Các lãnh đạo Liên hiệp Châu Âu sẽ gặp các đối tác Thổ Nhĩ Kỳ hôm nay để thảo luận về các nỗ lực ngăn chặn làn sóng di dân tới Châu Âu, trong khi hàng nghìn người vẫn còn bị kẹt trên biên giới Hy Lạp và Macedonia.
Trước cuộc họp khẩn cấp ở Brussels hôm nay, các nhà ngoại giao Châu Âu nói rằng một dự thảo thỏa thuận của EU dự kiến sẽ tuyên bố đóng cửa tuyến đường mà các di dân hay sử dụng ở khu vực Balkan.
Các quốc gia như Macedonia đã đóng cửa biên giới, ngăn chặn người di dân -- chủ yếu từ Syria, Afghanistan và Iraq, đi tới Đức và các quốc gia Bắc Âu.
Làn sóng khoảng 1 triệu người dùng thuyền tới Hy Lạp kể từ đầu năm 2015 đã khiến Châu Âu rơi vào một cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ.
Các quan chức Châu Âu đã tìm cách thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ ngăn chặn các di dân thực hiện những chuyến đi nguy hiểm, cũng như chấp nhận lại hàng nghìn người không đủ tiêu chuẩn xin tị nạn ở Châu Âu.
Thổ Nhĩ Kỳ hiện là nơi trú ngụ của hơn 2,7 triệu người tị nạn từ riêng Syria, và cũng như các nước Châu Âu và các quốc gia láng giềng của Syria, đang phải đối mặt với gánh nặng hỗ trợ cho những người tị nạn từ quốc gia bị chiến tranh tàn phá nhiều năm qua.
Trong khi đó, NATO hôm qua thông báo sẽ triển khai tàu tới vùng biển Aegea nằm giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ nhằm giúp hai quốc gia này “đối phó với tình trạng buôn người và các tổ chức tội phạm gây ra cuộc khủng hoảng di dân”.
Tổ chức Di dân Quốc tế nói hơn 400 người đã thiệt mạng trên biển trong năm nay trong khi tìm cách tới Châu Âu.