Bộ Quốc phòng Mỹ phái một chiến hạm thực hiện một cuộc hành quân vì tự do hàng hải ở Biển Đông có nhiều tranh chấp hôm 10/5.
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Bill Urban nói tàu USS William P. Lawrence đã đi bên trong vùng 12 hải lý quanh Đá Chữ Thập hiện bị Trung Quốc chiếm đóng để "thách thức những tuyên bố chủ quyền biển thái quá của một số bên tranh chấp ở Biển Đông".
Trong một tuyên bố qua email, ông Urban cho hay: "Các tuyên bố chủ quyền biển thái quá là điều không phù hợp với luật pháp quốc tế như đã được phản ánh trong Công ước về Luật Biển vì chúng có ý hạn chế các quyền hàng hải mà Mỹ và tất cả các nước được quyền thực hiện".
Trung Quốc đã giận dữ đáp trả vào sáng 10/5, thông qua phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lục Khảng, khi ông này nói tại một cuộc họp báo hàng ngày rằng tàu Mỹ đã đi vào vùng biển của Trung Quốc bất hợp pháp và động thái đó đe dọa hòa bình và ổn định trong khu vực.
Trung Quốc đã xây một đường băng dài hơn 3.000 mét và các cơ sở quân sự khác trên đảo đá có tranh chấp đó.
Cuộc hành quân này là lần thứ ba trong vòng chưa đầy một năm do Mỹ thực hiện, và Mỹ gọi đó là cuộc hành quân vì tự do hàng hải để thách thức những tuyên bổ về lãnh thổ gây tranh cãi mà Trung Quốc đưa ra đối với các đảo ở Biển Đông.
Bắc Kinh chống lại các cuộc hành quân này và tuyên bố rằng các vụ tranh chấp đã bị phóng đại.
Mặc dù Mỹ không phải là một bên có tuyên bố chủ quyền đối với các đảo tranh chấp ở Biển Đông, song các quan chức cấp cao của Mỹ nói việc các bên tranh chấp khác nhau tìm cách khẳng định tuyên bố chủ quyền của họ một cách hòa bình và phù hợp với luật pháp quốc tế là điều tối quan trọng đối với lợi ích của Mỹ.
Hàng năm, lượng hàng được vận chuyển bằng tàu biển lên đến 5 nghìn tỷ đôla đi qua Biển Đông. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền về phần lớn vùng biển này. Việt Nam, Philippines, Malaysia, Đài Loan và Brunei cũng có tuyên bố về các nhiều khu vực chồng lấn lên nhau ở Biển Đông.