Cụ Lê Hiền Đức là một người tích cực đấu tranh chống tham nhũng và luôn sát cánh cùng bà con dân oan. Cụ là một trong hai người được tổ chức Minh bạch Quốc tế trao Giải thưởng Liêm chính năm 2007. Những việc làm vì dân vì nước của cụ khiến cụ giành được sự kính trọng của rất nhiều người, kể cả giới chức cấp cao trong chính quyền Việt Nam.
Vậy nhưng, trong cuộc trao đổi qua điện thoại với cụ hôm 18/6 vừa qua, sau câu hỏi bất nhã “Bác có liên quan gì về quyền lợi ở Đà Nẵng không?”, viên Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh tiếp tục tỏ ra rất hỗn với cụ khi phát ra những câu như “Già rồi biết gì mà ý kiến” hay “Bọn phản động lôi kéo cụ à?”.
Thái độ hỗn xược của viên Bí thư Đà Nẵng đối với một người vừa đáng tuổi bà anh ta vừa được xã hội kính trọng khiến dư luận rất bất bình. Điều này trái ngược với câu phát biểu đi vào lòng người của anh ta mới chỉ cách đấy một tháng là: “Phải làm sao để người dân cảm thấy được tôn trọng và phát biểu ý kiến của mình” (!!!).
Lối hành xử thiếu văn hoá của vị “quan phụ mẫu” trẻ tuổi đứng đầu Đà Nẵng khiến không ít người phải lo âu khi dõi theo những gì đã và đang diễn ra tại thành phố biển chiến lược này.
Vấn nạn Trung Quốc ở Đà Nẵng
Vài hôm trước đó, dư luận đã phẫn nộ trước việc một du khách Trung Quốc ngang nhiên đốt tiền Việt Nam trong một quán bar ở Đà Nẵng rồi thanh toán bằng đồng nhân dân tệ. Vụ việc xẩy ra trong bối cảnh đồng nhân tệ ngày càng được sử dụng làm phương tiện thanh toán công khai ở Đà Nẵng, khiến dư luận phải đặt câu hỏi là phải chăng chính quyền Đà Nẵng đã bị Trung Quốc điều khiển?
Đà Nẵng là địa bàn hết sức quan trọng trong chiến lược phòng thủ quốc gia của Việt Nam. Cả Pháp và Mỹ khi đưa quân sang Việt Nam đều chọn đây làm nơi đổ bộ đầu tiên. Đà Nẵng cũng đã lọt vào đôi mắt cú vọ của người Trung Quốc từ lâu, và họ đã và đang tìm đủ mọi cách để thiết lập căn cứ vững chắc tại đây. Việc Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào hạ cánh xuống Đà Nẵng ngày 15/11/2006 để mở đầu cho chuyến thăm chính thức Việt Nam hoàn toàn không phải là ngẫu nhiên.
Hiểm hoạ Trung Quốc lớn nhất ở Đà Nẵng hiện nay là Silver Shores Đà Nẵng, một dự án khu du lịch nghỉ dưỡng và sòng bài nằm bên bờ biển và trước mặt sân bay quân sự Nước Mặn, do một công ty ma ở Hồng Kông đội lốt công ty Mỹ đầu tư. Ngoài diện tích dự án rộng tới 30ha, người Trung Quốc thông qua trung gian người Việt còn thâu tóm được hàng trăm lô đất xung quanh khu vực đặc biệt nhạy cảm về an ninh quốc phòng này để kinh doanh đủ thứ dịch vụ. Khách du lịch Trung Quốc kéo sang đây ngày càng nhiều và nườm nượp đổ về khu “Chinatown” mới vốn chỉ chuyên phục vụ người Hoa và không tiếp người Việt này.
Đà Nẵng cũng là một trong những tỉnh thành ven biển đang phải chịu ảnh hưởng nặng nề về kinh tế (đặc biệt là du lịch và ngư nghiệp) và môi trường từ vụ đại thảm hoạ môi trường do Formosa Hà Tĩnh gây ra ở Vũng Áng đầu tháng Tư vừa qua. Và giữa lúc cá vẫn tiếp tục chết la liệt dọc theo bờ biển Miền Trung thì hình ảnh Bí thư Nguyễn Xuân Anh cùng một loạt lãnh đạo thành phố tắm biển tại bãi biển Đà Nẵng sáng 1/5 khiến cộng đồng mạng được một phen bàn tán sôi nổi. Giống như hình ảnh tương phản giữa lời nói và việc làm qua vụ tai tiếng với cụ Lê Hiền Đức nêu trên, hầu hết mọi người đều coi hành động của anh ta là mị dân, thậm chí là vô trách nhiệm trước sức khoẻ và tính mạng của người dân, khi nhà chức trách vẫn chưa làm rõ nguyên nhân thảm hoạ.
Oái oăm thay, cả hai vấn nạn Trung Quốc mà ngài Bí thư trẻ tuổi đang phải đối mặt lại đều liên quan mật thiết đến một người mà thế gian này khó có ai cảm thấy thân thuộc như ông ta: cựu Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương Nguyễn Văn Chi.
Ông Nguyễn Văn Chi đã làm những gì mà để lại món nợ Trung Quốc nặng nề đến vậy cho quý tử của mình?
Che chắn cho trùm tham nhũng Nguyễn Bá Thanh
Sinh thời, cựu Bí thư Thành uỷ Nguyễn Bá Thanh là một trùm tham nhũng tại Đà Nẵng. Nhờ sự che chắn hết mình của cái ô khủng Nguyễn Văn Chi nên ông ta mặc sức tung hoành như một chúa tể ở đây. Thậm chí, ông ta còn bất chấp đạo lý đến mức chỉ đạo đưa Thiếu tướng Trần Văn Thanh (nguyên Giám đốc Công an Đà Nẵng) ra toà xét xử ngay cả khi viên tướng đang bị tai biến và có hai bệnh viện xác nhận là không đủ sức khoẻ để tham dự phiên toà vào ngày 20/7/2009. Mặc dù vậy, viên thiếu tướng công an vẫn bị đưa đến toà trên xe cứu thương trong tình trạng hôn mê, thở ô xy và phải truyền dịch, mà lý do là vì ông đã dám chỉ đạo điều tra một vụ tham nhũng liên quan trực tiếp đến ông Nguyễn Bá Thanh.
Cặp bài trùng Nguyễn Văn Chi - Nguyễn Bá Thanh phối hợp với nhau hết sức ăn ý, mà việc Nguyễn Xuân Anh được đưa từ báo Thanh Niên về Đà Nẵng và ngồi lên chiếc ghế Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Tp Đà Nẵng tháng 8/2006, mở đường cho hoạn lộ vô cùng hanh thông của Bí thư Đà Nẵng hiện nay, là một minh chứng điển hình. Chỉ 5 năm sau, Nguyễn Xuân Anh đã trở thành phó chủ tịch tỉnh trẻ nhất nước dưới trướng ông vua con Nguyễn Bá Thanh.
Và Nguyễn Bá Thanh chính là một trong những thủ phạm đầu têu của hiểm hoạ Trung Quốc mang tên Silver Shores Đà Nẵng. Ông ta đã bất chấp tất cả để tạo mọi điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư “made in Trung Nam Hải” này: cho thuê 30ha đất mặt biển ngay trước mặt một sân bay quân sự, với thời hạn lên tới 70 năm, vượt quá 20 năm so với luật định; cho đưa hàng nghìn người từ Trung Quốc sang thực hiện dự án; miễn giảm thuế đến mức tối đa; tác động để các ngân hàng địa phương rót tiền vào dự án...
Nhờ sự “bảo kê” của Nguyễn Bá Thanh mà Silver Shores mặc sức tung hoành ở Đà Nẵng: toàn bộ khâu thiết kế, thi công, giám sát dự án đều do người Trung Quốc đảm trách; người Việt Nam, kể cả báo chí, không được phép bén mảng tới khu vực dự án; các toà nhà toàn được đúc bằng bê tông cốt thép cực kỳ kiên cố, với nhiều tầng hầm dưới mặt đất.
Những vấn đề liên quan đến người Trung Quốc tại Đà Nẵng bắt đầu nở rộ kể từ khi “tiểu quốc” Silver Shores của Đại Hán ra đời ở đây vào năm 2006. Và thảm trạng đó có “dấu ấn” rất rõ nét của ông trùm Nguyễn Văn Chi.
Viết lại báo cáo thẩm tra lý lịch cho một người Hán trá hình
Năm 2001, do có nhiều đơn thư khiếu nại và tố cáo, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư cho thẩm tra việc khai man lý lịch của ông Hoàng Trung Hải. Ban Tổ chức Trung ương giao cho Ban Bảo vệ Chính trị Nội bộ Trung ương (BVCTNB) tiến hành thẩm tra và lãnh đạo Ban BVCTNB quyết định thành lập đoàn thẩm tra do ông Nguyễn Bình Giang, Phó ban Thường trực, làm trưởng đoàn.
Sau khi làm việc với Thành uỷ và Công an Hải Phòng, Tỉnh uỷ và Công an Thái Bình, Tổng Cục Chính trị QĐNDVN và một số cơ quan chức năng, Đoàn Thẩm tra của Ban BVCTNB đi đến kết luận: Ông Hoàng Trung Hải là người Hoa vì bố ông ta tên là Sì Sói, sinh ra và lớn lên ở Long Khê, Chương Châu, Phúc Kiến, Trung Quốc.
Tuy nhiên sau đó, một số lãnh đạo chóp bu đã ép Ban BVCTNB viết lại báo cáo, với nội dung hoàn toàn không đúng bản chất vụ việc. Ông Nguyễn Bình Giang đã khảng khái từ chối yêu cầu đó. Và người đứng ra viết bản báo cáo mới về kết quả thẩm tra lý lịch ông Hoàng Trung Hải chính là ông Nguyễn Văn Chi, bấy giờ là Trưởng ban BVCTNB.
Nhờ thành tích “đổi trắng thay đen” đó, tại Hội nghị Trung ương 7 khoá IX tháng 1/2003, ông Nguyễn Văn Chi được bầu bổ sung vào Ban Bí thư và tiếp quản chiếc ghế Trưởng ban Kiểm tra Trung ương đầy quyền uy.
Và nhờ bản báo cáo do ông Nguyễn Văn Chi chấp bút, ông Hoàng Trung Hải từ chỗ bị nhiều người khiếu nại, tố cáo bỗng chốc trở thành “đảng viên trong sạch” và hoạn lộ của ông ta cứ thế thênh thang. Ông ta trở thành Bộ trưởng Công nghiệp từ tháng 8/2002 ÷ 7/2007, Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế từ 8/2007 ÷ 4/2016, lọt vào ban lãnh đạo tối cao Đảng CSVN tại Đại hội XII trước khi trở thành Bí thư Thành uỷ Hà Nội từ tháng 2/2016 đến nay.
“Di sản” của ông Hoàng Trung Hải sau 14 năm nắm giữ những chức vụ trọng yếu nhất trong chính phủ cũng sặc sụa mùi Tàu như bản lý lịch của ông ta, mà một trong số đó chính là hiểm hoạ quân sự - kinh tế - môi trường mang tên Formosa Hà Tĩnh, thủ phạm của đại thảm hoạ môi trường mà quý tử của ông Nguyễn Văn Chi cũng như nhân dân Đà Nẵng đang phải vật lộn đối phó.
Dĩ nhiên, Silver Shores Đà Nẵng cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt của ngài Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế. Báo Công an Đà Nẵng ngày 14/1/2010 đưa tin: “Nhân chuyến làm việc tại TP Đà Nẵng, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đến thăm và kiểm tra tình hình triển khai Dự án Khu Du lịch và Giải trí quốc tế đặc biệt 5 sao Silver Shores Hoàng Đạt với vốn đầu tư 86 triệu USD, đang được xây dựng tại bãi biển Bắc Mỹ An thuộc địa bàn P. Khuê Mỹ, Q. Ngũ Hành Sơn...”
Vài lời với ông Nguyễn Xuân Anh
Thưa ông Nguyễn Xuân Anh, các dân oan Cồn Dầu, một “di sản” khác mà ông Nguyễn Bá Thanh để lại cho ông, có thể không có mối “liên quan” rõ rệt nào với cụ Lê Hiền Đức, nhưng việc thân phụ ông xử lý vấn đề Hoàng Trung Hải cũng như việc ông giải quyết các vấn nạn Trung Quốc hiện nay ở Đà Nẵng lại liên quan vô cùng thiết thân đến mọi người dân Việt Nam.
Nếu ở Việt Nam có ai đó phản động theo nghĩa “phản dân, hại nước” như ông muốn nói với cụ Lê Hiền Đức thì ngài cựu Trưởng ban Kiểm tra Trung ương Nguyễn Văn Chi chính là một trong số đó. Hơn thế, cha ông không phải phản động một cách khó hình dung, mà đích thị là một trong những kẻ “rước voi về dày mả tổ”. Ông ta đã trở thành một tội đồ của nhân dân, của lịch sử, và không thể làm gì để thay đổi điều đó được nữa. Gánh nặng đó giờ đây được đặt lên vai ông. Ông hoặc là phải trả món nợ cho cha ông một cách sòng phẳng, hoặc là sẽ bị nó nhấn chìm.
Trong trường hợp ông có ý chối bỏ cả trách nhiệm chính trị lẫn nghĩa vụ đạo đức đó thì xin hãy nhớ lấy câu châm ngôn vận rất đúng vào mối duyên nợ giữa cha con ông với Trung Quốc là: “Ngày xưa quả báo thì chầy / Ngày nay quả báo một giây nhãn tiền!”
* Blog của Lê Anh Hùng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.