Đường dẫn truy cập

Chân trần Minh Tuệ và dấu giày Tô Lâm


Thích Minh Tuệ đã đi “chân trần chí thép” bước sang năm thứ bảy, ròng rã trên cung đường dài gấp bốn lần từ Bắc vào Nam
Thích Minh Tuệ đã đi “chân trần chí thép” bước sang năm thứ bảy, ròng rã trên cung đường dài gấp bốn lần từ Bắc vào Nam

Sự khác biệt giữa Sư Minh Tuệ và Tổng Bí thư Tô Lâm nằm ở hai thái cực: một bên an trú trong “Cái Không” vô vi, thoát tục, bên kia theo đuổi “Cái Có” hữu vi, trần thế. Một người được dẫn dắt bởi trí tuệ và đạo hạnh, người kia hành động để củng cố quyền lực nhằm thực hiện những mục tiêu lớn.

Đinh Hoàng Thắng


Thích Minh Tuệ đã đi “chân trần chí thép” bước sang năm thứ bảy, ròng rã trên cung đường dài gấp bốn lần từ Bắc vào Nam [1]. Đặc biệt, kể từ khi thầy “xuất dương”, không chỉ trở thành hiện tượng đáng chiêm bái, mà dư luận còn tin rằng, có sự hiện diện của cơ quan an ninh, khi lực lượng này bố trí nhân sự theo sát đoàn hành hương. [Dù nay nhân sự này đã rút lui, nhưng dư luận vẫn tin có thể đã có người khác thay thế.]

Minh Tuệ đi chân trần, từng bước giản dị nhưng đầy ý nghĩa, để lại dấu ấn trong lòng người. Trong khi đó, con đường chính trị mà Tô Lâm theo đuổi luôn đi cùng những toan tính và dấu ấn quyền lực. Minh Tuệ như một cơn gió tự do, không ép buộc ai, mà để người ta tự cảm nhận. Ngược lại, nếu muốn thay đổi cục diện chính trị, Tô Lâm có thể phải trở thành một cơn bão — nhưng cơn bão ấy liệu có cuốn ông vào vòng xoáy đấu tranh quyền lực tiếp hay không?

Lịch sử Việt Nam từng chứng kiến ba làn sóng quần chúng mạnh mẽ và hỗn loạn. Năm 1945, người dân phá kho thóc để tránh nạn đói. Năm 1975, dòng người ồ ạt tìm đường di tản khỏi chiến tranh. Còn năm 2024 – 2025, hàng triệu ánh mắt dõi theo bước chân Thích Minh Tuệ, không phải vì đói khát hay bom đạn, mà vì một nhu cầu khác: họ khao khát sự thật giữa thời đại đầy rẫy những dối trá.

Hệ thống quyền lực tại Việt Nam trong nhiều thập kỷ qua phần lớn dựa vào việc duy trì một trật tự ổn định (bề ngoài), nhưng chính điều đó lại khiến chính quyền e ngại trước khát vọng tìm kiếm sự thật của nhân dân. Càng có những nỗ lực kiểm soát, người dân càng bộc lộ rõ tâm nguyện thoát khỏi những điều giả dối. Nhà sư Minh Tuệ chỉ giữ giới, quyết không nói dối, chỉ nói sự thật. Trong khi đó, Tô Lâm, khi gửi lời chúc mừng năm mới Ất Tỵ, dù hiểu rõ thực trạng đất nước, vẫn loay hoay trước lựa chọn: Chân thực hay Quyền lực? [2]

Nhưng Tô Lâm không đơn độc trong sự giằng co này. Xung quanh ông là một hệ thống vận hành lâu dài dựa trên sự đan xen chặt chẽ giữa quyền lực và lợi ích [3]. Ông đang đứng trước một ngã ba đường: tiếp tục duy trì hiện trạng để bảo toàn quyền lực hay phá vỡ vòng xoáy cũ để mở ra một trang mới? Nếu chọn con đường thứ hai, ông sẽ phải đối mặt với sự chống đối từ ngay trong nội bộ — những người đã quen hưởng lợi từ hệ thống hiện hành.

Sự khác biệt giữa Nhà sư Minh Tuệ và Tổng Bí thư Tô Lâm nằm ở lối sống và tư tưởng. Một bên an trú trong “CÁI KHÔNG”, vô vi, còn bên kia vận hành trong “CÁI CÓ”, hữu vi. Một bên thuận theo quy luật sinh – trụ – dị – diệt, còn bên kia luôn tìm cách tác động vào quy luật ấy. Đây chính là sự cách biệt lớn nhất giữa một chân tu không màng quyền lực và một chính trị gia gánh vác quyền lực tối cao [4].

Minh Tuệ buông xả, chỉ có đôi chân trần và tuệ giác từ tiền kiếp. Tô Lâm, nếu quyết đi theo nguyện vọng của nhân dân, sẽ phải đối diện với những thách thức từ chính hệ thống mà ông từng góp phần củng cố. Nếu ông thực sự muốn thay đổi, có lẽ chưa bao giờ thời điểm lại thuận lợi như lúc này. Dòng người theo bước Minh Tuệ không phải là một hiện tượng tôn giáo đơn thuần, mà đó là những tín hiệu rõ ràng về nhu cầu đổi thay của xã hội. Nếu Tổng Bí thư Tô Lâm biết và dám nắm bắt, ông có thể đặt nền móng cho một sự chuyển đổi mang tính lịch sử.

Tuy nhiên, liệu một nhà lãnh đạo trưởng thành từ môi trường chính trị, nơi quyền lực luôn gắn liền với những tính toán thực dụng, có đủ dũng khí để thực hiện bước đi táo bạo đó? [5] Nếu chỉ dừng lại ở việc nhận ra những vấn đề của hệ thống mà không có hành động cụ thể, Tô Lâm sẽ không khác gì những người tiền nhiệm. Sự thật luôn là con dao hai lưỡi: nó có thể là công cụ để cải cách, nhưng cũng có thể trở thành lý do để “người chơi” bị loại khỏi ván cờ quyền lực.

Trên hành trình của Minh Tuệ, mỗi bước chân là một lời nhắc nhở về sự giản dị và chân thực. Còn trên con đường của Tô Lâm, mỗi bước đi đều gắn với một quyết sách quan trọng, có thể định đoạt vận mệnh chính trị của quốc gia lẫn của chính ông. Nếu ông thực sự muốn đứng về phía nhân dân, đó sẽ không chỉ là quyết tâm cá nhân, mà còn là một bài kiểm tra về bản lĩnh lãnh đạo của cả một tập thể Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương.

Những vết nứt trong nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam ngày càng lộ rõ, một phần xuất phát từ những cuộc thanh trừng chính trị trong chiến dịch “đốt lò” mà Tô Lâm là người thực thi chủ chốt. Điều này khiến không ít nhóm lợi ích e dè, thậm chí lo sợ. Nhưng đồng thời, cũng không có gì đảm bảo rằng ông sẽ thoát khỏi vòng xoáy chính trị đó trong tương lai. Lịch sử đã chứng kiến nhiều nhân vật từng nắm giữ quyền lực tối cao, nhưng rồi cũng bị chính hệ thống cuốn vào vòng thanh lọc.

Bối cảnh chính trị hiện tại đang đặt ra một câu hỏi lớn: Tô Lâm sẽ chọn tiếp tục con đường cũ hay dũng cảm tạo ra một sự thay đổi thực sự? Lịch sử có thể khắc tên ông như một nhà lãnh đạo cải cách, hoặc chỉ là một nhân vật đi theo lối mòn của những người tiền nhiệm. Lựa chọn ấy, giờ đây, nằm trong tay ông.

Suốt những năm qua, ông là một trong những nhân vật quyền lực trong bộ máy chính trị Việt Nam, nắm trong tay lực lượng công an – công cụ kiểm soát xã hội và trấn áp bất đồng chính kiến mạnh mẽ nhất. Nhưng chính quyền lực vô đối này lại đẩy ông vào một thế bế tắc: trong nội bộ Đảng, ông không được “suy tôn” hay ca ngợi một cách đồng thuận, vì chính ông đã chạm đến những vết rạn nứt trong hệ thống mà ông vừa là tác nhân, vừa có thể trở thành nạn nhân.

Tô Lâm đã góp phần làm lộ ra những nhược điểm chí tử trong nội bộ Đảng Cộng sản. Chiến dịch “đốt lò” của Nguyễn Phú Trọng – nơi ông đóng vai trò cánh tay thực thi – đã khiến nhiều nhóm lợi ích e dè và lo sợ. Nhưng đồng thời, không gì có thể bảo đảm rằng ông sẽ không bị cuốn vào vòng xoáy thanh trừng này trong tương lai. Những người tiền nhiệm và đồng cấp của ông – từ Trần Đại Quang, Võ Văn Thưởng đến nhiều quan chức cấp cao khác – từng nắm quyền lực trong tay, nhưng cuối cùng lại trở thành vật hy sinh cho cuộc đấu đá nội bộ, thậm chí chịu những kết cục bi thảm.

Thách thức lớn nhất của Tô Lâm lúc này là xây dựng một mạng lưới quyền lực đủ mạnh – như những gì ông đã làm trong Hội nghị Trung ương trước Tết – để bảo vệ bản thân và phe cánh trước khi tiến hành một cuộc cải tổ chống lại sự dối trá [6]. Ông là một "công cụ đắc lực" của Đảng, được giao nhiệm vụ duy trì trật tự và bảo vệ chế độ, nhưng chưa phải một nhà lãnh đạo có nền tảng chính trị vững chắc. Điều này khiến ông dễ trở thành mục tiêu trong các cuộc đấu đá nội bộ và có nguy cơ trở thành vật tế thần khi cán cân quyền lực thay đổi.

Một yếu tố quan trọng khác là phản ứng của công chúng. Trong mắt dư luận, Tô Lâm không chỉ là một biểu tượng quyền lực tối cao mà còn là một nhân vật gây tranh cãi – đặc biệt qua các chính sách kiểm soát gắt gao tự do ngôn luận và đàn áp giới bất đồng chính kiến. Nếu đánh mất sự tín nhiệm từ cả nhân dân lẫn các đồng chí trong Đảng, ông sẽ chỉ còn biết dựa vào bộ máy mà chính ông đang vận hành – một hệ thống vốn dĩ bất ổn, sẵn sàng quay lưng lại với bất kỳ ai khi thời thế thay đổi.

Tình thế của Tô Lâm không chỉ phản ánh vận mệnh cá nhân, mà còn phơi bày những rạn nứt sâu sắc trong nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam. Nếu ông tiếp tục mạnh tay thanh trừng, ông có thể tự cô lập chính mình. Nếu chùn bước, ông có thể trở thành nạn nhân. Đây là một thế lưỡng nan không có lối thoát rõ ràng – con đường nào cũng tiềm ẩn những rủi ro khôn lường, không chỉ với ông mà còn với cả hệ thống chính trị mà ông đang phục vụ.

Nhưng nếu có một phép màu nào đó – hoặc nếu Tô Lâm đủ bản lĩnh để dấn thân – liệu ông có dám chọn con đường của Trần Nhân Tông? [7] Liệu ông có đủ quyết tâm đi đến tận cùng của sự thật, đặt nền móng cho một Đại Việt vững mạnh, rồi trao lại quyền bính cho hậu thế và lui về Yên Tử? Bởi lẽ, lúc này đây, sự thật không thể tiếp tục bị che giấu – thể chế đã tắc nghẽn đến mức không thể dung dưỡng thêm những dối trá. Thời khắc lịch sử đã điểm, và nó chỉ dành cho những ai dám bước tới.

Liệu Tổng Bí thư Tô Lâm có đủ dũng khí để nắm bắt tín hiệu ấy – từ thời cuộc, từ lòng dân, và cả từ bài học tâm linh của nhà sư “hạnh đầu đà”?

Tham khảo:

[1] /a/thich-minh-tue-chan-tran-chi-thep-/7640642.html

[2] https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cew58p27eryo

[3] https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/nghien-cu/-/2018/54765/kiem-soat-quyen-luc-trong-thuc-hien-co-che-%E2%80%9Cdang-lanh-dao%2C-nha-nuoc-quan-ly%2C-nhan-dan-lam-chu%E2%80%9D--ly-luan-va-thuc-tien.aspx

[4] https://thuvienhoasen.org/a37626/huu-vi-vo-vi-theo-quan-diem-phat-giao-song-ngu-vietnamese-english-pdf-

[5] /a/to-lam-thanh-rac-muoi-bit-tet-dat-vang/6303292.html

[6] /a/nhin-lai-quyet-dinh-cua-tbt-to-lam-tu-hoi-nghi-trung-uong-khong-so-/7952067.html

[7] https://tnti.vnu.edu.vn/dao-doi-vien-dung-o-vua-phat-tran-nhan-tong-mot-thanh-cong-dac-sac-cua-thien-truc-lam-doi-tran/

Diễn đàn

XS
SM
MD
LG