Đường dẫn truy cập

Chernobyl: Điểm đến du lịch kỳ lạ nhất thế giới


Một tấm biển với hàng chữ "bức xạ nguy hiểm" tại làng Babchin, gần khu vực 30 km xung quanh lò phản ứng hạt nhân Chernobyl. Mỗi năm có hàng ngàn du khách đi thăm Chernobyl, và con số đó còn gia tăng. Tạp chí Forbes gọi đây là 'nơi du lịch kỳ lạ nhất trên trái đất'.
Một tấm biển với hàng chữ "bức xạ nguy hiểm" tại làng Babchin, gần khu vực 30 km xung quanh lò phản ứng hạt nhân Chernobyl. Mỗi năm có hàng ngàn du khách đi thăm Chernobyl, và con số đó còn gia tăng. Tạp chí Forbes gọi đây là 'nơi du lịch kỳ lạ nhất trên trái đất'.

30 năm sau vụ nổ năm 1986 ở Chernobyl gây đe dọa phần lớn Châu Âu với một lớp mây phóng xạ, địa điểm của tai nạn hạt nhân đã trở thành một điểm hấp dẫn du khách, nhất là người nước ngoài. Các thông tín viên Oksona Lihostova và Ruslan Deynychenko của đài VOA mới đây đã đi thăm Đặc khu Chernobyl để tìm hiểu vì sao mọi người lại muốn thăm địa điểm này. Thông tin viên Mollie McKitterick tường thuật.

Trong số du khách nước ngoài có người Mỹ, người Áo, người Czech và người Thụy Điển. Họ có những lý do khác nhau.

Du khách Mỹ Lauren Scott nói chỉ vì tò mò.

Một người Mỹ làm việc ở Kiev, ông Danny Roberts nói người anh đang đau ốm của ông muốn có một bức ảnh chụp địa điểm này.

“Anh ấy biết về Chernobyl nhiều hơn ai hết. Thành phố này là một biểu tượng, đau buồn và được cả thế giới biết đến.”

Kỹ sư người Bỉ Francois Duayen đến đây để xem cấu trúc khổng lồ đang được xây dựng để thế chỗ cho lò phản ứng đã bị tiêu hủy.

“Tôi biết có rất nhiều công ty của Pháp làm việc ở đây, vì thế tôi đến đây chỉ để xem công trình này được thực hiện ra sao.”

Thân nhân đặt một bức ảnh gần đài tưởng niệm các nạn nhân của vụ nổ Chernobyl tại thủ đô Kiev, Ukraine.
Thân nhân đặt một bức ảnh gần đài tưởng niệm các nạn nhân của vụ nổ Chernobyl tại thủ đô Kiev, Ukraine.

Kèm theo tiếng kĩu kịt của các thiết bị định phân lượng đo mức phóng xạ và tiếng chim ríu rít, du khách đi lang thang qua những căn nhà bỏ hoang. Giữa những lùm cây mọc um tùm, có một nhà kho, một câu lạc bộ vùng quê, và một nhà trẻ.

Tại Đặc khu Chernobyl với kích thước tương đương với thành phố Luxembourg, nhiều bất ngờ đang ẩn nấp.

Một cấu trúc khổng lồ đã từng là một cơ sở radar quân sự tối mật có thể phát hiện một vụ phóng phi đạn ở đầu bên kia quả đất. Người Tây phương gọi đó là “Con chim gõ kiến Nga” vì tiếng động đặc biệt nó phát ra qua những làn sóng điện.

Du khách đi trên một chiếc xe buýt để đi thăm thành phố ma Pripyat. Cư dân thành phố đã bị đẩy ra khỏi đây vào ngày thứ ba sau tai nạn và được báo là thành phố sẽ được tẩy rửa, và họ sẽ được đưa trở về ngay sau đó. Họ được lệnh không mang theo một thứ gì.

Nữ hướng dẫn viên du lịch Vita Polyakova giải thích;

“Với người nước ngoài, phải giải thích hình ảnh lớn hơn, trong bối cảnh những gì đã xảy diễn. Một người nước ngoài cần phải hiểu vì sao sự việc xảy ra, vì sao dân chúng sống ở Liên bang Xô Viết nghĩ cách này, mà không phải cách khác.”

Đài tưởng niệm tại Trạm cứu hỏa Chernobyl cho 32 thành viên thiệt mạng khi đối phó với vụ nổ lò phản ứng số 4. (S. Herman / VOA)
Đài tưởng niệm tại Trạm cứu hỏa Chernobyl cho 32 thành viên thiệt mạng khi đối phó với vụ nổ lò phản ứng số 4. (S. Herman / VOA)

Một trong các công ty lữ hành đầu tiên đưa du khách đến là công ty Chernobyl-Tour. Người sáng lập công ty là ông Sergii Myrnyi từng làm việc tại địa điểm này sau khi xảy ra tai nạn.

“Mức phóng xạ kể từ khi đó đã hạ giảm với những khối lượng khiến cho việc tham quan ở đó, trong đoản kỳ, là tuyệt đối an toàn. So với những gì cá nhân tôi đo lường được ở đó, mức phóng xạ đã giảm cả ngàn lần, và đó là một thành quả lớn trong việc khắc phục hậu quả tai nạn.”

Mỗi năm có hàng ngàn du khách đi thăm Chernobyl, và con số đó còn gia tăng. Tạp chí Forbes gọi đó là 'nơi du lịch kỳ lạ nhất trên trái đất'. Những người đã đi thăm đồng ý đây là một nơi đặc biệt – nơi duy nhất trên toàn bộ hành tinh mà ngày Phán quyết đã diễn ra.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG