượng Vũ trang Canada (CAF) Michael Day cho biết các phao này có thể đã được sử dụng để theo dõi hoạt động của tàu ngầm hạt nhân Hoa Kỳ ở Bắc Cực, đồng thời để lập bản đồ đáy biển và độ dày của băng. Bắc Kinh đang để mắt đến khả năng giảm chi phí vận chuyển bằng cách đi qua vùng biển Bắc Cực, nơi đang trở nên dễ đi lại hơn do biến đổi khí hậu.
Tờ Globe and Mail đưa tin vào tuần trước rằng CAF đã phát hiện ra các phao giám sát vào mùa thu năm ngoái.
Bộ Quốc phòng Canada cho biết họ “nhận thức đầy đủ về những nỗ lực gần đây của Trung Quốc nhằm tiến hành các hoạt động do thám trong không phận Canada và các phương pháp tiếp cận trên biển sử dụng các công nghệ có mục đích kép”.
Trong một email gửi cho đài VOA, Bộ Quốc phòng Canada nói nỗ lực do thám của Trung Quốc đã bị Chiến dịch LIMPID của quân đội Canada ngăn chặn, một nhiệm vụ chuyên xác định các mối đe dọa đối với an ninh của đất nước bằng cách giám sát các vùng trên không, trên bộ và trên biển.
“Chúng tôi đang tiếp tục thực hiện mọi biện pháp thích hợp với các đối tác và cơ quan liên quan để bảo vệ chủ quyền của Canada và đang hợp tác với Bộ Tư lệnh Phòng thủ Hàng không Vũ trụ Bắc Mỹ (NORAD) để bảo vệ an ninh lục địa,” email cho biết.
Ông Pierre Leblanc, cựu chỉ huy Lực lượng Canada ở Bắc Cực, cho biết họ không được tiết lộ nơi tìm thấy các phao của Trung Quốc hoặc loại thiết bị nào có liên quan nhưng các phao nghiên cứu thường là để phát hiện chuyển động và độ dày của băng, cũng như các dòng hải lưu, nhiệt độ nước và độ mặn.
Ông Leblanc cho biết về mặt kỹ thuật, Trung Quốc có thể thiết kế một chiếc phao có thể ở trong nước hoặc nằm trong băng biển để nghe hoạt động nào đang diễn ra bên dưới. Đó sẽ là một cách để đánh giá liệu có bất kỳ hoạt động nào của tàu ngầm dưới chỏm băng hay không, ông nói với VOA trong một cuộc điện thoại.
Ông Rob Huebert, phó giáo sư tại khoa Khoa học Chính trị tại Đại học Calgary, cho biết công nghệ nghe dưới nước đã có từ lâu. Trong Chiến tranh Lạnh, để ngăn Liên Xô sử dụng tàu ngầm hạt nhân, Hoa Kỳ đã triển khai các mảng micrô dưới nước ở Lưu vực Bắc Đại Tây Dương và lần đầu tiên sử dụng cái được gọi là Hệ thống giám sát âm thanh.
Kể từ ngày 4/2, Canada và Hoa Kỳ đã phát hiện ra các khinh khí cầu giám sát tầm cao và các vật thể trên không không xác định khác từ Trung Quốc ở California, Alaska, Yukon và Hồ Huron ở Hoa Kỳ. Không có bằng chứng nào cho thấy ba vật thể bị bắn rơi cuối cùng ở Hoa Kỳ có liên quan đến gián điệp Trung Quốc.
Ông Huebert nói trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại rằng chức năng, số lượng, nguồn gốc của các phao Trung Quốc vẫn chưa được biết, cũng như câu hỏi liệu chúng có trôi dạt vào vị trí hay được định vị có chủ ý.
“Trường hợp xấu nhất, giả sử ba vật kia là của Trung Quốc, và rồi tới mấy cái phao này thì câu hỏi phải được đặt ra, ‘Tại sao lại đột ngột và cùng một lúc?’ Và như vậy, những sự kiện này có liên hệ hay không? Điều gì sẽ là lý do căn bản để thực hiện kiểu giám sát này trên bề mặt, có lẽ là cả dưới bề mặt nữa, và giám sát hàng không vũ trụ?” ông nói.
Canada có hơn 162.000 km đường bờ biển ở Bắc Cực — 75% tổng số đường bờ biển — nhưng thiếu phương tiện để giải quyết các lỗ hổng trong việc giám sát vùng biển Bắc Cực. Theo một báo cáo được Tổng thanh tra Canada Karen Hogan công bố vào tháng 11 năm ngoái, các vấn đề chính bao gồm giám sát không đầy đủ, không đủ dữ liệu về giao thông tàu thuyền, phương tiện chia sẻ thông tin về giao thông hàng hải kém và thiết bị lỗi thời.
Trung Quốc từ lâu đã quan tâm đến Bắc Cực.
“Trung Quốc đã gửi các nhân vật cấp cao đến khu vực này 33 lần trong hai thập niên qua và tham gia vào hầu hết các định chế lớn ở Bắc Cực,” theo một báo cáo của BBC. “Trung Quốc cũng đã mở rộng hạm đội phá băng của mình và gửi các tàu hải quân đến phía bắc, thường dưới vỏ bọc là các chuyến thám hiểm nghiên cứu khoa học.”
Chiến lược quốc gia về khu vực Bắc Cực do Hoa Kỳ ban hành vào tháng 10 năm 2022 đã cáo buộc Trung Quốc sử dụng các hoạt động khoa học để thực hiện nghiên cứu quân sự-dân sự ở Bắc Cực.
Chiến lược “vạch ra bốn trụ cột để tổ chức hành động: an ninh, biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế bền vững, hợp tác và quản trị quốc tế,” theo Trung tâm Wilson.
Khi trái đất tăng nhiệt làm tan chảy các chỏm băng, Trung Quốc hy vọng sẽ mở một tuyến thương mại đường biển ngắn hơn tới châu Âu, theo BBC.
Nhưng Canada coi Hành lang Tây Bắc, một tuyến đường biển nối Đại Tây Dương và Thái Bình Dương trong Quần đảo Bắc Cực của Canada, là vùng biển của mình và được quản lý bởi luật pháp Canada.
Bà Margaret McCuaig-Johnston, nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Khoa học, Xã hội và Chính sách của Đại học Ottawa, nói với VOA rằng Trung Quốc đã lập bản đồ đáy biển của Hành lang Tây Bắc, tuyên bố xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự ở Bắc Cực, và đang tích cực xây dựng các nguồn dữ liệu đa ngành mới để hiểu về các vùng cực. Nước này cũng đang phát triển các robot nhỏ di chuyển dưới lớp băng, tàu phá băng mới, hệ thống quan sát để theo dõi chuyển động của sông băng và các thiết bị thăm dò biển sâu tiên tiến hơn.
Bà McCuaig-Johnston nói: “Cho đến nay, Trung Quốc luôn xin phép mỗi khi họ cho tàu đi qua Hành lang Tây Bắc.” “Nhưng có thể đến một ngày khi họ quyết định không báo trước cho Canada rằng họ sắp đi qua và bắt đầu coi đó như thể đó là một hành lang quốc tế,” bà nói.
Ông Leblanc cho biết Canada có thể cấm tàu Trung Quốc ra vào Hành lang Tây Bắc nếu cần, “mặc dù Trung Quốc có thể tuyên bố rằng đó là một eo biển quốc tế nhưng điều này không phải là lập trường của Canada”.
Ông nói tiếp: “Canada đã thực thi chủ quyền của mình đối với các vùng biển đó trong nhiều thập niên và Canada sẽ tiếp tục làm điều đó. Vì vậy, nếu Trung Quốc có hành động tiêu cực, Canada có thể ngăn tàu đó hoặc bất kỳ tàu nào của họ đi qua Hành lang Tây Bắc”.
Ông Leblanc nói, “Nếu chúng tôi nghi ngờ rằng trên thực tế, họ đang tích cực sử dụng góc độ khoa học này của các thiết bị khác nhau để thực sự thực hiện công dụng kép, thì Canada nên hạn chế các hệ thống đó hoạt động ở Canada và ngăn chặn hoạt động khoa học ở Canada, vì lo ngại về việc sử dụng kép các hệ thống.”
Diễn đàn