Chuyện đường cong trong giao thông chưa hạ nhiệt.
Thiếu tá Đào Văn Út, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông (CSGT) Phú Lâm của Phòng Cảnh sát giao thông Đường bộ - Đường sắt (Phòng CSGT ĐB-ĐS), thuộc Công an TP.HCM vừa khẳng định với tờ Thanh Niên là thuộc cấp của ông chỉ chặn các phương tiện giao thông qua lại ở đoạn đường cong dưới dạ cầu vượt quốc lộ 1 – hương lộ 2, tọa lạc ở quận Bình Tân để… nhắc nhở chứ chẳng phạt ai! (1)
Trung tá Vương Văn Nhựt, Đội phó Đội CSGT Rạch Chiếc của Phòng CSGT ĐB-ĐS thuộc Công an TP.HCM, cũng mới đưa ra khẳng định tương tự. CSGT của đội này chặn các phương tiện giao thông qua lại ở đoạn đường cong dưới dạ cầu vượt Trạm 2, tọa lạc ở quận 9 cũng chỉ nhằm… nhắc nhở chứ chưa lập biên bản vi phạm nào! (2)
Tờ Người Lao Động vừa “nói thẳng” là Phòng CSGT ĐB-ĐS thuộc Công an TP.HCM đang dùng thủ tục (đòi công văn, bằng chứng) nhằm “câu giờ”, “né tránh trách nhiệm” trong chuyện để mãi lộ hoành hành. Tờ Người Lao Động nhấn mạnh đã nhiều lần gửi công văn đề nghị trả lời những chuyện cụ thể liên quan tới mãi lộ nhưng chưa bao giờ nhận được phản hồi từ Phòng CSGT ĐB-ĐS thuộc Công an TP.HCM (3).
***
Hồi thượng tuần tháng này, một thanh niên cư ngụ tại quận 9, TP.HCM đưa lên Internet video clip ghi lại cảnh một nhóm CSGT chặn các phương tiện giao thông đang di chuyển trên khúc đường cong ở khu vực cầu vượt Trạm 2 không mở đèn báo rẽ để phạt. Đó là lỗi mà người vi phạm có thể bị phạt từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng nếu điều khiển xe hai bánh gắn máy và có thể bị phạt từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng nếu điều khiển xe từ bốn bánh trở lên.
Video clip bắt đầu bằng giải thích của người thực hiện nó về lý do anh muốn ghi lại những hình ảnh anh phải chứng kiến mỗi ngày và công bố để mọi người góp ý. Theo đó, việc CSGT chặn xe – xử phạt lỗi không mở đèn báo rẽ khi đang di chuyển trên khúc đường cong mà bản chất là độc đạo vừa phi lý, vừa nguy hiểm. Chưa kể bên cạnh nhóm CSGT thi hành công vụ luôn có những người mặc thường phục để “can thiệp” khi có ai đó phản kháng…
Video clip kết thúc bằng cuộc rượt đuổi giữa một trong những người mặc thường phục (mà trước đó người xem thấy anh ta đứng bên cạnh CSGT) với người ghi hình. Người xem nghe thấy người rượt đuổi tuyên bố rất dõng dạc: “Đ.M! Mày rảnh quá ha? Xóa clip đi cho tao!”...
Sau khi được đưa lên Internet, video clip đã được hàng chục ngàn người chuyền cho nhau xem. Nhiều tờ báo tường thuật lại sự kiện này và chuyển các thắc mắc của người thực hiện video clip – giờ là thắc mắc chung của công chúng - cho Trung tá Huỳnh Trung Phong, Trưởng Phòng CSGT ĐB-ĐS Công an TP.HCM.
Ông trung tá chỉ trả lời được một thắc mắc: Nếu di chuyển trên những con đường vốn dĩ là cong thì người điều khiển phương tiện giao thông không cần phải mở đèn báo rẽ. Những thắc mắc còn lại (CSGT có quyền lập chốt, chặn xe ở những nơi nguy hiểm cho người và các phương tiện giao thông như trên đường cong, cuối một con dốc… hay không? Việc phạt người điều khiển phương tiện giao thông di chuyển tại những khúc đường cong mà công chúng và báo giới đã nêu ra vì không mở đèn báo rẽ là đúng hay sai?) thì đến giờ, cả Trung tá Phong lẫn Phòng CSGT ĐB-ĐS của Công an TP.HCM vẫn chưa trả lời.
Không phải tự nhiên mà hàng chục ngàn người đòi câu trả lời rõ ràng. Tuy nhiên tuần trước, theo tờ Thanh Niên thì Trung tá Phong bảo đơn vị của ông chỉ có thể cung cấp câu trả lời sau khi phối hợp với Sở Giao thông – Vận tải TP.HCM làm rõ độ cong, độ dốc, hệ thống biển báo của từng đoạn đường cong (4).
***
Một vấn đề khác liên quan đến video clip vừa kể và công chúng đòi báo chí điều tra là tại sao luôn có một số người mặc thường phục tháp tùng những CSGT thi hành công vụ để ngăn cản, thậm chí trừng trị bất kỳ ai nêu thắc mắc hay phản đối CSGT chặn – phạt vô lý?
Sau khi hình ảnh bị trưng ra trên Internet và nhiều tờ báo, người đàn ông rượt đuổi người thực hiện video clip đã liên lạc với nhiều tờ báo để phân bua. Ông ta tự giới thiệu mình là Nguyễn Văn Hào, 37 tuổi, ngụ tại quận 9, kiếm sống bằng việc chạy xe ôm. Theo ông Hào, hôm đó, ông bị một thanh niên “quẹt” trúng và ngã ra đường nên tìm CSGT để trình báo, đó là lý do người ta thấy ông bên cạnh CSGT. Sở dĩ ông Hào rượt theo người quay video clip vì nhận ra anh chính là kẻ “quẹt” ông “ngã”…
Tờ Người Lao Động từng cho biết, sau khi ông Hào kêu oan, một số độc giả của họ khẳng định, khi thực hiện các video clip ghi lại việc bị CSGT sách nhiễu, họ cũng từng bị một số kẻ lạ mặt vu cáo va quẹt, gây áp lực buộc phải xóa video clip đã quay. Có một độc giả ngụ tại Tân Bình còn khẳng định, hồi tháng 4 vừa qua, ông Hào chính là người ép ông vào lề cho CSGT phạt. Sau đó ông Hào còn đòi ông bồi thường 300.000 đồng vì va chạm, gây hư hỏng xe... (5)
Trước cơn bão chỉ trích, dè bỉu, Trung tướng Lê Đông Phong, Giám đốc Công an TP.HCM, bảo với báo giới rằng, gần đây, những chuyện liên quan đến CSGT làm ông ta “đau lòng”.
Cách nay ba năm, khi xảy ra chuyện Phạm Sỹ Hoài Như, nhiều sĩ quan cao cấp của lực lượng công an nhân dân cũng từng bảo rằng họ cảm thấy “đau lòng”.
Cuối tháng 6 năm 2014, Như – Thượng úy, Tổ trưởng một tổ tuần tra của Đội CSGT thuộc Công an quận Tân Bình đã gọi điện thoại cho một nhóm du đãng đến ngã tư Tân Kỳ Tân Quý – Trường Chinh, đánh ông Nguyễn Văn Chín, ngụ ở Gò Vấp, vì ông Chín phản đối việc Như và thuộc cấp tạm giữ xe của ông.
Vụ hành hung khiến ông Chín “vỡ ruột non - suy hô hấp do sặc thức ăn trong dạ dày” rồi chết. Cái chết của ông Chín được xem như hậu quả tất nhiên của thực trạng CSGT dùng du đãng để trị những người “cứng đầu, cứng cổ” với mình mà công chúng và báo giới đã đề cập từ lâu nhưng lãnh đạo ngành công an nói chung và lãnh đạo công an TP.HCM không làm gì cả.
Tuy khẳng định Phạm Sỹ Hoài Như là một “bài học đau xót cho cả ngành” nhưng năm tháng sau khi ông Chín qua đời, Như mới bị khởi tố và tạm giam. Ba tháng sau khi bị tạm giam, Như được cho tại ngọai hầu tra. 18 tháng sau khi ông Chín qua đời, Tòa mới đưa những thủ phạm làm ông mất mạng ra xử sơ thẩm với cáo buộc “cố ý gây thương tích”. Như bị phạt 12 năm tù nhưng đến nay – tháng 7 năm 2017 - vẫn chưa phải thi hành án vì Tòa liên tục hoãn xử phúc thẩm…
Sau “bài học đau xót cho cả ngành” ấy, đến tận bây giờ, những người mặc thường phục như ông Hào vẫn tiếp tục “sát cánh” với CSGT, “hỗ trợ” CSGT “thi hành công vụ”!
***
Sự quan tâm của công chúng về cách CSGT “thi hành công vụ” tại những khúc đường cong dường như không đơn thuần là độ cong của con đường mà vì mức cong của những người thực thi luật pháp. Báo giới nhấn mạnh rằng, sở dĩ công chúng bất bình vì khi bị CSGT chặn lại với lỗi không mở đèn báo rẽ lúc đang di chuyển trên các khúc đường cong, nạn nhân nào cũng phải dúi tiền cho CSGT để khỏi bị lập biên bản vi phạm luật giao thông. Họ không thể phản kháng vì bên cạnh CSGT luôn có những người như ông Hào.
Chỉ bảo rằng “đau lòng”, thừa nhận là “bài học đau xót” rồi… thôi thì có lẽ CSGT vẫn thế - vẫn mang tiếng là quan tâm đến mãi lộ hơn bảo vệ, duy trì trật tự giao thông.
Khi lãnh đạo hệ thống công quyền đã nhiều lần khẳng định, sẽ xử lý những cá nhân đứng đầu các cơ quan, đơn vị để xảy ra nhũng nhiễu, tiêu cực thì lần này, nhân chuyện chưa phối hợp với Sở Giao thông – Vận tải TP.HCM làm rõ độ cong, độ dốc, hệ thống biển báo, mà Phòng CSGT ĐB-ĐS của Công an TP.HCM vẫn để thuộc cấp thường xuyên “chặn xe – nhắc nhở” trên những khúc đường cong, bất kể an toàn giao thông, bất chấp nhân tâm, sao không cách chức Trung tá Phong?
Hiệu ứng của tuyên bố “đau lòng” đối với việc xây dựng “hình ảnh công an nhân dân” hết sức tự trọng, có ý thức cao về trách nhiệm trong mắt công chúng rõ ràng sẽ thua xa việc Trung tướng Phong tuyên bố “từ chức” vì “con dại, cái mang” và dù muốn hay không ông ta cũng vẫn liên đới về trách nhiệm.
Có uốn mạnh như thế may ra mới đỡ cong.