Đường dẫn truy cập

Châu Á khảo sát và tìm cách giải quyết nạn bạo hành trẻ em


Phúc trình của Human Rigths Watch về nạn bạo hành trẻ em
Phúc trình của Human Rigths Watch về nạn bạo hành trẻ em

Campuchia đã thực hiện một cuộc khảo sát được Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn về tình trạng bạo hành trẻ em, và cuộc khảo sát cho thấy tình trạng này do gia đình hoặc do thân nhân người lớn gây ra. Thông tín viên Ron Corben tường trình từ Bangkok.

Cuộc khảo sát ở Campuchia, một phần trong chương trình của Liên Hiệp Quốc về bạo hành trẻ em, nhận thấy có tình trạng bạo hành tràn lan về tình cảm, tình dục và thể chất của trẻ em, với hơn một nửa số trẻ vị thành niên gặp phải một số hình thức bạo lực thể chất trước 18 tuổi.

Cuộc khảo sát, được Chính phủ Campuchia hậu thuẫn, nhận thấy một phần tư trẻ em bị cha mẹ hoặc một người thân bạo hành về tình cảm, trong khi 5% của người được hỏi cả nam lẫn nữ cho biết từng bị bạo hành tình dục khi còn nhỏ.

Đại diện đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về bạo lực đối với trẻ em Marta Santos Pais cho biết, kết quả của cuộc khảo sát nêu bật việc là trẻ em thường giữ im lặng về những vụ bạo hành, mà kết quả là có thể duy trì chu kỳ bạo lực sang thế hệ tiếp theo. Bà nói:

"Một mối lo ngại quan trọng là việc hơn 50% em gái và hơn 90% em trai cảm thấy rất khó giãi bày về tình huống bạo lực, họ không nói với ai cả mà chỉ giữ riêng mình biết, và chấn thương đó không ngừng phát triển. Và đây là một trong những lý do mà ở nhiều nơi chúng ta thấy tình trạng bạo lực cứ truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác."

Cuộc khảo sát dựa trên các cuộc phỏng vấn 2.500 người Campuchia từ 13-24 tuổi. Các quan chức nói rằng điều này đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc khảo sát mức độ bạo hành trẻ em và thanh thiếu niên.

Ở châu Á, bà Santos Pais cũng tiếp xúc với Chính phủ Lào, nơi đang thực hiện một kế hoạch hành động quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em. Theo lời bà, kế hoạch này hy vọng sẽ được một đạo luật mới hỗ trợ, giờ đang đưa ra trước quốc hội, mà có thể cải thiện việc bảo vệ trẻ em.

Mỹ và châu Âu đã thực hiện những cuộc nghiên cứu về bạo hành trẻ em và áp dụng những biện pháp pháp lý để trừng phạt những người chịu trách nhiệm và giúp đỡ nạn nhân đương đầu với chấn thương.

Bà Santos Pais nói rằng các nước trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương đang đạt được tiến bộ trong việc giải quyết những vấn đề này:

"Vì vậy, phần nổi của vấn đề mà chúng ta biết được là rất đáng sợ và không khác nhau giữa các vùng. Nhưng riêng trong khu vực này, chúng tôi cảm thấy được khích lệ bởi một số yếu tố - hầu hết các nước đã dành nhiều sự chú ý cho chủ đề này bằng những chính sách mà họ đang áp dụng thực thi."

Một báo cáo của tổ chức phi lợi nhuận độc lập có tên là Trung tâm Đồng thuận Copenhagen đưa ra con số tổng chi phí toàn cầu của nạn bạo hành trẻ em, chủ yếu là bạo hành ở nhà, ở mức 3,6 ngàn tỉ USD, với gánh nặng chi phí cao nhất ở Trung Đông và Bắc Phi, Nam Á và châu Phi cận Sahara.

Những chi phí có liên quan đến việc điều trị, can thiệp của công tác viên xã hội, phục hồi và tái hòa nhập của trẻ em bị tổn thương, hoặc nạn nhân của bạo lực tình dục, và điều trị y tế.

Nhưng bà Santos Pais cho biết những cuộc khảo sát toàn cầu về bạo hành trẻ em trong gia đình và trong trường học chỉ ra một "chặng đường dài" để điều tra tình hình trong những cơ sở mà bề ngoài có mục đích chăm sóc và bảo vệ trẻ em và những người có liên quan đến hệ thống tư pháp.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG