Đường dẫn truy cập

Chào bán ngân hàng 0 đồng ‘thành công’ ra sao?


Vương Đình Huệ và Thủ Tướng Hàn Quốc, Lee Nak-yon (phải) tại Seoul ngày 21 tháng Sáu, 2019. (Yonhap)
Vương Đình Huệ và Thủ Tướng Hàn Quốc, Lee Nak-yon (phải) tại Seoul ngày 21 tháng Sáu, 2019. (Yonhap)

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ là quan chức cao cấp thứ ba của chính thể ‘kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa’ phải mở miệng chào bán các ngân hàng 0 đồng, sau thủ tướng đã về vườn ‘làm người tử tế’ là Nguyễn Tấn Dũng và thủ tướng ‘cờ lờ mờ vờ’ đang rất hãnh tiến là Nguyễn Xuân Phúc.

Trong chuyến thăm Hàn Quốc vào tháng 6 năm 2019, Vương Đình Huệ đã tiếp xúc với lãnh đạo các tập đoàn, ngân hàng, công ty tài chính của Hàn Quốc là Tập đoàn Shinhan và Công ty Alliex tại thủ đô Seoul và gợi ý các ngân hàng của Hàn Quốc có thể xem xét mua lại các ngân hàng yếu kém đang được cơ cấu lại hiện nay như OCEAN Bank, GPBank và CBBank, hoặc mua lại một công ty tài chính của Việt Nam khi thị trường này đang diễn ra sôi động ở Việt Nam.

Vì sao phải chào bán những ngân hàng trên? Thực chất của những ngân hàng trên là thế nào?

Thực chất đen tối của ngân hàng 0 đồng

Có một sự thật không thể chối bỏ là vào năm 2015, trước khi Đại Hội 12 của đảng cầm quyền diễn ra, Nguyễn Văn Bình – thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước vào thời gian đó - là tác giả kiêm đạo diễn mua Ngân Hàng Xây Dựng (CBBank hay còn gọi là VNCB), Ngân Hàng Đại Dương (OceanBank) và Ngân Hàng Dầu Khí Toàn Cầu (GPBank) với giá 0 đồng.

Cũng vào năm 2015, theo những tin tức đã từng được coi là “tuyệt mật” nhưng rút cục được công khai trên báo chí, nợ xấu của ba ngân hàng trên là hơn 20.000 tỷ đồng – một con số không cách gì trả nổi so với vốn điều lệ của ba ngân hàng chỉ vào khoảng 10.000 tỷ đồng. Cả ba ngân hàng này lại đều có quan chức lãnh đạo bị khởi tố và sau đó bị truy tố lẫn án tù rất cao - từ chung thân Hà Văn Thắm đến tử hình Nguyễn Xuân Sơn.

Vậy tại sao Nguyễn Văn Bình và Ngân Hàng Nhà Nước lại phải mua ba ngân hàng trên với giá 0 đồng? Phải chăng Thống Đốc Bình làm theo lệnh của thủ tướng khi đó là Nguyễn Tấn Dũng để “đạt thanh tích trước Đại Hội 12,” nghĩa là vừa bảo đảm “nợ xấu không vượt quá 3%,” vừa “khoanh” những ngân hàng xấu mà không để bị phá sản – một bằng chứng mà nếu xảy ra thì chắc chắn sẽ bị những đối thủ chính trị của ông Nguyễn Tấn Dũng lợi dụng triệt để để quy trách nhiệm “điều hành yếu kém” đối với ông?

Hay hành động Ngân Hàng Nhà Nước quyết định mua lại các ngân hàng trên với giá 0 đồng là một chiêu thức thâu tóm lẫn nhau giữa các nhóm lợi ích ngân hàng?

Với “đặc thù” cùng có 2-3 cán bộ lãnh đạo bị bắt và sau đó không lâu đều “được” Ngân Hàng Nhà Nước mua lại với giá 0 đồng, trường hợp của GP, VNCB và OceanBank đang đặt ra dấu hỏi rất lớn: phải chăng có một thế lực bí ẩn và thâm sâu nào đó muốn mượn tay Ngân Hàng Nhà Nước để “thôn tính” các ngân hàng nhỏ thông qua “cơ chế bắt chủ ngân hàng?”

Hay hành vi mua 3 ngân hàng giá 0 đồng nhắm tới cả hai mục tiêu được che giấu trên?

Chưa hết, Ngân hàng nhà nước lấy tiền ở đâu để mua các ngân hàng trên, dù là tuyên bố mua giá 0 đồng”?

Từ sau vụ mua bán có vẻ rất ám muội trên, rất nhiều dư luận đã đặt dấu hỏi lớn về ý đồ Ngân Hàng Nhà Nước đã dùng tiền ngân sách, tức tiền đóng thuế của dân, để giải cứu những ngân hàng thương mại sắp đổ bể.

Nhưng từ sau Đại Hội 12 của đảng cầm quyền cho tới nay, bất chấp nhiều dư luận và cả đại biểu quốc hội nêu nghi vấn về việc Ngân Hàng Nhà Nước lấy đâu ra tiền để mua 3 ngân hàng trên, vẫn không hề có câu trả lời thỏa đáng nào từ phía Ngân Hàng Nhà Nước, còn Ủy Viên Bộ Chính Trị – Trưởng Ban Kinh Tế Trung Ương Nguyễn Văn Bình thì “trốn biệt.”

Trong lúc toàn bộ nghi ngờ đối với cựu Thống Đốc Bình vẫn chưa hề có lời giải đáp và cũng chẳng hề le lói bất kỳ hy vọng nào cho lời giải này, thì lại xuất hiện một lời khai rất đáng chú ý của Đinh La Thăng - cựu ủy viên bộ chính trị và là chủ tịch hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - vào đầu năm 2018 mà từ đó làm lộ ra sự thật của “ngân hàng 0 đồng.”

Tại phiên tòa xử “Đinh La Thăng giai đoạn 2” – liên quan vụ 800 tỷ đồng của Tập Đoàn Dầu Khí Việt Nam (PVN) gửi vào OceanBank nhưng đã không cánh mà bay, ông Thăng đã tự bào chữa: “Thực tế, việc mua OceanBank với giá 0 đồng, chuyển thành ngân hàng TNHH MTV thì Ngân Hàng Nhà Nước đã bỏ đồng nào vào Ngân Hàng Đại Dương chưa khi vẫn đăng ký vốn điều lệ là 4,000 tỷ đồng? Ngân Hàng Nhà Nước lấy tiền đâu để bỏ vào đấy? Nếu Ngân Hàng Nhà Nước lấy tiền ngân sách bỏ vào đấy là vi phạm Luật Ngân Sách Nhà Nước vì theo quy định, không thể lấy tiền của nhà nước bù lỗ cho doanh nghiệp.”

Là một quan chức xuất thân từ kế toán trưởng, Đinh La Thăng hẳn phải rành rọt đường đi nước bước của nguồn tiền, dòng tiền và những trạng thái “biến thiên” của dòng tiền này trong từng phi vụ giao dịch qua ngân hàng. Chính vì thế, con số 4.000 tỷ đồng cùng mối nghi ngờ mà ông Thăng nêu ra là có cơ sở.

Trong khi đó, luật sư Nguyễn Huy Thiệp – người bào chữa cho ông Đinh La Thăng cho rằng: “có luật sư đặt ra rằng việc mua 0 đồng chính là cố ý làm trái. Tôi cho rằng nghiêm trọng hơn, nó nằm trong nhóm tội phạm về tham nhũng: lợi dụng chức vụ trong khi thi hành công vụ, hoặc lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.”

Rất đáng chú ý vì đó là lần đầu tiên xuất hiện một con số (4.000 tỷ đồng) liên quan đến vụ “mua ngân hàng giá 0 đồng,” bởi trước đó đã không hề tồn tại bất kỳ con số nào, trong bất kỳ báo cáo hay phát ngôn nào của Ngân Hàng Nhà Nước và các cơ quan, cá nhân liên quan về vụ việc đầy khuất tất này.

Vậy con số 4.000 tỷ trên từ đâu ra? Có phải được lấy từ ngân sách?

Con số 4.000 tỷ trên lại chỉ mới chứng minh cho vụ mua giá 0 đồng đối với OceanBank, mà chưa tính tới những con số tương tự hoặc có thể còn lớn hơn để mua giá 0 đồng tại VCB và GP.

Nếu quả đúng là Ngân Hàng Nhà Nước đã lấy 4.000 tỷ đồng từ ngân sách để mua OceanBank như lời khai của ông Đinh La Thăng, và cái cách lấy tiền ngân sách như vậy đã khiến ba ngân hàng trên đang dấn sâu vào tình trạng nợ xấu và kinh doanh tồi tệ, đây chính là một vụ cố ý làm trái với mức độ ghê gớm, xứng đáng để Nguyễn Văn Bình bị “hồi tố,” sau đó bị khởi tố và truy tố, phải nhận một mức án không thua gì Đinh La Thăng.

‘Chết không có chỗ chôn’

Bất chấp vụ Nguyễn Văn Bình đã ‘cố ý làm trái’, tình trạng của 3 ngân hàng 0 đồng vẫn thật tồi tệ.

Tại kỳ họp quốc hội tháng Năm năm 2018, một báo cáo của cơ quan Kiểm Toán Nhà Nước trình ra Quốc Hội đã cho biết tỉ lệ nợ xấu tại 3 ngân hàng VNCB, OceanBank và GPBank được Ngân Hàng Nhà Nước mua lại 0 đồng đã lên mức rất cao và bị âm vốn gần cả tỷ đô la. Nợ xấu của VNCB (chưa bao gồm nợ của các tổ chức tài chính và tổ chức tín dụng) ở mức 18.073 tỷ đồng, chiếm đến 95% dư nợ. Nợ xấu của Oceanbank là 14.234 tỷ đồng, chiếm 72,3% dư nợ. Còn nợ xấu của GPBank là 2.800 tỷ đồng, chiếm 59,3% dư nợ.

Cũng như số phận 500 bộ hồ sơ chào bán nợ xấu mà Ngân hàng Nhà nước đã gửi đi nhưng không nhận được hồi âm lạc quan nào, cho tới nay vẫn chưa có bất kỳ tín hiệu hồi đáp khả quan nào từ những ‘đối tác thân thiện’ mà Nguyễn Xuân Phúc và Vương Đình Huệ đã chào bán ngân hàng 0 đồng. Xác suất những ngân hàng này ‘chết không có chỗ chôn’ đang dâng cao vời vợi.

  • 16x9 Image

    Phạm Chí Dũng

    Phạm Chí Dũng là nhà báo độc lập, tiến sĩ kinh tế sống và làm việc tại Sài Gòn, Việt Nam. Trước năm 2013, đã có thời gian 30 năm làm việc trong quân đội, chính quyền và khối đảng. Do viết bài chống tham nhũng, từng bị công an bắt vào năm 2012. Năm 2013, tuyên bố từ bỏ đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 2014, cùng các cộng sự thành lập Hội nhà báo độc lập Việt Nam và giữ cương vị chủ tịch của tổ chức này. Cũng trong năm 2014, được Tổ chức phóng viên không biên giới vinh danh 'Anh hùng thông tin'. Các bài viết của Phạm Chí Dũng là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG