Chỉ có 7 quốc gia đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng không khí của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào năm ngoái, theo dữ liệu công bố hôm 11/3. Các nhà nghiên cứu cảnh báo rằng cuộc chiến chống ô nhiễm sẽ càng khó khăn hơn sau khi Hoa Kỳ chấm dứt chương trình giám sát chất lượng không khí toàn cầu.
Chad và Bangladesh là hai quốc gia ô nhiễm nhất thế giới trong năm ngoái, với mức độ khói bụi trung bình cao hơn 15 lần so với hướng dẫn của WHO, theo số liệu từ công ty giám sát chất lượng không khí Thụy Sĩ IQAir.
Vẫn theo dữ liệu của IQAir, chỉ có Úc, New Zealand, Bahamas, Barbados, Grenada, Estonia và Iceland đáp ứng tiêu chuẩn của WHO.
Các khoảng trống dữ liệu lớn, đặc biệt ở châu Á và châu Phi, khiến bức tranh ô nhiễm toàn cầu trở nên thiếu rõ ràng. Nhiều quốc gia đang phát triển trước đây dựa vào các cảm biến chất lượng không khí được lắp đặt tại đại sứ quán và lãnh sự quán Hoa Kỳ để theo dõi mức độ ô nhiễm.
Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã chấm dứt chương trình này do hạn chế ngân sách, đồng thời loại bỏ hơn 17 năm dữ liệu khỏi trang web giám sát chất lượng không khí chính thức của chính phủ Mỹ là trang airnow.gov.
WHO khuyến nghị mức độ trung bình của các hạt bụi mịn nguy hiểm PM2.5 không vượt quá 5 microgam/m³, nhưng chỉ 17% thành phố trên thế giới đáp ứng tiêu chuẩn này vào năm ngoái.
Ấn Độ, quốc gia đứng thứ năm trong bảng xếp hạng ô nhiễm sau Chad, Bangladesh, Pakistan và Cộng hòa Dân chủ Congo, ghi nhận mức PM2.5 trung bình giảm 7% so với năm trước, xuống còn 50,6 microgam/m³.
Tuy nhiên, Ấn Độ có tới 12 trong số 20 thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Byrnihat, một khu công nghiệp lớn ở đông bắc Ấn Độ, đứng đầu bảng, ghi nhận mức PM2.5 trung bình lên tới 128 microgam/m³.
Christa Hasenkopf, giám đốc Chương trình Không khí Sạch tại Viện Chính sách Năng lượng Đại học Chicago (EPIC), cho biết ít nhất 34 quốc gia sẽ mất quyền truy cập vào dữ liệu ô nhiễm đáng tin cậy sau khi Hoa Kỳ kết thúc chương trình giám sát.
Bà Hasenkopf nhấn mạnh rằng chương trình của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã cải thiện chất lượng không khí tại các thành phố có đặt thiết bị giám sát.
“Việc chấm dứt chương trình này là một đòn giáng mạnh vào các nỗ lực bảo vệ chất lượng không khí trên toàn cầu,” bà nói.
Diễn đàn