Đường dẫn truy cập

Doanh nghiệp Việt Nam và cuộc cạnh tranh trong biển đỏ


Doanh nghiệp Việt Nam và cuộc cạnh tranh trong biển đỏ
Doanh nghiệp Việt Nam và cuộc cạnh tranh trong biển đỏ

Đối đầu với cạnh tranh không lành mạnh

Việt Nam cho đến bây giờ vẫn là một nền kinh tế mà luật pháp về cạnh tranh không được tôn trọng. Mặc dù Luật Cạnh tranh ra đời cuối năm 2004 và Cục Quản lý Cạnh tranh (QLCT) đã ra đời cùng năm nhằm thực hiện chức năng quản lý nhà nước về cạnh tranh giữa các doanh nghiệp và các hoạt động liên quan, cho tới nay hoạt động của Cục này vẫn còn hết sức hạn chế.

Từ khi thành lập, Cục QLCT chưa có nhiều hoạt động đáng kể trong việc chấn chỉnh môi trường cạnh tranh ở Việt Nam. Các vụ việc mà Cục QLCT điều tra xử lý chủ yếu nằm trong các mảng không thực sự quan trọng như quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh, bán hàng đa cấp bất chính, khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh, chỉ dẫn gây nhầm lẫn, và gièm pha doanh nghiệp khác. Hình thức xử lý của Cục này cũng chỉ mang tính hình thức.

Theo số liệu do Cục QLCT cung cấp, trong năm 2010 Cục đã ra quyết định xử lý đối với 25 vụ việc với tổng số tiền phạt là hơn 1 tỷ đồng (trong đó có 02 vụ việc đã bắt đầu điều tra từ năm 2009). Như vậy, tính trung bình, mỗi vi phạm chỉ bị phạt 40 triệu đồng. Đây rõ ràng là một con số không có chút tác dụng răn đe hoặc trừng phạt nào đối với đối tượng phạm luật.

Một trong các lý do khiến Cục QLCT khó thực hiện chức năng của mình là năng lực và đội ngũ của họ còn trong tình trạng rất sơ khai, và họ cũng không có động cơ thôi thúc phải làm quyết liệt việc giám sát cạnh tranh. Lý do khác không kém quan trọng là vấn đề doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trên thực tế đã quen với vai trò độc quyền và ngay cả khi phát hiện ra các hành vi vi phạm của DNNN thì Cục QLCT cũng không có chức năng xử lý.

Kinh doanh trong điều kiện luật cạnh tranh không được tôn trọng là một việc hết sức nguy hiểm. Thí dụ trường hợp của các hãng hàng không tư nhân khi phải cạnh tranh bất bình đẳng với Vietnam Airlines. Hồi đầu năm 2008, khi Vinapco (công ty xăng dầu hàng không) còn nằm trong tay Vietnam Airlines, đã xảy ra những vụ việc như Vinapco ngừng cấp nhiên liệu cho Jetstar Pacific sau khi Jestar Pacific không chấp nhận bị Vinapco phân biệt đối xử về giá (Vinapco bán nhiên liệu cho Jestar Pacific với giá đắt hơn mức bán cho Vietnam Airlines - vốn là công ty mẹ của hãng này).

Việc bị phân biệt đối xử về giá, và không được cung cấp nhiên liệu kịp thời đã gây ảnh hưởng lớn tới Jestar Pacific. Vụ này sau đó bị đưa ra trước Hội đồng Cạnh tranh Quốc gia và Vinapco bị phạt 3 tỉ VND – một con số không thực sự lớn nếu tính đến các tổn thất mà nó có thể gây ra cho các đối thủ cạnh tranh qua việc phân biệt đối sử về giá hoặc ngừng cấp nhiên liệu.

Còn nhiều vụ việc khác diễn ra ở nhiều thị trường khác nhau trong khắp cả nước nhưng vẫn chưa được Cục QLCT xem xét mặc dù được báo chí nhắc đến nhiều. Thí dụ các vụ liên kết thao túng giá cả, sử dụng các hợp đồng độc quyền để loại đối thủ cạnh tranh, làm giả, làm nhái, ăn cắp bản quyền…là những vi phạm vô cùng nghiêm trọng Luật Cạnh tranh và có hậu quả cực kỳ tai hại đối với môi trường kinh doanh của các doanh nghiệp tư nhân (DNTN).

Chính sách quản lý giá

Một khó khăn lớn khác của các DNTN Việt Nam bắt nguồn từ câu việc quản lý giá của nhà nước. Danh sách các sản phẩm thuộc diện bị quản lý giá hay “bình ổn giá” theo quy định của Bộ Tài chính không chỉ gồm các mặt hàng nằm trong tay doan h nghiệp 100% vốn nhà nước như điện, nước mà còn gồm cả các sản phẩm của doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Danh sách này bao gồm những mặt hàng cơ bản như xăng dầu, xi măng và thép xây dựng, khí hóa lỏng, phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, muối, sữa, đường ăn, thóc lúa, gạo tẻ thường, thuốc y tế cho người, cước vận chuyển, thức ăn chăn nuôi gia súc, và các mặt hàng do các ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định.

Tất cả các doanh nghiệp hoạt động trong các ngành này phải báo cáo giá lên Bộ Tài chính và mỗi khi muốn tăng giá thì phải báo cáo lên Bộ, và trong nhiều trường hợp phải có sự chấp thuận của Bộ. Vì quá trình báo cáo và xin phép mất rất nhiều thời gian, các DNTN trên thực tế bị tước mất khả năng phản ứng nhanh trước các biến động của giá đầu vào cũng như tình hình cung cầu trên thị trường.

Câu chuyện quản lý giá là câu chuyện luôn luôn nóng ở Việt Nam, và sẽ còn là câu chuyện dài kỳ. Lý do nằm ở hai điểm: Thứ nhất là mặc dù Việt Nam đã cải cách kinh tế theo hướng thị trường được 25 năm nhưng nhiều thị trường chủ chốt/thiết yếu vẫn chưa được tự do hóa (deregulate), thí dụ như như điện, xăng dầu, nước sinh hoạt, than. Vì tầm quan trọng của các thị trường này đối với toàn bộ nền kinh tế và việc nhà nước chưa sẵn sàng, cũng như chưa đủ năng lực, để tự do hóa khiến cho câu chuyện quản lý giá vẫn là câu chuyện dài.

Điểm thứ hai là do áp lực thường trực của lạm phát. Những công cụ điều tiết vĩ mô thường dùng ở các nền kinh tế đã phát triển để chống lạm phát như chính sách tiền tệ (tăng lãi suất, giảm cung ứng tiền tệ, thắt chặt tín dụng) và tài khóa (giảm chi tiêu chính phủ, thắt lưng buộc bụng) có vẻ như ít có tác dụng ở Việt Nam và thường được vận dụng mâu thuẫn nhau do các mục tiêu vĩ mô không có trọng điểm. Thí dụ, vừa kiềm chế lạm phát vừa tăng trưởng nhanh – điển hình như trong năm 2011 nhà nước vừa muốn tăng trưởng nhanh hơn năm 2010 với GDP tăng khoảng 7.5% vừa muốn lạm phát thấp hơn nhiều so với năm 2010 với CPI chỉ tăng khoảng 7% (hiện đã nâng lên 15%). Vì những mâu thuẫn chính sách như thế, có vẻ như gánh nặng kiềm chế lạm phát lại được đặt lên vai một thứ chính sách vốn không phải để chống lạm phát – đó là chính sách quản lý giá.

Sau khi đã có rất nhiều phía lên tiếng, đặc biệt là các hiệp hội như EuroCham, AmCham, và CamCham, vấn đề quản lý giá trở nên khá “nhạy cảm” và ít được nhắc đến hơn. Mặc dù vậy, nó vẫn tồn tại và cản trở các quyết định kinh doanh bình thường của doanh nghiệp trên thực tế.

* Blog của Tiến sĩ Trần Vinh Dự là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Trần Vinh Dự

    Trần Vinh Dự chuyên nghiên cứu, tư vấn, và viết về các vấn đề kinh tế của Việt Nam, Hoa Kỳ và thế giới. Ngoài lĩnh vực sở trường này, ông cũng thường xuyên viết về các vấn đề quan hệ quốc tế liên quan tới Á Châu. Trần Vinh Dự tốt nghiệp tiến sĩ kinh tế tại Đại học tổng hợp Texas ở Austin, làm chuyên gia tư vấn kinh tế cho tập đoàn ERS Group Inc., đồng sáng lập và là cố vấn cho Quỹ nghiên cứu Biển Đông.

Đường dẫn liên quan

VOA Express

XS
SM
MD
LG