Đường dẫn truy cập

Căng thẳng bán đảo Triều Tiên và chuyến Á du của TT Trump  


Dân Triều Tiên tụ tập tại quảng trường Kim Il Sung để dự một cuộc tuần hành chống Mỹ vào ngày 23/9/2017, ở Bình Nhưỡng.
Dân Triều Tiên tụ tập tại quảng trường Kim Il Sung để dự một cuộc tuần hành chống Mỹ vào ngày 23/9/2017, ở Bình Nhưỡng.

Đa số người Mỹ giờ xem Triều Tiên là mối đe dọa tức thời nhất đối với Hoa Kỳ. Tổng thống Donald Trump vào ngày 7-8/11 sẽ đi thăm Hàn Quốc, chặng dừng chân thứ nhì trong chuyến công du Châu Á của ông. Làm cách nào để đối phó với chương trình vũ khí hạt nhân và phi đạn đạn đạo của Bình Nhưỡng sẽ là chủ đề chính trong nghị trình làm việc của ôngTrump khi ông gặp gỡ các nhà lãnh đạo trong chuyến công du này.

Trong thời gian dẫn đến chuyến đi của Tổng thống Trump, các thành viên trong nội các của ông đã có mặt ở Châu Á để dọn đường cho các cuộc thảo luận cấp cao về những bước cần làm liên quan tới Triều Tiên.

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Jim Mattis phát biểu:

“Mục đích của chúng tôi không phải là chiến tranh, mà là tình trạng phi hạt nhân hóa toàn diện, có thể được kiểm chứng, và không thể lật ngược, của bán đảo Triều Tiên.”

Ngày càng có nhiều lo ngại ở cả hai bên bờ Thái Bình Dương về những gì cần làm để thực hiện mục tiêu đó.

Ông Jae Ku, Giám Đốc Viện nghiên cứu Mỹ-Triều Tiên nhận định:

“Tôi nghĩ rồi sẽ phải tới thời điểm quyết định –mà tôi có thể mang ra so sánh với cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba – sẽ tới thời điểm nhất định khi mà chúng ta phải làm quyết định, dù là quyết định chính trị hay quân sự, sẽ thay đổi khung cảnh chính trị của bán đảo Triều Tiên.”

Cho tới bây giờ, Tổng thống Mỹ và lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un, đã trao đổi những lời phát biểu nảy lửa chưa từng được nghe trước đây.

Ông Thomas Countryman, cựu Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách Kiểm soát vũ khí và An ninh quốc tế của Mỹ nhận định:

“Những lời nguyền rủa qua lại giữa hai bên phương hại tới tính chính đáng của Hoa Kỳ và giảm uy tín của Tổng thống Mỹ. Tôi thực sự cảm thấy bất an khi chứng kiến một Tổng thống nước Mỹ hạ mình xuống mức ngang hàng với những lời nguyền rủa và đe dọa mà chúng ta đã từng được nghe từ những người Triều Tiên trong nhiều năm qua.”

Một số người ở Hàn Quốc, kể cả đảng đối lập chủ yếu có khuynh hướng bảo thủ, đang hối thúc không những việc mang vũ khí hạt nhân chiến lược trở lại Hàn quốc, mà còn muốn được Hoa Kỳ ủng hộ và cho phép Seoul sở hữu vũ khí hạt nhân của riêng mình.

Ông Hong Joon Pyo, Chủ tịch đảng Triều Tiên Tự Do:

“Nếu hai nước tiến hành kế hoạch tái triển khai vũ khí hạt nhân chiến lược, tôi chắc chắn rằng làm như vậy không những chứng minh cho nhân dân hai nước thấy tình đoàn kết của liên minh Mỹ-Hàn, mà còn chặn lại ý định của Kim Jong Un muốn khiêu khích.”

Giám Đốc Viện nghiên cứu Mỹ-Triều Tiên nói:

“Chúng ta có thể cảm nhận nỗi lo lắng, nỗi sợ hãi, ta có thể cảm thấy có một điều gì đó khác mà người Triều Tiên đang phải đối mặt. Do đó, tôi nghĩ họ đã bám víu lấy ý tưởng theo đó vũ khí hạt nhân chiến lược có thể cung cấp an ninh cho họ, và họ chưa cân nhắc kỹ lưỡng các vấn đề rất phức tạp đi kèm.”

Theo lịch trình, Tổng thống Trump sẽ từ Hàn Quốc bay sang Bắc Kinh. Tại đây, ông sẽ thảo luận với Chủ tịch Tập Cận Bình về tình hình căng thẳng đang tăng trên bán đảo Triều Tiên. Trung Quốc là đồng minh đáng kể duy nhất còn lại của Triều Tiên, và đã bày tỏ bực dọc với nước láng gièng nhỏ hơn, nhưng ngày càng có thái độ khiêu khích. Dự kiến ông Trump sẽ yêu cầu Trung Quốc tăng áp lực hơn nữa đối với lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un.

VOA Express

XS
SM
MD
LG