Mấy hôm nay mạng xã hội đua nhau bình luận về chuyện “lương hưu”. Rộn ràng nhất là trường hợp của bà Nguyễn Thị Thỏa, năm nay 57 tuổi, là giáo viên mầm non trường Lệ Xá, huyện Tiên Lữ từ năm 1980. Đến tháng 1-2014, khi hết tuổi lao động, bà có 34 năm công tác trong ngành giáo dục, trong đó có 19 năm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc (từ tháng 1-1995). Vì chưa đủ 20 năm đóng BHXH, bà đóng thêm một năm bảo hiểm tự nguyện với tổng số tiền là 13,8 triệu đồng để đủ điều kiện hưởng lương hưu. Tuy nhiên đến tháng 1-2015, khi lên nhận quyết định lương hưu, bà Thỏa không tin vào mắt mình. Lương hưu mà BHXH tỉnh tính cho bà là 297.299 đồng/tháng. “Mức tiền này suýt soát với mức lương cơ sở cách đây 20 năm. Đồng lương ít ỏi không đủ để tôi ăn sáng chứ chưa nói đến chi tiêu ăn uống sinh hoạt cả tháng trời”, bà Thỏa nói. Chuyện của bà Thỏa được không ít người cảm thông và chia sẻ; và cũng làm không ít người thở dài để rồi buộc phải toan tính cho những ngày cuối đời với đồng lương hưu quá ít ỏi trên tay.
Nhìn “các bác” trả lời chất vấn trường hợp lương hưu “khó tin” của bà Thỏa mà thấy mệt lòng. Các vị bảo hiểm xã hội tỉnh Hưng Yên “mượn” luật để lấp đi tính bất hợp lý trong mức lương hưu, vốn phải được cân nhắc theo “thời thế”. Theo các quan, chính sách đối với giáo viên mầm non giai đoạn trước năm 1995 được thực hiện theo Quyết định số 152 ngày 8.4.1976 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản hướng dẫn, trong đó có Thông tư số 909 ngày 21.5.1977 của Liên bộ Giáo dục - Tài chính - Nông nghiệp về việc bổ sung chính sách đối với giáo viên mẫu giáo. Nhưng xin thưa, từ năm 1976 đến nay (gần 40 năm), giá xăng, giá dầu, giá điện, giá gas, giá nhà đất, giá hàng tiêu dùng… đã được điều chỉnh bao nhiêu lần? Trong khi mức lương hưu, theo bà Thỏa, là “không đủ ăn sáng” (trung bình mỗi ngày chưa được hưởng 10.000 đồng), thì việc viện luật ra có ý nghĩa gì.
Nhìn mức lương hưu và bao nhiêu nghĩ suy bộn về cứ ùa về trong đầu những người con đất Việt vốn vẫn còn rất trẻ. Chúng tôi vẫn ngày đêm làm việc, hết sức phấn đấu cho một đất nước có nền kinh tế tăng trưởng mạnh, có nền giáo dục vượt mặt cả Anh, Pháp, Úc và nhiều cường quốc châu Âu… Để rồi tích góp cho những ngày cuối đời số tiền không đủ mua một bộ quần áo chỉnh tề mà mặc. Mục tiêu và ý nghĩa của lương hưu chính là “trả gốc lẫn lãi” tiền của dân tích góp suốt cả cuộc đời mà nhà nước chỉ có vai trò “giữ hộ”. Để rồi dân trước khi nhắm mắt xuôi tay sẽ không trở thành gánh nặng của bất cứ người nào, dù đó là người thân, gia đình hay xã hội. Nhưng với gần 300.000/tháng, thì có lẽ phải đi “cướp” mới có đủ tiền để còn đổ xăng, mua thuốc… với mức giá ngày càng đè nặng lên bờ vai đã quá mệt mỏi sau cả cuộc đời cần lao.
Ở các nước phát triển, cuộc sống của dân bắt đầu tính bằng mức lương tối thiểu – đảm bảo cuộc sống đàng hoàng cho họ đến khi họ ngừng cống hiến cho đất nước, non sông. Đến khi về hưu, tiền dẫu không nhiều nhưng cũng giúp người ta ăn uống, nghỉ ngơi đầy đủ; thậm chí còn đi du lịch ở một vài nơi mà suốt cuộc đời chưa bao giờ họ biết. Vậy nên họ vẫn làm hết mình, cố gắng hết sức mà chẳng cần phải lén lút lập “quỹ đỏ, quỹ đen” để xây lên những ngôi biệt thự tiền tỷ, ở những khu cao cấp, phòng ốc được trang trí như cung điện, và đi lại được đưa đón sướng như vua. Với mức lương hưu chưa đến 15 USD/tháng, chẳng biết đâu ra nhà cao cửa rộng, sống sang trọng như nhiều gương mặt xuất hiện trên báo chí vừa qua. Có chăng là “các quan” cố đấm ăn xôi, ở nhà công vụ không thèm trả cho đến khi dân kiện, dân đòi thì mới chịu dọn đi. Nghĩ mà xót xa cho những người lẽ ra phải nhận đồng tiền hưu xứng đáng.
Mấy hôm trước nghe lương tối thiểu tăng, nhiều người chưa rõ đầu đuôi đã vội mừng thầm. Ừ thì lương tối thiểu tăng, tích gió thành bão, nay mai nhận lương hưu sẽ sớm giàu có chứ chẳng phải chuyện đùa. Nhưng rồi đứa bạn chạy đến, rồi nói như tát thẳng vào mặt làm tiêu tan hết mọi hi vọng: “Mày có biết rằng, mức lương như hiện nay chỉ đáp ứng được 67% -70% mức sống tối thiểu của người lao động?”. Lương tối thiểu nghe rêu rao tăng hoài, thậm chí tăng suốt chục năm qua, vậy mà túi tiền của các anh, các chú, các cô cậu… những kẻ làm công ăn lương đúng nghĩa, chứ không có quỹ đen hay bòn rút tiền của dân, vẫn cứ hụt tới hụt lui. Ngay như giai đoạn 2010, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết tính bình quân, lương tối thiểu vùng tăng 9,9%. Trong khi đó, Tổng cục Thống kê cho thấy tính chung cả nước, chi tiêu theo giá năm 2010 bình quân mỗi người một tháng đạt 1.211.000 đồng, tăng 52,8% so với năm 2008, bình quân mỗi năm tăng 23,6%. Nói một cách dễ hiểu, kính thưa các đồng chí “lương tăng không theo kịp vật giá tăng”. Đó là chưa đề cập chi phí giáo dục, y tế, thuế má… tất cả cứ tăng vọt, còn dân ngoài kia vẫn cứ khổ hoàn khổ, nghèo lại hoàn nghèo. Chợt thấy bế tắc vì “tiền” lương tối thiểu cũng chẳng ổn, mà hậu nhận lương hưu cũng khó lòng; vậy kính thưa các đồng chí, “chúng tôi phải sống sao?”
Mỗi sáng thức dậy, người trẻ chúng tôi cố gắng hết mình ở cơ quan, nơi mà chúng tôi tin rằng mình có thể đổi thay nhiều thứ vốn cũ kỹ, lạc hậu và không còn giá trị với nền kinh tế thị trường. Nhưng rồi những khi hết mình nhất, mệt mỏi nhất, chúng tôi lại nghĩ về những ngày chúng tôi không cần phải đi làm nữa, dù những ngày ấy sẽ còn xa lắm. Xa đến nỗi chúng tôi mở mắt ra có thể tận hưởng món điểm tâm bình dân, dung dị; ăn trưa cùng những người bạn cần lao một thời, một đời; và buổi tối vào những quán cà phê nhạc vàng để nghe những bản nhạc trữ tình vốn bị chúng tôi quên lãng vì mãi lo chuyện cơm áo, chuyện gia đình, xã hội suốt cả một thời, thậm chí cả một đời.
Nhưng rồi lướt vài ba tờ báo, đọc một vài mẫu tin và những dòng bình luận đau đớn, xót xa và bế tắc. Chẳng biết ngày qua ngày lại, thu nhập có được cải hoàn, có được đủ đầy để chúng tôi còn động lực cố gắng cho suốt những tháng ngày còn lại. À nhưng đời còn xa, và ước mơ ấy cũng còn… xa lắm. Đứa bạn vỗ vai hát nghêu ngao vài câu khiến chúng tôi cười vang, và rồi mỗi đứa một tâm trạng bước về: “Lương đi xa quá, lương hưu xa tôi quá! Có biết không bao năm tôi vẫn đợi chờ tiền lương hưu. Chắc lương cũng chỉ có như vậy thôi; chẳng lương cũng chẳng có hơn vậy đâu; cầm đồng lương trên tay nước mắt rơi; tôi sống sao!”
* Blog của Cao Huy Huân là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.