Đường dẫn truy cập

Chiến dịch cứu những con hổ hoang dã cuối cùng của Việt Nam


Hổ mẹ và 2 hổ con tại vườn thú Hà Nội.
Hổ mẹ và 2 hổ con tại vườn thú Hà Nội.
Các nhà bảo tồn tại Việt Nam đã phát động một chiến dịch tuyên truyền trên đài truyền hình nhằm chặn đứng việc sử dụng cao hổ như là một món quà quí báu. Trong khi động thái này được hoan nghênh rộng rãi, một số người cho rằng đã quá trễ đối với những con cọp hoang dã cuối cùng của Việt Nam. Từ Hà Nội, thông tín viên Marianne Brown gởi về bài tường thuật sau đây.

Thông điệp phổ biến trên các phương tiện công cộng do tổ chức bảo tồn Giáo dục vì Thiên nhiên Việt Nam, gọi tắt theo tiếng Anh là ENV, đưa ra trong tuần này được đưa lên đài truyền hình nhà nước, mô tả cảnh một thành viên mới của hội đồng quản trị tặng cao hổ cho những đồng nghiệp trong một cuộc họp, nhưng những người này ghê tởm bỏ lại món quà trên bàn.

Nữ phát ngôn viên Lê Mai Hạnh của ENV giải thích:

“Tại Việt Nam, chúng tôi dùng cao hổ như một loại quà tặng cho người chúng tôi muốn gây ấn tượng, như một hình thức của địa vị trong xã hội. Dùng truyền hình là một cách tốt để đưa thông điệp tới cho nhiều người.”

Cao hổ được sử dụng để chữa các bệnh liên hệ đến khớp xương và cũng được mọi người tin là có khả năng tăng cường hoạt động tình dục. Cao hổ có thể được bán với giá lên tới 1.500 đô la 100 gram. Các bộ phận của cọp cũng được dùng để ngâm rượu, và được bán để làm vật trang trí.

ENV trước đây cũng đã ngăn chận việc tiêu thụ những sản phẩm động vật hoang dã, nhưng đây là lần đầu tiên tổ chức này nhắm vào những sản phẩm được sản xuất từ cọp. Việc tiêu thụ động vật hoang dã quý hiếm tràn lan tại Việt Nam. Việt Nam được xem như là điểm đến của sừng tê giác, được cho là có thể dùng để chữa bá bệnh. Con tê giác cuối cùng của Việt Nam được tuyên bố tuyệt chủng vào năm 2011.

Bác sĩ Nguyễn Xuân Hương, cựu Chủ tịch Hội Đông Y Việt Nam, hoan nghênh chiến lược của ENV. Ông nói không có bằng chứng nào cho thấy cao hổ là một phương thuốc công hiệu. Nhưng mọi người vẫn mua để thể hiện địa vị trong xã hội.

“Bây giờ họ lạm dụng cao hổ hai cách. Cách thứ nhất là giết hổ rồi lấy nấu cao nhưng không biết cách nấu. Cách thứ hai là không có hổ thật."

Bác sĩ Hương nói việc tiêu thụ các loại thuốc cao hổ đã gia tăng trong vài năm qua, nhưng ông tin là hầu hết là thuốc giả.

ENV nói có thể còn khoảng 30 con cọp hoang dã. Tuy nhiên, Tiến sĩ Naomi Doak, Điều phối Viên Khu vực sông Mê Kong mở rộng của mạng lưới theo dõi nạn buôn bán động vật hoang dã TRAFFIC, nói tình hình có thể tệ hại hơn.

“Ngay cả trong trường hợp có số cọp nhiều như thế thì chúng cũng sống rãi rác trong một khu vực rộng lớn và nhiều con có thể nói là thường xuyên qua lại giữa Lào và Việt Nam hay Campuchia và Việt Nam. Tôi nghĩ chúng ta đã chấp nhận một cách rộng rãi là về mặt sinh thái học, loài cọp đã tuyệt chủng tại Việt Nam. Điều này có nghĩa là những con cọp đó không còn khả năng để tự bảo tồn."

Việc nuôi cọp cho các mục đích thương mại là bất hợp pháp tại Việt Nam, nhưng một số nơi được phép nuôi cọp để bảo tồn. Mặc dù vậy, Tiến sĩ Doak nói không có con cọp nào được nuôi tại những cơ sở này được thả về rừng, do đó những lý do để giữ những con cọp này lại trong chuồng rất đáng ngờ.

“Hiện nay không có lý do thực sự nào để những cơ sở này cho sanh ra những cọp con ngoài lý do để cho cọp sinh con. Những con cọp con này vẫn sẽ bị nhốt trong chuồng suốt đời vì không có môi trường để thả chúng ra và cho đến lúc này, những con cọp chưa bao giờ được trả lại với đời sống hoang dã. Ở một mức độ nào đó, giá trị bảo tồn vẫn còn có nhiều nghi vấn.”

Tiến sĩ Doak cho biết việc buôn bán cọp từ những trại nuôi cọp đã duy trì mức cầu của các sản phẩm làm từ cọp. Tuy nhiên, cọp hoang dã cũng bị nhắm đến vì nuôi và chăm sóc cọp trong chuồng rất tốn kém.

Tiến sĩ Doak nói gởi một thông điệp trực tiếp đến người tiêu thụ là một chiến lược tốt. Đồng thời, nếu Việt Nam muốn cứu một trong những con vật biểu tượng của quốc gia, thì chính phủ cần làm nhiều hơn nữa để theo dõi và quản lý việc nuôi những con cọp nuôi trong chuồng.

VOA Express

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

XS
SM
MD
LG