Khi các lãnh đạo Triều Tiên cần du hành, họ dùng một chiếc xe lửa hết sức đặc biệt.
Cho nên, chẳng gì lạ khi có đồn đoán về chuyến thăm bất thình lình của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tới Trung Quốc khi xuất hiện tại Bắc Kinh hôm 26/3 một chiếc xe lửa màu xanh lá cây đậm với những sọc ngang màu vàng giống như xe lửa độc quyền sử dụng của gia đình cầm quyền họ Kim.
Một ngày sau khi đoàn xe được phát hiện chạy vào nhà ga ở Bắc Kinh, giữa những tin tức cho biết đoàn xe đã rời vào chiều thứ Ba 27/3, vẫn chưa có một lời chính thức nào về việc ai là người có mặt trên chuyến xe đó và tại sao.
Nhưng nếu đó là ông Kim Jong Un thì đây là chuyến xuất ngoại đầu tiên của ông kể từ khi cha ông là Kim Jong Il qua đời vào tháng 12 năm 2011.
Và đây cũng là cách du hành tiêu biểu của ông Kim.
Tàu Cao tốc Đông phương của gia đình cầm quyền Triều Tiên
Không rõ ông Kim Jong Un dùng xe lửa di chuyển ở nội địa Triều Tiên thường xuyên tới mức nào.
Tuy nhiên, thân phụ ông Kim, người nổi tiếng là ghét đi máy bay và có khuynh hướng kiểu một tay chơi, được nói là dùng xe lửa để đi dự tiệc tùng xa xỉ, uống rượu say bí tỉ và hát karaoke trên những chuyến du hành bằng xe lửa.
Theo lời thuật được xuất bản vào năm 2002 của ông Konstantin Pulikovsky, một viên chức Nga đi theo ông Kim Jong Il trong chuyến đi kéo dài 3 tuần đến Moscow vào năm 2001, xe lửa của ông Kim chở đầy các thùng rượu Bordeaux và Beaujolais từ Paris. Hành khách được thưởng thức món tôm hùm tươi sống và thịt heo nướng BBQ.
Phiên bản của chiếc xe mở cửa cho công chúng mang tính thương mại hơn.
Một mô hình như thật của những toa xe được trưng bày thường trực tại khu lăng mộ ở ngoại ô Bình Nhưỡng nơi người sáng lập nhà nước Triều Tiên Kim Il Sung và con trai Kim Jong Il yên nghỉ. Theo tin chính thức của Triều Tiên, ông Kim Jong Il chết vì đau tim trong một chuyến đi đường dài bằng xe lửa.
Phòng trưng bày có một bản đồ về những chuyến đi bằng xe lửa của các nhà lãnh đạo, với những bóng đèn nhỏ ghi dấu mỗi chặng tàu ngừng lại. Một trong nhiều bức tranh trên tường cho thấy ông Kim Jong Il đứng bên cạnh xe lửa trong một chuyến đi. Ông Kim Il Sung cũng thường dùng xe lửa, đi đến tận Đông Âu vào năm 1984.
Bên trong toa xe có một cái bàn, vài chiếc ghế và một bộ sofa cho lãnh đạo dùng.
Hướng dẫn viên trong lăng cho biết toa xe được dùng như một văn phòng lưu động, và họ nhấn mạnh đây là bằng chứng cho thấy lãnh đạo làm việc không mệt mỏi vì dân.
Ông Kim Jong Il đi ra nước ngoài nhiều chuyến, hầu hết đến Trung Quốc và tất cả đều bằng xe lửa.
Chuyến đầu tiên vào năm 1983 khi ông là người thừa kế ông Kim Il Sung. Đây là lần duy nhất đoàn xe lửa đặc biệt được công bố là chỉ dành riêng cho lãnh tụ Triều Tiên chứ không ai khác được dùng. Điều này khiến nhiều nhà quan sát Triều Tiên cho rằng ông Kim Jong Un chính là hành khách chính trên đoàn xe lửa hiện diện tại Bắc Kinh lần này.
Chuyến ra nước ngoài đầu tiên của ông Kim Jong Il trong tư cách lãnh tụ diễn ra vào năm 2000, sáu năm sau khi cha ông qua đời. Và nay là 6 năm kể từ khi ông Kim Jong Il từ trần.
Một đặc điểm quan trọng nhất là xe được bọc thép và vũ trang đầy đủ có thể là để bảo đảm an ninh.
Theo tin tức của Hàn Quốc, Triều Tiên có tổng cộng 90 toa xe đặc biệt dùng trên 3 đoàn xe lửa khi lãnh đạo du hành—một đoàn xe đi trước để kiểm tra đường ray, một đoàn xe chở lãnh đạo và đoàn tùy tùng thân cận, và một đoàn xe thứ ba ở phía sau chở những người khác.
Các phương tiện thông tin liên lạc và một màn hình TV phẳng được lắp đặt để lãnh đạo Triều Tiên có thể ra lệnh, nhận tin tức và nhận báo cáo.
Đối với những người tiền nhiệm của ông Kim Jong Un, những chuyến đi thường trong vòng bí mật cho đến khi hoàn tất.
Các chuyên gia chưa ước lượng được các nhà lãnh đạo Triều Tiên ra nước ngoài bao nhiêu lần vì một số chuyến đi vẫn còn được giữ bí mật.
Truyền thông Trung Quốc và Triều Tiên cũng không loan tin gì vì đều do nhà nước điều hành và theo lệnh của đảng.
Chuyến đi của ông Kim Jong Il đến Trung Quốc năm 2003, chẳng hạn, không được loan báo cho đến những ngày sau đó. Khi ông dùng xe lửa chạy xuyên qua nước Nga để thăm Tổng thống Dmitry Medvedev vào năm 2009, các nhà nhiếp ảnh địa phương bị cấm không được thu thập tài liệu về chuyến đi này. Toàn thể cư dân các thị trấn tại Siberia được lệnh ở trong nhà, không được ra đường phố cho đến khi xe lửa chạy qua an toàn.
Nhưng lần này thì hơi khác.
Tin tức về đoàn xe lửa đến Bắc Kinh vào ngày thứ Hai 26/3 được biết đến phần lớn nhờ các video được đưa lên Internet do những người dùng điện thoại di động. Các hãng tin Nhật Bản nhanh tay phát các video lẫn các cảnh quay an ninh chặt chẽ và một đoàn xe dài đến nhà khách quốc gia.
Trong thời đại truyền thông xã hội và điện thoại di động có máy quay phim thì dường như khó giữ được bí mật.