Hôm trước đọc báo Tuổi Trẻ, thấy một vị lãnh đạo Phòng Lao động tiền lương Sở Lao động, Thương binh, Xã hội (LĐ-TB-XH) Đồng Tháp trả lời báo chí rằng “Lương của các sếp xổ số là thông tin nhạy cảm, không thể công khai”. Nhìn đi nhìn lại, chẳng thấy “nhạy cảm” chỗ nào; và dẫu có nhạy cảm thì với trách nhiệm công khai, sếp xổ số cũng phải công khai. Nhân chuyện này lại xin bàn về việc làm thế nào để hạn chế vấn nạn hễ động đến thu nhập lãnh đạo lại thành nhạy cảm.
Trách nhiệm của những người làm sếp
Theo báo, nhiều lần liên hệ với Sở LĐ-TB-XH Đồng Tháp để thu thập thông tin về lương của viên chức quản lý Công ty MTV Xổ số kiến thiết Đồng Tháp, cuối cùng ông Lương Tấn Kiệt, phó Phòng Lao động tiền lương của sở khẳng định: Lương của các “sếp” xổ số là thông tin nhạy cảm, không thể công khai. Tuy nhiên nếu nhìn lại sẽ thấy chữ “nhạy cảm” cũng chỉ là một phép ngôn từ để né tránh chất vấn từ báo chí. Về nguyên tắc, đã làm lãnh đạo thì các vấn đề về thu nhập đảm bảo phải minh bạch; thậm chí là công khai khi cần thiết nhằm đảm bảo sự yên tâm của công luận. Ngành xổ số là ngành có lợi nhuận hàng trăm tỷ đồng mỗi năm, có ảnh hưởng lớn đến toàn dân nên việc công khai thu nhập lãnh đạo là điều cần thiết.
Tất nhiên nói như vậy không có nghĩa là ai cũng có quyền được tiếp cận thông tin thu nhập lãnh đạo, bởi xét cho công bằng thì đó cũng là thông tin có yếu tố cá nhân. Ở các quốc gia phát triển, thu nhập của lãnh đạo các ban ngành, công chức đều rất minh bạch, sẵn sàng đối chất khi có những nghi ngờ từ giới truyền thông hay công luận. Thêm nữa chính phủ có hệ thống điện tử quản lý dữ liệu thu nhập cá nhân quan chức rất chặt chẽ đảm bảo thông tin không bị bóp méo hay thay đổi phục vụ lợi ích cá nhân của lãnh đạo.
Làm sao để ‘thu nhập’ không thành ‘nhạy cảm’
Cần có sự phân biệt giữa minh bạch và công khai thu nhập lãnh đạo hay quan chức. Minh bạch tức mọi thông tin phải đúng, đủ, rõ ràng. Còn công khai là đưa thông tin đó đến toàn dân. Cốt yếu và nền tảng của quản lý tiêu cực trong vấn đề thu nhập chính là minh bạch. Bất kể một nước nào muốn đảm bảo minh bạch cần siết chặt cơ chế kê khai tài sản cá nhân. Trong đó có sự tương quan giữa đạo đức của người làm quan chức (đạo đức quan chức) và khả năng giám sát của những người đại diện quần chúng.
Một quan chức có đạo đức, được bầu chọn hay tuyển chọn một cách công bằng, với tiêu chí rõ ràng sẽ dẫn đến hệ quả là việc kê khai tài sản sẽ tăng khả năng minh bạch. Mặt khác, đại diện công luận (các cơ quan dân cử; ủy ban giám sát;…) cũng cần có các cơ chế đối chiếu, so sánh, giám sát quá trình kê khai tài sản… sẽ khiến tính minh bạch cũng sẽ tăng theo. Thậm chí, chính người dân, thông qua các đường dây nóng, cũng là phương tiện quan trọng để tiến hành giám sát tài sản và thu nhập của các quan chức lãnh đạo hay các sếp đầu ngành.
Quan trọng hơn để đưa “đạo đức lãnh đạo” và “giám sát tài sản” trở thành các vấn đề gần gũi và giảm sự nhạy cảm, cần thực hành thường xuyên để tất cả trở thành văn hóa ứng xử, chứ không còn chỉ là quy định của pháp luật. Muốn thế nhà nước cần quyết liệt tiến hành các biện pháp đảm bảo tuyển quan chức hiệu quả và công bằng, giám sát và hoàn thiện cơ chế giám sát thường xuyên. Việc thực hành như thế sẽ tạo thành thói quen, tạo ra tính cách và văn hóa ứng xử, thay đổi được quan niệm chuyện thu nhập là chuyện nhạy cảm.
Bài học từ những nước bạn
Muốn hoàn thiện hệ thống giám sát và xử lý các trường hợp liên quan kê khai tài sản, minh bạch và công khai tài sản, bài học từ những quốc gia và vùng lãnh thổ có hệ thống chống tham nhũng tiến bộ là rất quan trọng. Trong đó phải nhắc đến Singapore, Hồng Kông (Trung Quốc), Nhật Bản, hay xa hơn là Hà Lan, Đức, Pháp, Anh. Thực tế tình hình tham nhũng tại các nước này là có, thậm chí đã từng có lúc căng thẳng. Tuy nhiên, với nhiều giải pháp thiết thực, họ đã cải thiện đáng kể thực trạng tham nhũng liên quan đến thu nhập cá nhân.
Ví dụ, việc áp dụng hệ thống chính phủ điện tử, vừa giúp hạn chế sự can thiệp của con người, vừa giúp mọi thứ thông tin trở nên minh bạch, rõ ràng, không thể lấp liếm hay che giấu được. Có những vụ án tham nhũng âm ỉ hàng thập kỷ, người tham nhũng tinh vi, nhưng chỉ cần một lần truy vết thì ngành chức năng có thể phát hiện ra các vấn đề tiêu cực; trích xuất dữ liệu và mọi thứ được đưa ra ánh sáng nhanh chóng.
Bên cạnh đó, hệ thống dữ liệu tài sản và kê khai tài sản luôn được hiển thị trực tuyến. Với từng cá nhân khác nhau sẽ có quyền truy cập vào thông tin cá nhân của những người khác nhau, phụ thuộc chức năng và quyền hạn. Thông tin này lúc nào cũng có thể được nhà nước công khai trong trường hợp nhận được phản hồi hay kiện cáo từ phía cơ quan giám sát hoặc từ phía người dân nếu thấy có gì đó bất thường.
Cuối cùng, cần thiết lập cơ chế giám sát quyền lực và giám sát chi tiêu. Thực tế cho thấy quyền lực càng cao và bị giám sát càng ít thì tiêu cực càng dễ xảy ra, thu nhập càng trở thành vấn đề nhạy cảm. Ở các nước, ở chừng mực nào đó, quyền lực của lãnh đạo ở các công việc chung (ai cũng thấy, cũng biết, cũng được góp ý, giám sát) có cao đến mấy cũng sẽ có sự đối trọng và phản biện. Điều đó khiến lãnh đạo muốn làm gì khác ngoài chức năng cũng rất khó. Hơn nữa, việc giám sat quyền lực và chi tiêu sẽ khiến mọi thứ theo khuôn khổ, và chuyện thu nhập trở thành vấn đề bình thường chứ không còn gọi là nhạy cảm.
* Blog của Cao Huy Huân là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.