Đường dẫn truy cập

Chế tài đối với Bắc Triều Tiên có thể đưa TQ trở lại nắm quyền kiểm soát


Cờ Bắc Triều Tiên và Trung Quốc tại một hàng rào gần biên giới hai nước ở tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc.
Cờ Bắc Triều Tiên và Trung Quốc tại một hàng rào gần biên giới hai nước ở tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc.

Trung Quốc có thể tái khẳng định quyền lực và ảnh hưởng đối với Bắc Triều Tiên qua việc ủng hộ các biện pháp chế tài quốc tế gay gắt hơn dự kiến nhắm vào chính phủ của ông Kim Jong Un. Sau vụ thử nghiệm hạt nhân lần thứ tư của Bắc Triều Tiên hồi tháng Một và vụ phóng rocket trong tháng Hai, đã có nhiều quan niệm cho rằng Bình Nhưỡng buộc Bắc Kinh phải liên kết với đồng minh chiến lược và lệ thuộc về kinh tế nếu không muốn chấp nhận nguy cơ bất ổn trầm trọng, chiến tranh hay tệ hơn nữa là để cho Hoa Kỳ chế ngự bán đảo Triều Tiên.

Nhiều người Trung Quốc coi sự kiện Bình Nhưỡng coi thường việc Bắc Kinh nhiều lần kêu gọi tự chế và đối thoại là làm mất mặt. Và chính phủ của ông Tập Cận Bình đã bị chỉ trích là ngày càng bất lực và không có khả năng áp đặt ảnh hưởng nào lên đồng minh của mình.

Qua việc ủng hộ bản dự thảo nghị quyết đệ trình lên Hội đồng Bảo an hôm 25/2, Bắc Kinh đã quyết định chọn đứng về phía Washington và các đồng minh Mỹ để áp đặt các biện pháp chế tài mới gắt gao đối với Bình Nhưỡng.

Ông Bong Young-Shik, một chuyên gia phân tích an ninh quốc gia thuộc Viên Nghiên cứu Chính sách Asan ở Seoul, nêu nhận định: “Đó không phải là tin hay cho Bắc Triều Tiên đang tìm cách chia rẽ Trung Quốc với Hoa Kỳ và Trung Quốc với Nam Triều Tiên”.

Việc này cũng có thể đặt Bắc Kinh vào một thế mạnh hơn khi giao dịch với Bình Nhưỡng.

Ông Hồ Tô Cần, một giáo sư môn quan hệ quốc tế tại trường Đại học Donghua ở Thượng Hải, nói: “Trung Quốc đã tỏ ra kiên nhẫn, nhưng mức độ kiên nhẫn của họ đã đi đến giới hạn”.

Trong khi họp với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tuần này, Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry nói Hoa Kỳ “không khao khát hay nóng lòng hoặc trông đợi một cơ hội để có thể bố trí hệ thống THAAD.”
Trong khi họp với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tuần này, Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry nói Hoa Kỳ “không khao khát hay nóng lòng hoặc trông đợi một cơ hội để có thể bố trí hệ thống THAAD.”

Vẫn còn phải chờ xem Trung Quốc sẽ đi xa đến mức nào trong việc thực thi và áp dụng các biện pháp chế tài.

Trong một bài xã luận, báo Global Times của nhà nước Trung Quốc nói Bắc Triều Tiên “đáng bị trừng phạt” bằng các biện pháp chế tài mới, nhưng Trung Quốc cũng phải “làm nhẹ bớt những biện pháp chế tài gay gắt của Washington ở một mức độ nào đó”.

Nghị quyết mới của LHQ về Bắc Triều Tiên

Nghị quyết mới của LHQ về Bắc Triều Tiên

  • Cấm vận vũ khí toàn bộ thực thi qua việc thanh tra bắc buộc tất cả hàng hóa, ngay cả thực phẩm ra vào Bắc Triều Tiên bằng đường bộ, đường biển hay đường hàng không.
  • Yêu cầu các nước thành viên trục xuất các nhà ngoại giao Bắc Triều Tiên, các công ty và các đại diện tham dự vào việc hỗ trợ hay tài trợ các chương trình hạt nhân và phi đạn bị cấm chỉ.
  • Cấm nhập nhiên liệu hàng không tinh chế ở mức cao để sử dụng cho cả máy báy dân dụng lẫn các rocket không miễn trừ cho hàng không dân dụng.
  • Hạn chế, và trong một số trường hợp cấm chỉ xuất khẩu than đá, sắt, vàng, titanium và khoáng sản đất hiếm của Bắc Triều Tiên.
  • Yêu cầu các quốc gia đóng các tài khoản ngân hàng của Bắc Triều Tiên và cấm giao dịch với các ngân hàng Bắc Triều Tiên.
  • Mở rộng những mặt hàng xa xỉ cấm nhập vào Bắc Triều Tiên, cấm đồng hồ đắt tiền, tàu thuyền cá nhân và xe chạy trên tuyết có giá trên 2.000 đôla.

Nghị quyết mới của LHQ tìm cách cắt đứt việc mua bán và tài trợ cho quân đội và chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên, và nhắm mục tiêu vào giới lãnh đạo Bắc Triều Tiên trực tiếp can dự và những hành động bất hợp pháp này.

Nghị quyết có nhiều phần chắc sẽ không gặp phải sự chống đối nào đáng kể tại hội đồng bởi lẽ đồng minh thân thiết nhất của Bình Nhưỡng là Trung Quốc đã đồng ý về ngôn từ.

Đã có tin đồn là Bắc Kinh ủng hộ các biện pháp chế tài của LHQ có thể là để trao đổi với việc Washington đồng ý ngưng việc bố trí gây nhiều tranh cãi hệ thống phòng thủ phi đạn THAAD ở Nam Triều Tiên.

Hoa Kỳ và Nam Triều Tiên trước đó đã đồng ý bắt đầu đàm phán về việc bố trí hệ thống THAAD ở Nam Triều Tiên để chống lại mối đe dọa ngày càng tăng về khả năng vũ khí của Bắc Triều Tiên sau khi nước này phóng một vệ tinh tầm xa hôm 7 tháng 2.

Tuy nhiên, trong khi họp với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tuần này, Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry nói Hoa Kỳ “không khao khát hay nóng lòng hoặc trông đợi một cơ hội để có thể bố trí hệ thống THAAD”.

Ông Vương đã phản đối việc bố trí THAAD ở Triều Tiên và nói khả năng radar tăng cường của dàn radar có thể được sử dụng để chống lại lực lượng quân sự của Trung Quốc trong khu vực. Đại sứ Trung Quốc ở Nam Triều Tiên Khâu Quốc Hồng cũng nói trong tuần này rằng Trung Quốc có thể cắt đứt quan hệ với Nam Triều Tiên vì vấn đề THAAD.

Các giới chức Nam Triều Tiên chỉ trích mọi mưu toan của Trung Quốc áp đặt ảnh hưởng đối với những quan ngại của Nam Triều Tiên về an ninh quốc gia.

Hôm 25/2, Đô đốc Harry Harris, tư lệnh lực lượng Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương, tái khẳng định rằng một quyết định về THAAD sẽ do Nam Triều Tiên và Hoa Kỳ đưa ra, và nếu Trung Quốc muốn ngăn chặn việc bố trí hệ thống đó, thì họ “nên áp đặt ảnh hưởng đó đối với Bắc Triều Tiên”.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG