Làn sóng dịch mới diễn ra tại Việt Nam trong dịp Tết Nguyên Đán đang đề ra một trong những thách thức lớn nhất cho Đảng Cộng sản, theo phân tích của một chuyên gia về chính sách công của Việt Nam, khi nó rơi vào đúng giai đoạn “hoàng hôn nhiệm kỳ”, thời điểm mà hệ thống lãnh đạo mới, cũ chưa được phân định rạch ròi chính thức.
Sau Đại hội 13 của Đảng Cộng sản, Việt Nam cơ bản đã định hình cơ cấu lãnh đạo cấp cao nhất cho 5 năm tới, với ông Nguyễn Phú Trọng tái nhiệm nhiệm kỳ thứ 3 ở vị trí tổng bí thư. Tuy nhiên, để có được bộ máy điều hành chính thức hoàn chỉnh thì cần phải đợi đến phiên họp tiếp theo của Quốc hội, dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 22/2.
Hoàng hôn nhiệm kỳ
“Khoảng trống là từ đại hội đảng cho đến lúc (họp) quốc hội để có được một bộ máy nhà nước, chính phủ. Khoảng trống này hay xảy ra tình trạng hoàng hôn nhiệm kỳ, tức là những quan chức sẽ thôi lãnh đạo trong nhiệm kỳ tới nhưng người ta vẫn còn giữ chức cho đến khi họp quốc hội, cho nên người ta cũng có thể tranh thủ thời gian khoảng trống này để trục lợi”, PGS – TS. Phạm Quý Thọ, chuyên gia chính sách công từ Bộ Kế hoạch & Đầu tư Việt Nam, nhận định với VOA.
Trong cuộc gặp chúc Tết các lãnh đạo cấp cao hôm 9/2, ông Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh đến “nhiệm vụ trọng tâm trước mắt” của hệ thống lãnh đạo Việt Nam là “phòng chống đại dịch Covid-19 có hiệu quả”.
Nhiệm vụ này cũng được một số lãnh đạo cấp cao khác liên tục lặp lại kể từ sau Đại hội 13, khi làn sóng dịch mới khiến cho số ca nhiễm COVID-19 tại Việt Nam tăng lên với tốc độ và số lượng cao nhất từ trước tới nay.
Bất chấp những nhắc nhở và đốc thúc trên, theo TS. Phạm Quý Thọ, tình trạng quan chức sắp mãn nhiệm lơ là trách nhiệm chống dịch là một thực tế khó tránh khỏi vào buổi “hoàng hôn nhiệm kỳ”, và yếu tố này sẽ góp phần làm tăng nguy cơ bùng phát dịch tại Việt Nam trong thời gian tới.
“Những quan chức như vậy thì người ta e rằng khi dịch bùng phát như thế này, trách nhiệm chống dịch của họ có thể bị xao nhãng, không thực sự có một tinh thần làm việc như khi họ bắt đầu một nhiệm kỳ”, TS. Phạm Quý Thọ nói.
Tính đến tối 12/2 (mùng 1 Tết), Việt Nam báo cáo có 2.142 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 520 ca nhiễm mới được ghi nhận trên nhiều tỉnh thành trong đợt dịch bắt đầu từ ngày 27/1.
“Đợt này khả năng nguy hiểm của nó đã được báo động ở mức cao nhất, nghĩa là áp dụng các chỉ thị 15, 16 từ đợt chống dịch trước, cho phép áp dụng những biện pháp mạnh nhất, có thể phong toả cả một thành phố như đợt dịch thứ hai bùng phát ở Đà Nẵng”.
Theo nhà nghiên cứu này, sự chủ quan của nhiều người dân tại Việt Nam, xuất phát từ tâm lý yên tâm với công tác phòng chống dịch của chính quyền trong thời gian qua, đang là yếu tố góp phần thêm vào nguy cơ bùng phát dịch rất cao trong đợt dịch mới này, bên cạnh những nguyên nhân khách quan khả dĩ về biến chủng virus.
Lửa thử vàng
“Chắc còn phải một thời gian nữa mới có thể khống chế được, nhưng sự lan rộng như thế này khiến cho chính quyền cũng có vẻ bối rối bởi vì Việt Nam là một nước nghèo. Năng lực y tế cũng có giới hạn”, TS. Phạm Quý Thọ đưa ra nhận định với VOA.
Ông phân tích: “Thí dụ muốn thành lập một bệnh viện dã chiến như kiểu ở Đà Nẵng thì thành phố Chí Linh (Hải Dương) không có khả năng. Cho nên khi Chí Linh bị dịch bệnh lan rộng thì người ta phải tháo dỡ bệnh viện dã chiến ở Đà Nẵng để chuyển sang, với cơ số khoảng 500 giường bệnh. Như vậy, năng lực tại chỗ là không đủ để kiềm chế dịch hoặc năng lực y tế để điều trị cho bệnh nhân mắc COVID”.
Chưa kể đến những nguy cơ tiềm ẩn về an ninh, chính trị, xã hội, chỉ với những tác động tiêu cực hiển hiện trước mắt trên, theo TS. Phạm Quý Thọ, công tác phòng chống dịch COVID-19, hơn lúc nào hết, đã trở thành một trong những thách thức lớn nhất đối với bộ máy lãnh đạo mới của Việt Nam trong nhiệm kỳ này.
“Người ta có thêm niềm tin hay bớt niềm tin vào bộ máy (lãnh đạo) này hay không, đấy chính là thách thức có thể nhìn thấy rõ nhất”, TS. Phạm Quý Thọ nói.
“Mặc dù người ta có thể tuyên truyền là rất thành công, thế nhưng thành công hay không thì đây sẽ là một thử thách hay một kiểm chứng của đại dịch đối với năng lực của bộ máy hiện tại trong việc chống dịch đồng thời với thúc đẩy hay duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế mà người ta đặt ra cho năm 2021 là khoảng 6%. Tôi e rằng chỉ tiêu này là không (đạt) được, hoặc nếu có đạt cũng không thể bền vững được”.
Tuần trước, ngay sau khi vừa được trao quyết định bổ nhiệm vị trí Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công Thương Việt Nam Trần Tuấn Anh nói trước báo giới rằng năm 2021 sẽ là năm “lửa thử vàng”, do tác động xấu của đại dịch COVID-19, bất chấp những lợi thế từ các Hiệp định Thương mại mà Việt Nam đã ký kết được trong năm qua.
Trong khi đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp với Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 hôm 8/2, đã yêu cầu các quan chức phải “huy động tổng lực thực hiện dập dịch triệt để, thần tốc khoanh vùng, truy vết, xét nghiệm trên diện rộng” để nhanh chóng kiểm soát tình hình.