Cảnh sát Bỉ công bố một bức hình cho thấy nghi phạm đang bị truy nã trong ba vụ đánh bom khủng bố hôm thứ Ba tại sân bay Brussels và một bến tàu điện ngầm, làm thiệt mạng ít nhất 30 người.
Bức hình chụp từ camera an ninh cho thấy một người đàn ông đội mũ đen, mặc áo khoác màu sáng, và đeo kính râm đang đẩy xe chất hành lý của sân bay bên cạnh hai người đàn ông khác, những người được cho là những kẻ đánh bom tự sát.
Nhà chức trách nói rằng người đàn ông bị truy nã này đã thoát khỏi sân bay.
Cảnh sát cũng cho biết họ tìm thấy một quả bom, những hóa chất, và một lá cờ của Nhà nước Hồi giáo trong một cuộc đột kích nhắm vào một ngôi nhà ở một khu dân cư ở Brussels trong khi truy lùng kẻ tình nghi.
Một quả bom chưa nổ thứ ba và ít nhất một khẩu súng Kalashnikov cũng được tìm thấy tại sân bay.
Nhà nước Hồi giáo đã lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ tấn công khủng bố hôm thứ Ba.
Hai quả bom phát nổ tại sân bay và một kẻ đánh bom tự sát kích nổ khoảng một giờ sau đó tại bến tàu điện ngầm Maalbeek, gần trụ sở của Liên minh châu Âu ở trung tâm thủ đô Brussels.
Ít nhất 30 người thiệt mạng và hơn 200 người bị thương. Cảnh báo khủng bố ở Bỉ đã được nâng lên mức tối đa.
Một quan chức Mỹ nói với VOA rằng không có lý do để nghi ngờ tuyên bố của Nhà nước Hồi giáo.
"Đây là một thời khắc đen tối ở nước chúng ta... tất cả mọi người xin hãy bình tĩnh và bày tỏ tình đoàn kết," Thủ tướng Bỉ Charles Michel phát biểu trước báo giới.
Tổng thống Mỹ Barack Obama phản ứng về những vụ tấn công ở thủ đô Havana, nói rằng "Chúng tôi sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết cho nước Bỉ bạn của chúng tôi để đưa những kẻ chịu trách nhiệm ra trước công lý." Ông nói rằng Mỹ đoàn kết sát cánh với Bỉ "cho những vụ tấn công gây phẫn nộ nhắm vào những người vô tội."
Video cho thấy mọi người nháo nhào chạy khỏi sân bay Zaventem ở Brussels, trong khi hai vụ nổ làm vỡ những cửa sổ lớn khiến những mảnh kính và gạch nằm ngổn ngang trên sàn sân bay. Có thể nghe thấy những tiếng khóc lóc và kêu cứu. Ít nhất 11 người thiệt mạng.
Camera an ninh cũng ghi lại cảnh tượng kinh hoàng tương tự tại bến tàu điện ngầm Maelbeek nơi có khoảng 20 người thiệt mạng. Những nạn nhân bước ra đường từ bến điện ngầm với những vết bỏng và vết thương.
Tất cả những chuyến bay tới và rời khỏi sân bay đã bị hủy bỏ và hệ thống tàu điện ngầm Brussels đã bị đóng cửa.
Nhà chức trách ở các thành phố Frankfurt, London, Paris, và Hà Lan đã tăng cường an ninh tại những sân bay của họ sau vụ đánh bom ở Brussels. Đến nay chưa thấy có liên kết trực tiếp nào với những vụ tấn công khủng bố hồi tháng 11 ở Paris mà Nhà nước Hồi giáo cũng tuyên bố thực hiện.
Một nghi can chính trong những vụ tấn công đó, Salah Abdeslam, đã bị bắt ở Brussels vào tuần trước.
Ông Max Abrahms, giáo sư môn khoa học chính trị tại đại học Northeastern University chuyên về khủng bố, nói rằng những vụ nổ rất có thể là một phần của những chuỗi hành động đã được lên kế hoạch trước vụ bắt giữ Abdeslam.
“Nó vốn đang được lên kế hoạch và rất có thể đã được tăng tốc thực hiện sau vụ bắt giữ,” ông nói với đài VOA.
Các vụ trấn áp những nhóm khủng bố thường thúc đẩy những kẻ khủng bố nhanh chóng hành động, theo lời ông Abrahms.
Ông cho biết “Có một lý do giải thích cho việc những nhóm khủng bố hay đánh trả lại ngay sau khi tổ chức của bọn chúng mất đi một điều gì đó là để nói rằng tổ chức của chúng chưa bị tiêu diệt.”
Một giới chức ngoại giao châu Âu cho đài VOA biết rằng “Chúng tôi phải làm quen với nó. Chúng tôi đã trải qua chuyện này hai lần năm ngoái.”
Giới chức này cũng nói rằng những dữ liệu gần đây gợi ý rằng có thể có hơn 3.000 người liên quan tới mạng lưới khủng bố ở châu Âu và những vụ tấn công tiếp sau hay tấn công bắt chước là một mối nguy đang tiếp diễn, mặc dù những giới chức khác nói rằng họ chưa thấy điều gì chỉ ra rằng có mối đe dọa cận kề.