Lâu nay, nhắc đến Trung Quốc, nhiều người nghĩ ngay đến một điều: giả. Giả trong việc làm cũng như giả trong lời nói. Trong việc làm, nổi bật nhất là trong lãnh vực kinh tế, nhìn đâu cũng thấy giả: hàng giả, nhãn hiệu giả, chất lượng giả. Mua hàng Trung Quốc, rẻ thì rẻ thật, nhưng không có gì bảo đảm là hàng thật. Ngay cả là hàng thật thì cũng không có gì bảo đảm là không có độc tố. Độc tố hiện diện từ trong thực phẩm đến trong đồ chơi của trẻ em. Trong lãnh vực chính trị, cái giả hiện diện trong khoảng cách giữa lời nói và việc làm. Nói: dân chủ; làm: cực kỳ độc tài. Nói: tôn trọng nhân quyền; làm: sẵn sàng chà đạp lên mọi quyền căn bản nhất của con người. Nói: bình đẳng; làm: chỉ quan tâm đến quyền lợi của các cán bộ và bỏ mặc dân chúng, nhất là nông dân, chìm đắm trong bần cùng. Nói: sẽ giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng đàm phán; làm: cho tàu hải giám đến cắt dây cáp thăm dò dầu khí của Việt Nam, xua hải quân đến cướp bóc, bắt bớ, thậm chí, giết hại ngư dân Việt Nam.
Gần đây, trong cơn phẫn nộ trước những sự uy hiếp trắng trợn và ngang ngược của Trung Quốc, nhiều người Việt Nam không tiếc lời lên án thái độ giả dối của Trung Quốc. Hơn nữa, người ta còn vạch trần bao nhiêu thói xấu khác của Trung Quốc. Một nhà nghiên cứu vốn chừng mực và điềm đạm như giáo sư Nguyễn Văn Tuấn ở Úc cũng không nén được tức giận. Trong một số bài viết, ông dùng những từ ngữ rất nặng nề để chỉ Trung Quốc: “trơ trẽn”, “nói láo và lưu manh”, “thô lỗ và xấc láo”, thậm chí, “mất dạy”
Tuy nhiên, nếu bình tĩnh một chút, chúng ta có thể đặt câu hỏi: Có phải lúc nào Trung Quốc cũng giả dối?
Ví dụ, riêng trong các thỏa thuận giữa Việt Nam và Trung Quốc trong các vấn đề liên quan đến Biển Đông, cụ thể là trong cuộc họp giữa Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Hồ Xuân Sơn và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Đới Bỉnh Quốc vào ngày 25 tháng 6 năm 2011, ai nói thật và ai nói dối?
Xin lưu ý: sau cuộc họp, cả hai nước đều ra bản tin riêng. Nội dung của hai bản tin khác hẳn nhau.
Bản tin của Thông tấn xã Việt Nam chỉ nói chung chung:
“Hai bên cho rằng, quan hệ Việt-Trung phát triển lành mạnh, ổn định, đáp ứng nguyện vọng chung và lợi ích căn bản của nhân dân hai nước Việt-Trung, có lợi cho hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực. Hai bên nhấn mạnh cần kiên trì đưa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc phát triển theo đúng phương châm 16 chữ “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần 4 tốt “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”.
Hai bên khẳng định, cần tích cực thực hiện nhận thức chung của Lãnh đạo hai nước, giải quyết hòa bình các bất đồng trên biển giữa hai nước thông qua đàm phán và hiệp thương hữu nghị; áp dụng biện pháp có hiệu quả, cùng nhau duy trì hòa bình và ổn định tại Biển Đông; tăng cường định hướng đúng đắn dư luận, tránh lời nói và hành động làm tổn hại đến tình hữu nghị và lòng tin của nhân dân hai nước; đẩy nhanh tiến độ đàm phán để sớm ký kết “Thỏa thuận về các Nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam-Trung Quốc”; thúc đẩy việc thực hiện “Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và các công việc tiếp theo, cố gắng sớm đạt tiến triển thực chất.”
Trong khi đó, một bản tin bằng tiếng Anh “China urges consensus with Vietnam on South China Sea issue” của Tân Hoa Xã cho biết thêm hai chi tiết khác mà Bộ Ngoại giao Việt Nam không hề tiết lộ:
Thứ nhất, trong cuộc họp, Trung Quốc khẳng định lại chủ quyền trên Biển Đông và nhắc nhở là chính Thủ tướng Việt Nam đã công khai thừa nhận điều đó. Bản tin không hề đề cập đến bất cứ sự phản đối nào, nếu có, của ông Hồ Xuân Sơn. (Nguyên văn: “Chinese historical records show that in 1958, the Chinese government claimed the islands in the South China Sea as part of China's sovereign territory, and then Vietnamese Premier Pham Van Dong expressed agreement in his diplomatic note to then Premier Zhou Enlai.” Dịch: “Những hồ sơ lịch sử của Trung Quốc đã cho thấy rằng năm 1958, chính phủ Trung Quốc đã khẳng định các hòn đảo trên Biển Hoa Nam như là bộ phận thuộc lãnh thổ quốc gia của Trung Quốc, và kế đó Thủ tướng Việt Nam Phạm Văn Đồng đã bày tỏ sự tán đồng trong bức thư ngoại giao ngắn của mình gửi tới Thủ tướng khi đó là ông Chu Ân Lai.”)
Thứ hai, hai bên đồng ý là sẽ phản đối mọi sự can thiệp của nước ngoài (trong trường hợp này là của Mỹ và các nước thuộc khối Đông Nam Á). (Nguyên văn: “Both countries are opposed to external forces getting involved in the dispute between China and Vietnam and vow to actively guide public opinion and guard against remarks or actions that undermine the friendship and trust between the people of the two countries, Hong said.” Dịch: “Cả hai nước đều phản đối những thế lực bên ngoài can dự vào tranh chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam và nguyện sẽ tích cực hướng dẫn công luận và ngăn ngừa những lời bình luận hoặc hành động làm tổn hại tới tình hữu nghị và sự tin cậy giữa nhân dân hai nước, theo ông Hồng Lỗi.”)
Đọc bản tin của Tân Hoa Xã, vì lòng yêu nước cũng như vì tự ái dân tộc, chúng ta dễ có khuynh hướng cho đó là những lời nói láo. Như họ đã từng nói láo bao nhiêu lần rồi.
Nhưng vấn đề là: nếu Trung Quốc nói láo thì tại sao chính quyền Việt Nam lại không hề cải chính?
Không những không cải chính, họ cũng không dám trả lời các câu hỏi do một số nhân sĩ Việt Nam nêu ra trong bản Kiến nghị viết ngày 2 tháng 7 năm 2011. Trong số đó, có một câu hỏi cực kỳ rõ ràng và đơn giản: “Yêu cầu ông Hồ Xuân Sơn cho biết thông tin do Tân Hoa Xã đưa [...] nêu trên có đúng sự thật không?”
Tại sao lại né tránh?
Chẳng lẽ, trong trường hợp này, Trung Quốc lại nói thật ư?
***
Chú thích:
Nguyên văn bản Kiến nghị gửi Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 2 tháng 7, 2011 như sau:
Hà Nội, ngày 2 tháng 7 năm 2011
KIẾN NGHỊ
YÊU CẦU BỘ NGOẠI GIAO CUNG CẤP THÔNG TIN
LIÊN QUAN ĐẾN QUAN HỆ VỚI TRUNG QUỐC
Kính gửi: Bộ Ngoại giao Việt Nam
Theo các thông tin báo chí, chúng tôi được biết ngày 25/6/2011, ông Hồ Xuân Sơn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam, đã có buổi gặp gỡ và làm việc với Ông Trương Chí Quân, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Ông Đới Bỉnh Quốc, Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc.
2. Ngày 28/6/2011, trên bản tin tiếng Anh của Tân Hoa Xã, đã có bài “China urges consensus with Vietnam on South China Sea issue” về cuộc gặp gỡ này trong đó có những thông tin:
(i) “Both countries are opposed to external forces getting involved in the dispute between China and Vietnam and vow to actively guide public opinion and guard against remarks or actions that undermine the friendship and trust between the people of the two countries, Hong said.”, tạm dịch như sau:
“Cả hai nước đều phản đối những thế lực bên ngoài can dự vào tranh chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam và nguyện sẽ tích cực hướng dẫn công luận và ngăn ngừa những lời bình luận hoặc hành động làm tổn hại tới tình hữu nghị và sự tin cậy giữa nhân dân hai nước, theo ông Hồng Lỗi” ( Người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc)
(ii) “Chinese historical records show that in 1958, the Chinese government claimed the islands in the South China Sea as part of China's sovereign territory, and then Vietnamese Premier Pham Van Dong expressed agreement in his diplomatic note to then Premier Zhou Enlai.”, tạm dịch như sau:
“Những hồ sơ lịch sử của Trung Quốc đã cho thấy rằng năm 1958, chính phủ Trung Quốc đã khẳng định các hòn đảo trên Biển Hoa Nam như là bộ phận thuộc lãnh thổ quốc gia của Trung Quốc, và kế đó Thủ tướng Việt Nam Phạm Văn Đồng đã bày tỏ sự tán đồng trong bức thư ngoại giao ngắn của mình gửi tới Thủ tướng khi đó là ông Chu Ân Lai.”
Những thông tin trên chúng tôi không thấy đăng trên báo chí của Việt Nam.
3. Chúng tôi, những công dân Việt Nam ký tên dưới đây, căn cứ vào Điều 53- Hiến pháp của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam 1992 (HP 1992) “Công dân có quyền … tham gia thảo luận các vấn đề chung của cả nước và địa phương, kiến nghị với cơ quan Nhà nước,…”, và Điều 69 - HP 1992 “Công dân …có quyền được thông tin;…”, kiến nghị Bộ Ngoại giao Việt Nam như sau:
a.) Yêu cầu ông Hồ Xuân Sơn cho biết thông tin do Tân Hoa Xã đưa như đã trích mục 2 (i) nêu trên có đúng sự thật không ?
Trong trường hợp những thông tin trên của Trung Quốc không chính xác, yêu cầu phía Trung Quốc phải cải chính và xin lỗi.
b.) Cho biết quan điểm của Việt Nam về bức thư ngoại giao của Ông Phạm Văn Đồng năm 1958 nêu trong mục 2 (ii) trên đây ?
c.) Thông tin chi tiết (toàn văn) thỏa thuận đã đạt được (nếu có) giữa Ông Hồ Xuân Sơn và đại diện Trung Quốc trong buổi gặp đó.
Chúng tôi rất mong Bộ Ngoại giao sớm trả lời kiến nghị của công dân, thể hiện tôn trọng các quyền của công dân đã được ghi trong Hiến pháp.
Trân trọng,
Những người ký tên vào Bản kiến nghị này:
- Nguyễn Trọng Vĩnh
- Nguyễn Huệ Chi
- Hoàng Tụy
- Chu Hảo
- Phạm Duy Hiển
- Lê Hiếu Đằng
- Nguyên Ngọc
- Nguyễn Quang A
- Ngô Đức Thọ
- Trần Nhương
- Nguyễn Xuân Diện
- Phạm Xuân Nguyên
- Nguyễn Quang Thạch
- Cao Thị Vũ Hương
- Trần Vũ Hải
- Trần Kim Anh
- Hoàng Hồng Cẩm
- Nguyễn Văn Phương
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.