Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ (DHS) mới đây loan báo rằng hơn 260.000 người El Salvador đang sinh sống ở Hoa Kỳ sẽ bị tước Quy chế bảo vệ tạm thời (TPS). Lập luận của DHS là các điều kiện ở El Salvador đã cải thiện đủ để họ có thể trở về quê hương, bất chấp nhiều gia đình với những thành viên thuộc nhiều thế hệ đã trải qua 16 năm hội nhập vào xã hội Mỹ. Chấm dứt quy chế TPS áp dụng cho các cộng đồng El Salvador, là động thái mới nhất tiếp theo sau quyết định tương tự đối với những người hưởng quy chế TPS đến từ Haiti, Nicaragua và Sudan. Phóng viên VOA tiếp xúc với một gia đình El Salvador ở bang Virginia, để tìm hiểu kế hoạch của họ cho tương lai.
Khi mới lên 15 tuổi, José Hercules bắt đầu cuộc hành trình tới Hoa Kỳ, với một mục đích duy nhất:
"Mục đích của tôi luôn luôn là để làm việc. Tôi thậm chí không nghĩ tới việc học ... chỉ làm việc".
Hercules tới Hoa Kỳ một mình trong tình trạng không có giấy tờ. Sau một số công việc vặt vãnh, anh tìm được niềm đam mê của mình trong việc làm vườn, và được cấp giấy phép làm việc thông qua Quy chế bảo vệ tạm thời (TPS). Nhờ chuyên cần lao động anh dần dà cải thiện được vị thế của mình trên nấc thang kinh tế, và ngày nay, trở thành chủ của một cơ sở kinh doanh riêng, với hai nhân viên làm việc toàn thời, giúp phép anh chu cấp cho vợ, một công dân Mỹ gốc El Salvador- và hai con trai sinh ra ở Mỹ, 12 tuổi và 3 tuổi.
Nhưng chương trình đã cho phép anh cùng 260.000 công dân El Salvador cư ngụ và làm việc hợp pháp tại Hoa Kỳ từ năm 2001, sẽ chấm dứt vào tháng 9 năm 2019, theo thông báo của chính quyền Tổng thống Trump. Hercules hiểu rõ những nguy cơ mà anh phải đối mặt, nếu bị bắt buộc phải bắt đầu lại từ đầu. Anh nói:
"Ở nước chúng tôi có rất nhiều tội phạm, mọi thứ đều khó khăn, không thể nào có cuộc sống tốt đẹp như ở đây, không thể được bình yên như ở đây. Nhưng trên tất cả, là có việc làm, có thể làm việc và cung cấp một cuộc sống tốt đẹp hơn cho gia đình tôi."
Theo anh ước tính, cần chi khoảng 7.000 đô la Mỹ cho các chi phí pháp lý để có được giấy phép làm việc mà giờ anh có thể bị tước mất, nếu không thể xoay sở để tìm được một giải pháp khác để hợp pháp hóa tình trạng của mình. Bất chấp tình trạng bấp bênh đó, gia đình của anh nhất quyết theo anh. Chị Sonia Hercules, vợ của anh quả quyết:
"Tôi sẽ đi theo chồng tôi tới bất cứ nơi nào, tôi sẽ theo con tôi tới bất cứ đâu. Chúng tôi sẽ cùng đồng hành. Nếu không có lựa chọn nào khác, thì đó là điều mà chúng tôi sẽ phải làm."
Vào tháng Năm, khi tình trạng của những người được hưởng Quy chế bảo vệ tạm thời (TPS) từ Haiti trở nên bấp bênh, Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ, và Chánh Văn phòng Toà Bạch Ốc bây giờ là ông John Kelly, nhấn mạnh rằng ngay từ đầu chương trình này “không thể kéo dài vô tận.”
Ông John Kelly khẳng định:
"Theo định nghĩa, Quy chế bảo vệ tạm thời (TPS) là tạm thời – và ngay từ khi hình thành nó đã mang ý nghĩa tạm thời."
Bộ trưởng Ngoại giao El Salvador Hugo Martinez có một kế hoạch để thi hành trước khi Quy chế bảo vệ tạm thời (TPS) chính thức chấm dứt.
Ông Martinez nói:
"Với thời gian còn lại trước khi Quy chế bảo vệ tạm thời (TPS) chấm dứt, chúng ta có một cánh cửa cơ hội để vận động hành lang cho các luật lệ phục vụ cho lợi ích của các công dân El Salvador đang được hưởng quy chế TPS".
Nhưng đối với các gia đình như gia đình Hercules, lời trấn an đó đó khó có thể làm họ yên tâm.