Phải kể đúng tội trạng của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển (CSB)! Ngoài chuyện làm đổ một đoạn phên dậu, còn có thể khép họ vào tội gì nữa, nếu không phải là tội phản quốc? Trong bao nhiêu năm trời, họ đã đồng lõa và bảo kê cho bọn “cát tặc”, tiếp tay cho Trung Quốc bồi đắp trên quy mô lớn các hòn đảo cưỡng chiếm từ Việt Nam?
Trách nhiệm thuộc về ai?
Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam (CSB) là lực lượng vũ trang nhân dân, lực lượng chuyên trách của nhà nước, nòng cốt thực thi pháp luật và bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển. Tuy nhiên, theo truyền thông trong nước và quốc tế, các cựu lãnh đạo và lãnh đạo đương nhiệm của lực lượng ấy lại phụ lòng tin của đảng, nhà nước, quốc hội và nhân dân. Báo chí trích dẫn đánh giá của Ban bí thư ĐCSVN: “Những vi phạm này làm tổn hại nghiêm trọng đến uy tín của tổ chức đảng, hình ảnh của CSB và Quân đội nhân dân Việt Nam gây bức xúc dư luận xã hội, đến mức phải thi hành kỷ luật nghiêm theo quy định của đảng”.
CSB là cơ quan có con dấu hình quốc huy, danh nghĩa trực thuộc chính phủ, có ngân sách riêng của nhà nước, có cảnh hiệu, cảnh phục riêng do chính phủ quy định. Núi ngân sách khổng lồ lên đến hàng tỷ Mỹ kim rót cho CSB tùy nghi quyết định. Thế mà các ông tướng chỉ huy ấy tự “chuyển hóa” thành tướng cướp, với đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng để vơ vét cho đầy túi tham. Sự việc tham nhũng nghiêm trọng được xem như đại án gây phẫn nộ trong toàn lực lượng CSB Việt Nam. Sau hàng loạt đơn thư tố cáo của các sĩ quan, chiến sĩ trong lực lượng CSB, gởi đích danh ông Nguyễn Phú Trọng và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang về những bê bối, tham nhũng của các lãnh đạo CSB, Trung ương đảng mới vào cuộc và mọi việc mới được phơi bày.
Cũng giống như trước đây, phải chờ cho đến khi ông Trần Đại Quang qua đời, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng mới xử lý được một loạt tướng bên Công an, trong đó có 2 Thứ trưởng mang hàm Thượng tướng. Lần này, ông Trọng cũng phải chờ cho Bộ trưởng Phùng Quang Thanh “ra đi”, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch về hưu, ông Trọng cùng với Ban Kiểm tra TW (KTTW) mới xử lý được bộ hồ sơ nhức nhối này của CSB. Cuộc “truy vết” các đường dây bảo kê còn tiếp diễn. Dư luận trong nước cho rằng, danh sách tướng CSB bị xử lý có thể còn kéo dài, tất cả phải đến 13 vị, chứ không chỉ dừng lại ở con số 8 như đã thông báo. Cho dù 8 hay 13, thì cuộc thanh lọc lần này cũng chỉ mới là bề nổi của tảng băng. Lực lượng CSB tan hoang vì tướng lĩnh suy thoái là một phần, nhưng một phần quan trọng là do TBT Nguyễn Phú Trọng chưa hoàn thành trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc họ, với tư cách ông là Bí thư quân uỷ Trung ương trong suốt ba nhiệm kỳ Tổng bí thư. “Ba X” (Nguyễn Tấn Dũng) đã từ giã chính trường từ năm 2016. Vì vậy, phe Nguyễn Phú Trọng không thể đổ thừa cho “phe Ba X” trong đại án “dây chuyền” và biểu hiện cao nhất của “lỗi hệ thống” này.
Cuộc thay máu của Bộ Quốc phòng do tướng Phan Văn Giang khởi xướng, vì thế, còn phải tiếp tục. Tại sao? Xin mời nghe đánh giá của chính ngành Pháp chế quân đội, theo đó, “tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực quốc phòng, an ninh diễn biến phức tạp”. Mới đây, ngày 14/7, Đại tướng Phan Văn Giang đã chủ trì lễ ký kết Quy chế phối hợp hoạt động kiểm toán giữa Kiểm toán Nhà nước và Bộ Quốc phòng. Theo đó, hai bên cam kết, tiếp tục phối hợp nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, ban hành, sửa đổi các văn bản quy định về công tác mua sắm, đấu thầu, quản lý tài chính, tài sản công…
Đài RFA còn nêu một vấn đề khác, nhiều người quan tâm lúc này, tại sao một loạt tướng tá chỉ huy lực lượng CSB bị truất chức và bị đề nghị kỷ luật do những sai phạm trong suốt thời gian dài, dư luận cho là hàng chục năm có lẻ, mà giờ mới xử lý và cũng chỉ bị kỷ luật mà thôi chứ chưa bị khởi tố? Ai cũng hết sức ngạc nhiên vì điều này! Ngoài ra, lịch sử quân đội từ 1944 đến nay, chưa bao giờ có một chiến dịch nào, một trận đánh nào lại phải hy sinh cả tá các tướng lĩnh và sĩ quan cao cấp trên cả bốn vùng quản lý như thế. Vì vậy, theo giới quan sát, đây là một sự trả giá rất lớn đối với Tổng bí thư, Bộ Chính trị về trách nhiệm lãnh đạo đối với lực lượng CSB nói riêng và QĐND nói chung.
Liệu có còn các đại án khác?
Tội các tướng lĩnh CSB rất nghiêm trọng. Trước kết luận của Uỷ ban KTTW hôm 1/10, thì Thiếu tướng Lê Xuân Thanh và Thiếu tướng Lê Văn Minh đã bị cơ quan điều tra Bộ quốc phòng khởi tố và bắt giam. Dù những kẻ sâu mọt đã/đang bị ném vào “lò”, nhưng điều nhức nhối còn trong dư luận là, cơ chế nào sẽ bảo đảm để đội ngũ “kế cận” mấy vị tướng cướp trên sẽ không đi theo vết xe đổ của các bậc đàn anh? Bởi vì, xin mượn lời của TS. Trần Thất, nguyên Vụ trưởng Vụ Hành chính Tư pháp thuộc Bộ Tư pháp, viết trên trang FB cá nhân của mình: “Một thể chế đẻ ra tham nhũng, tạo điều kiện dễ dàng cho tham nhũng, rồi hò hét nhau chống tham nhũng thì cũng xứng đáng suy tôn thằng Bờm làm lãnh đạo đầu đàn phải không các vị?”
Chẳng thế mà Thiếu tướng Lê Kế Lâm, nguyên Chuẩn đô đốc Hải quân Việt Nam có lý, khi ông trả lời RFA hôm 1/10 rằng, vụ kỷ luật này là việc bình thường: “Việc kỷ luật này tôi nghĩ là bình thường. Đại hội 13 của Đảng CSVN kiên quyết đẩy mạnh chống tham nhũng và tiêu cực... Qua việc kỷ luật các tướng CSB chứng minh chống tham nhũng của Việt Nam không có vùng cấm, không chỗ nào là ưu tiên...” Chuyện đau lòng xảy ra như thế sao lại bình thường? Nghĩa là còn nhiều đại án khác? CSB là một mảng phên dậu quan trọng trong hệ thống phòng thủ của đất nước. Mảng phên dậu ấy đã đổ nát. Nhưng tại sao nó bị đưa ra hạch tội vào lúc này?
Thật chua xót, khi những người đại diện cho “niềm tin nơi đầu sóng” đã phản bội Tổ quốc, phản bội Nhân dân. Trong lúc các sĩ quan, chiến sĩ CSB tại cả bốn vùng 1, 2, 3, 4 Biển Đông ngày đêm bảo vệ an ninh các miền biển đảo quốc gia thì hầu hết chỉ huy cao cấp nhất của họ lại “nối giáo cho giặc”. Ngoài chuyện làm mất uy tín quân đội, có thể khép vào tội gì khi họ bảo kê trong bao nhiêu năm cho bọn “cát tặc”, tiếp tay cho Trung Quốc bồi đắp các hòn đảo cưỡng chiếm của Việt Nam? Ở đây không chỉ là vấn đề gây thiệt hại lớn tiền và tài sản của nhà nước, mà phải ghép bọn này vào tội phản quốc! Việc Uỷ ban KTTW truất phế Tư lệnh CSBVN và hàng loạt tướng lĩnh, đấy có phải là hành động quyết liệt, đặt kỷ cương phép nước lên trên hết?
Xin thưa không hẳn như thế! Nếu Uỷ ban KTTW đặt kỷ cương phép nước lên hàng đầu, thì họ đã phải xử lý vụ này từ lâu rồi. Nhân tố quyết định để đưa đại án này ra ánh sáng, theo những người am tường cuộc đấu ngầm đang diễn ra ở Ba Đình hiện nay là do “cái lồng nhốt quyền lực” của ông Trọng dường như bị lãng quên trong “cơn đại sóng thần” của con virus covid. TBT Nguyễn Phú Trọng dự cảm được vai trò của mình đang bị giảm sút rõ rệt trong cuộc chống dịch Covid 19 đang diễn ra. Một liên minh vô hình của “Bộ Tam” Chính – Huệ – Phúc đang bủa vây hạ uy thế của ông? Ông đã phải nhờ Tập Cận Bình gọi điện sang Hà Nội, vừa trấn an vừa cảnh báo phe đảng. Nhưng hình như vẫn có luồng dư luận quy phần trách nhiệm cho ông trong cái chết của hơn 15 ngàn dân Sài Gòn vừa qua.
Vậy phải ra tay “đại án” CSB và ông quyết không dừng tại đây. Ông biết, con hổ “quyền lực” mà ông đang cưỡi rất nguy hiểm. Ông sẽ cho triệt phá đường dây bảo kê bọn CSB vừa qua. Ông sẽ “sờ gáy” các Uỷ viên Bộ Chính trị đương chức như Đinh Tiến Dũng, Trần Tuấn Anh… để cho đẹp đội hình vùng miền. Bởi vì cánh Nam Bộ trước đây vẫn thắc mắc, tại sao xưa nay ông chỉ “đánh” Sài thành mà “nương nhẹ” đội quân Hà thành. Sau đại án này, ông phải lệnh cho Bộ Quốc phòng cần có một cuộc chỉnh huấn nghiêm túc không chỉ ở lực lượng CSB mà trong toàn quân. Tóm lại phải giữ cho cái lò của ông luôn luôn nóng. Ông phải chứng minh cho mọi người, mình còn tồn tại! Còn có chỗ trong trò chơi “vương quyền” này.