Phiên tòa bí mật để xét xử và tuyên án ông Chu Vĩnh Khang, cựu chủ nhiệm Ủy ban Chính trị Pháp luật Trung ương của Đảng Cộng Sản Trung Quốc, đánh dấu sự khởi đầu của một giai đoạn mới trong chiến dịch bài trừ tham nhũng. Nhưng Chủ tịch Tập Cận Bình muốn đưa chiến dịch này đi về đâu là một vấn đề chưa rõ ràng. Theo tường thuật của thông tín viên Bill Ide của đài chúng tôi tại Bắc Kinh, một số nhà phân tích nói rằng có dấu hiệu cho thấy chiến dịch chống tham nhũng đã bắt đầu hạ nhiệt.
Ông Chu Vĩnh Khang có thời là một trong những chính khách có nhiều thế lực nhất Trung Quốc. Ông từng giữ chức Bộ trưởng Công an và từng đứng đầu Ủy ban Chính trị Pháp luật Trung ương của Đảng Cộng Sản, một người mà một nhà phân tích nói là “nắm trong tay tất cả mọi hồ sơ và biết rõ những xác chết được chôn ở đâu”.
Trước khi về hưu, ông Chu là một thành viên của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị, cơ quan quyền lực cao nhất ở Trung Quốc. Theo ông David Kelly, giám đốc nghiên cứu của tổ chức Chính sách Trung Quốc ở Bắc Kinh, đó chính là lý do vì sao trước đây nhiều người cứ nghĩ rằng ông Chu sẽ không bị ngã ngựa.
"Đó là lý do tại sao trong một thời gian rất lâu các chuyên gia không tin là ông ấy sẽ bị đánh gục. Làm thế nào để đánh gục một người từng là người đứng đầu một cơ quan như KGB hay CIA? Ông ấy là người biết rõ tất cả mọi thứ".
Nhưng bây giờ, sau khi đã làm được việc đó, ông Tập Cận Bình sẽ làm gì? Phải chăng ông ấy sẽ đánh những con cọp còn lớn hơn nữa, như các cựu chủ tịch nước chẳng hạn? Hay là chiến dịch này sẽ dừng lại?
Ai là người kế tiếp?
Ông Kerry Brown, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc của Đại học Sydney, cho rằng chiến dịch có phần chắc sẽ tiếp tục và sẽ nhắm vào những quan chức bị thất sủng như ông Lệnh Kế Hoạch, cố vấn chính trị của cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào. Nhưng ông Brown cũng nói rằng có lẽ ông Tập Cận Bình sẽ không “đánh những con cọp to hơn” như ông Giang Trạch Dân hay ông Hồ Cẩm Đào như lời đồn đãi của nhiều người ở Trung Quốc.
"Tôi không nghĩ là chúng ta sẽ nhìn thấy một sự gia tăng cường độ, nhưng tôi nghĩ là chúng ta sẽ nhìn thấy một sự tiếp tục và một sự giảm thiểu áp lực một cách rất chậm chạp. Bởi vì tôi nghĩ rằng chiến dịch này đã mang lại những “điểm son” cần thiết cho đảng dưới thời ông Tập Cận Bình và tôi không tin là việc gia tăng cường độ của chiến dịch sẽ tiếp tục mang lại những lợi ích chính trị ở một mức độ thích đáng để làm như vậy".
Tại Trung Quốc, đã có những dấu hiệu cho thấy chiến dịch chống tham nhũng đang thay đổi. Chỉ một ngày trước khi bản án của ông Chu Vĩnh Khang được loan báo hồi tuần trước, tờ Nhân dân nhật báo cho đang một bài tường thuật về việc cơ quan kiểm tra hàng đầu của Đảng Cộng Sản đang xem xét tới việc thay đổi chiến thuật.
Theo tờ báo này, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương mới đây đã cho đăng trên website của họ những báo cáo chẳng những nêu bật mối rủi ro là các cán bộ kiểm tra có thể vượt quá quyền hạn mà còn cần phải ngưng đặt trọng tâm vào các quan chức cấp cao. Thay vào đó, Ủy ban này hô hào cho việc giám sát và kỷ luật các cán bộ cấp thấp hơn và có lẽ nên áp dụng những sự trừng phạt nhẹ tay hơn.
Tín hiệu lẫn lộn
Ông Chu Vĩnh Khang là cán bộ cấp cao nhất của Đảng Cộng Sản bị truy tố. Nhưng phiên xử diễn ra trong vòng bí mật và việc bản án được loan báo một cách đột ngột gần một tháng sau khi phiên tòa kết thúc đã mang tới cho công chúng những tín hiệu lẫn lộn.
Nhà phân tích David Kelly cho rằng phiên xử và kết quả của nó làm cho nhiều người nghĩ rằng chiến dịch chống tham nhũng sắp tới hồi kết thúc.
"Sức nóng không còn nữa. Vở tuồng chính trị gay cấn về sự kháng cự của những quan chức cấp cao hơn đã chấm dứt. Mặt chính trị của chiến dịch đang giảm dần, nhưng về một mặt khác, sẽ có thêm một số hành động công khai được thực hiện".
Tuy nhiên, ông Trương Minh, giáo sư chính trị học của Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh, nói rằng tình hình vẫn chưa rõ ràng vì tòan bộ phiên xử ông Chu Vĩnh Khang được giữ bí mật và ông Chu bị tuyên một bản án không nặng không nhẹ.
"Ít ra thì phần xét xử về các cáo trạng tham nhũng có thể được công khai cho công chúng tham dự, nhưng họ đã không làm như vậy. Chắc chắn là có quá nhiều chuyện bí mật liên quan tới các cáo trạng đó nên họ không muốn để cho công chúng biết tới".
Giáo sư Trương nói thêm rằng việc không có chi tiết hoặc thông tin về phiên xử làm cho các nhà quan sát và các quan chức không thể biết được những gì sắp xảy ra – các nhà quan sát không rõ là phải chăng chiến dịch sắp sửa kết thúc và các quan chức không biết họ có được an toàn hay không.