Đường dẫn truy cập

Châm cứu và các vấn đề rắc rối


Hình minh họa.
Hình minh họa.

Vào cuối năm 1960, nước Cộng Hòa Nhân DânTrung Quốc lập bang giao với Hoa Kỳ sau hơn hai mươi năm không nhìn mặt nhau. Số là sau một thời gian giá lạnh thì cuộc thăm viếng của Tổng Thống Hoa Kỳ Richard Nixon vào năm 1972 đã làm thay đổi tình hình giữa hai nước và trên thế giới. Điểm này đã tạo ra những chú tâm của phía Tây phương tới tất cả những gì Trung Quốc làm kể cả các kỹ thuật về Châm Cứu mà trong thời Chủ Tịch Mao có đến gần một triệu người hành nghề.

Những phái đoàn tiếp sau cuộc viếng thăm của Tổng Thống Nixon cho hay các cuộc giải phẫu và chữa bệnh với những kim làm bằng bạc, hoặc thép không rỉ của các châm cứu gia đưa vào hơn ba trăm “huyệt” của bệnh nhân.Theo các vị này thì mũi kim có mục đích đưa vào hoặc lấy ra khỏi cơ thể những cảm giác đau khiến con người dễ chịu hơn.

Châm cứu và kỹ thuật Nhật Bản dùng ngón tay thay vì với kim đã từ lâu xa lạ với y khoa và dân chúng Tây phương. Nhưng kể từ nay châm cứu và các kỹ thuật chữa bệnh Đông phương đều được nghiên cứu rộng rãi hơn.

Xem xét kỹ những điều đã nêu ra

Những điều kỳ lạ nhất do châm cứu nêu ra vào thập niên 1970 đều bị gạt bỏ hết. Chẳng hạn như những trường hợp nhiễm trùng nặng: gẫy xương; ung thư; các bệnh tim; bệnh cử động thần kinh và teo thịt. Họ cũng thừa nhận rằng một số bệnh nhân như các em còn nhỏ hoặc những người thật già hoặc suy yếu đều không chữa bằng kim được nhưng có thể dùng sức ép của ngón tay hoặc bằng những cách khác.

Tuy nhiên vẫn có một danh sách thật dài về tâm lý hoặc thể chất mà những người ủng hộ châm cứu nêu ra như lo sợ và trầm cảm hoặc đau khớp hoặc trĩ hậu môn. Vào năm 1973, cơ quan Royal Society of Medicine ở Anh quốc công bố một danh sách gồm 642 trường hợp chữa bằng châm cứu. Nghiên cứu này cho hay có 37 phần trăm bệnh nhân đều cho là có kết quả tốt hoặc trung bình còn các trường hợp khác lại nói rằng châm cứu chẳng giúp gì cả.

Tỷ lệ cao nhất nói là chữa khỏi đều là thiên đầu thống, suyễn và đau bụng khi có kinh. Những người nói là kết quả không ra gì cũng gồm có đau bụng khi có kinh nguyệt, lở cuống bao tử và ăn khó tiêu, các trường hợp tâm trí, liệt dương hoặc lạnh cảm. Chín phần mười những người bị đau bắp thịt, bốn trên năm người bị sốt và ba trong bốn người bị viêm khớp xương đủ loại đều nói là chỉ có vài công hiệu mà thôi.

Những kết quả của nghiên cứu này hoặc các nghiên cứu tương tự chứng minh rất ít kết quả theo y học tây phương. Tuy vậy, số các bác sĩ coi châm cứu là phụ cho y khoa chính thống ngày một gia tăng, đến nỗi bên Mỹ năm 1980 có khoảng vài trăm bác sĩ và ở các nước Tây phương có đến mấy ngàn người. Tại các nước như Ấn Độ, Tích Lan và Nga Sô Viết số châm cứu gia đóng vai trò quan trọng trong y học theo lối Tây phương .

Các nghiên cứu Tây phương về châm cứu tập trung nhiều vào khả năng giảm đau và vào một số các khả năng khác. Thí dụ kẹp vào rái tai để chữa ghiền chất nicotine và những loại ghiền khác.

Châm cứu công hiệu như thế nào?

Người Trung Hoa khi xưa tin tưởng châm cứu dựa trên nguyên tắc là năng lượng “khí” được luân lưu khắp cơ thể, giữa các bộ phận sinh tử, dọc theo một số đường mà họ gọi là “kinh”. Ở những điểm châm cứu, nơi mà đường kinh gần mặt da hơn cả , những nhà châm cứu khéo tay có thể duy trì hoặc tái lập đường kinh đi để lấy lại sự thăng bằng. Nhưng cho đến ngày nay chưa có bằng chứng nào về đường “kinh” là có thật.

Theo các nhà khoa học tây phương, châm cứu chỉ là một sự ru ngủ hoặc gợi ý và một số yếu tố hình như đã chứng minh điều đó. Một phần ba các nhà châm cứu cũng thừa nhận điều này là đúng. Hơn nữa sự thành công của châm cứu ở Trung Quốc cao hơn là ở các quốc gia Tây phương là vì người Trung Quốc tin tưởng vào châm cứu.

Để chống lại các luận cứ kể trên, những người ủng hộ châm cứu thường nói rằng môn chữa bệnh này được dùng thành công ở súc vật. Họ cũng nói thêm rằng ở Trung Quốc, châm cứu là một phần của dinh dưỡng, vận động cơ thể và các hoạt động khác, tất cả đều có mục đích là làm thăng bằng âm và dương, là những điều không đúng đối với Tây phương.

Một lý thuyết đặc biệt kết nối giữa châm cứu với sự giảm đau đã xuất hiện giữa năm 1960, mấy năm sau khi nổi lên phong trào ưa thích đến vấn đề này. Trong lý thuyết “gate control” của các nhà nghiên cứu Ronald Melzack và Patrick Wall, kích thích bằng châm cứu có thể chặn cảm giác đau nơi tủy sống. Nhưng lại không giải thích được trường hợp đau lâu năm như trong bệnh viêm khớp kinh niên.

Ngoài ra, quan sát kỹ các điểm châm cứu cho hay nhiều điểm nằm ở chỗ mà dây thần kinh ló ra ngoài da hoặc một sợi dây thần kinh chạy vào bắp thịt đó. Cuối cùng, 71% các điểm châm cứu tương ứng với các điểm gây bệnh trên da mà một số bệnh trở nên mềm hơn là trong nhiều bệnh khác, chẳng hạn thấy đau ở vai vì đau ở gan.

Vào thập niên 1970, trong khi nghiên cứu về hệ thần kinh trung ương, các khoa học gia đã đưa ra một giả thuyết về châm cứu. Họ tìm thấy rằng các loại dược phẩm như morphine và heroin đã tác dụng lên các “điểm nhận” của não bộ hoặc tủy sống. Họ lý luận rằng các điểm tiếp nhận sẽ không có ngoại trừ cơ thể sản xuất ra các chất tương tự, giảm đau ở người bệnh và tăng những cảm giác dễ chịu đối với người khỏe mạnh. Năm 1973, chất này gọi là endorphins được các nhà khoa học phân tích.

Chất endorphins được coi như có trách nhiệm về trì hoãn cơn đau ở những ai bị chấn thương nặng, kể cả người bị đau vì thể thao. Một số tác giả gợi ý rằng châm cứu và những kỹ thuật tương tự hoàn thành công dụng của mình bằng cách nhả ra chất endorphin và các chất hóa học khác. Sự liên hệ có thể chưa chứng minh hết nhưng các nghiên cứu vẫn tiếp tục bởi vì nó an toàn và không gây nghiện để bớt đau.

  • 16x9 Image

    Nguyễn Ý-Đức

    Bác Sĩ Nguyễn Ý Đức, Tuổi Ất Hợi, Nguyên quán Hải Dương. Hiện đang cư ngụ tại Texas, Hoa Kỳ.

    Tốt nghiệp Tiến Sĩ Y Khoa tại Đại Học Y - Dược Sài Gòn năm 1963. Hành nghề Y Khoa Gia Đình, tại Việt Nam và Hoa Kỳ gần 50 năm. Hiện đã về hưu và đang định cư tại Hoa Kỳ.

    Tác giả của nhiều sách và bài viết tiếng Việt về sức khỏe, dinh dưỡng và những vấn đề y tế xã hội đã được in, phát hành ở Hoa Kỳ và Việt Nam.

    Hợp tác với chương trình phát thanh VOA, RFI, RFA, Việt Nam Hải Ngoại, VietRadio, VAB, Dallas Radio, Lạc Việt Radio Canada, và truyền hình trong ngoài nước như O 2TV, Vietface TV, Vietv, CMG TV, báo như Tuần Báo Trẻ, Người Việt, Việt Vùng Vịnh, Thời Báo, Bút Việt, Á Châu Thời Báo, Thằng Mõ, Hướng Đi… Tham gia chính chương trình Vấn Đáp Sống Khỏe của Hội Con Rồng Cháu Tiên Việt Nam Canada và YKHOANET thực hiện để phổ biến các tin tức y học, nâng cao sức khỏe dân chúng.

VOA Express

XS
SM
MD
LG