Đường dẫn truy cập

Thương Mại Tự Do hay Thương Mại Bình Đẳng?


Cuộc chiến Thương Mại Tự Do hay Thương Mại Bình Đẳng?
Cuộc chiến Thương Mại Tự Do hay Thương Mại Bình Đẳng?

TS. Phạm Đỗ Chí


LTS - Trong vài tuần qua, cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc (TQ) đã đi vào giai đoạn quyết liệt hơn. Dưới đây là một số vấn đề được giải đáp bởi một chuyên gia quốc tế, TS Phạm Đỗ Chí, đã từng làm việc tại IMF trong gần 30 năm về các vấn đề ngoại thương và tiền tệ. Bài viết do tác giả gởi cho VOA từ Florida.

***

Vấn đề: Nhiều chuyên gia kinh tế đã phát biểu là chúng ta đã bước sang giai đoạn 2 của cuộc thương chiến Mỹ-Trung, tức giai đoạn chiến tranh tiền tệ khi TQ cho phá giá tiền Nhân Dân Tệ NDT (yuan) để giảm tác dụng của việc Mỹ áp thuế 10% lên 34 tỷ đô hàng nhập cảng từ TQ. Nay lại có các tin tức dồn dập khác như việc Mỹ áp thêm thuế cao hơn trên lượng hàng TQ lớn hơn nhiều, và TQ sẽ trả đũa. Nên nghĩ sao về giai đoạn mới này?

Thật ra chúng ta vẫn ở giai đoạn 2 như nói trên, nhưng cường độ của việc Mỹ dự định áp tiếp thuế 10% lên thêm 16 tỷ đô (tổng cộng lên 50 tỷ) hàng nhập TQ, và dự định áp thuế cao hơn nữa 25% lên 200 tỷ hàng nhập TQ trong tháng 9 (như phổ biến trong giới truyền thông) nhằm đáp lại việc phá giá của tiền NDT trong giai đoạn này, cũng như việc ngưng trệ hòa đàm các thỏa ước thương mại mới giữa hai nước.

Lại có dự đoán TT Trump sẽ còn trong tay khí cụ áp thuế lên toàn bộ hàng nhập vào Mỹ đang ở mức $505 tỷ, nhằm giảm mức thất thu thương mại của Mỹ là $376 tỷ. Lúc đó mới thật sự là giai đoạn 3 của cuộc thương chiến toàn diện giữa 2 nước và nhiều kết quả khó tiên liệu rõ ràng cho cả hai nền kinh tế và cả kinh tế thế giới. Nhưng việc còn tương đối xa, và sẽ có nhiều diễn biến ngoại giao lẫn chính trị để giảm nguy cơ đó trong vài tháng tới.

Hiện có quá nhiều tin tức và lý luận về vấn đề này, nên người viết cũng muốn nhấn mạnh ở đây là sẽ chỉ vạch ra một cách tổng quan, đường hướng cũng như dự đoán các chính sách Mỹ, tác động và phản ứng của TQ, để cùng suy nghĩ, chứ không nhất thiết đi vào các chi tiết lý thuyết đã được bàn sâu rộng trên nhiều diễn đàn của các diễn giả ở khắp nơi.

Vấn đề: Có nhiều chỉ trích gia tăng trong giới học thuật (nhất là các trí thức phe tả) và chính trị (như phần lớn từ đảng Dân chủ) là TT Trump đã đi ngược lại nguyên tắc kinh điển của kinh tế học chính thống là thương mại tự do (free trade) sẽ đem lại lợi ích cho cả Mỹ và các đối tác thương mại cũng như kinh tế thế giới.

Rõ ràng là ông Trump cũng như các cố vấn là các kinh tế gia chuyên nghiệp đang không hướng về “free trade” và tất nhiên phải chịu nhiều chỉ trích theo lý thuyết truyền thống. Nhưng như ứng cử viên Trump đã từng có chính sách rõ rệt và tuyên bố ngay từ thời tranh cử dạo 2016, Mỹ sẽ rút khỏi hay xét lại các hiệp ước thương mại đa phương hay cả song phương không công bằng với Mỹ theo nghĩa kinh tế. Nổi tiếng nhất là thương mại với TQ sẽ đứng đầu trong nghị trình chính sách (policy agenda) của ông nếu đắc cử. Ngày nay TT Trump đang trên đà thực hiện mạnh mẽ các lời hứa tranh cử đó. Bắt đầu là áp thuế lên thép và nhôm cho tất cả các đối tác buôn bán, không chỉ riêng TQ. Mấy tháng trước, ai cũng e ngại chính sách Trump gây đổ vỡ cả với các đồng minh như Âu châu, Canada, Nhật, Nam Hàn…

Nhưng thật sự sau vài phản ứng mạnh ban đầu, Mỹ và Liên hiệp Âu châu đã hòa hoãn hơn nhiều qua tuyên bố chung mới đây. Các đồng minh chính trị thương mại khác sẽ không dại dột “đụng độ” với Mỹ. Và sẽ tiến tới “nhường nhịn” Mỹ hơn. Ngay thỏa ước NATO tăng chi tiêu quốc phòng của mỗi thành viên lên 2% GDP mỗi nước đã là thắng lợi lớn của Mỹ để có đủ chi tiêu quốc phòng gấp bội trước Nga và TQ, và do sự đóng góp công bằng hơn của Âu châu chứ không riêng của Mỹ phần lớn như hiện nay. Ngoài ra, ngược với mong đợi và chính sách manh nha gây chia rẽ của TQ, một liên minh mới đang thành hình giữa Mỹ, Canada, Tây Âu, Nhật và Nam Hàn để đối phó thương mại với TQ.

Do vậy, Mỹ được rảnh tay để đối phó toàn diện với TQ, cho tới ngày Mỹ được TQ chịu thực hiện việc giảm nhập siêu của Mỹ và tôn trọng thật sự quyền sở hữu công nghệ và trí tuệ của các hãng Mỹ buôn bán làm ăn với TQ. Ngày đó sẽ là đích cuối của nghị trình Trump: đạt tới thương mại bình đẳng (Fair Trade) cho Mỹ.

Vấn đề: Đang có nhiều e ngại từ ngay giới “chính thống” Mỹ như các nhà chính trị và báo chí lẫn học thuật là TT Trump sẽ THUA trong trận chiến hiện tại với TQ hay “bỏ cuộc” giữa chừng và có ngày “cắp tay” thân mật trở lại với lãnh đạo họ Tập trên TV như dạo nào ở khu nghỉ mát của ông Trump ở Florida hay tại Cấm thành ở Bắc kinh?

Đây có lẽ là vấn đề thú vị nhất. Đúng vậy, chính GS Joseph Stiglitz, người từng đoạt giải Nobel kinh tế, đã tiên đoán trên kinh nghiệm và lý luận chặt chẽ về lý thuyết của ông, là sau cùng TT Trump sẽ thua Chủ tịch họ Tập, và Mỹ sẽ bỏ cuộc vì thiệt hại kinh tế lớn cho Mỹ. Nhưng theo người viết, giới này đã hơi coi nhẹ khả năng chiến thuật của cá nhân ông Trump và tác động chính sách Mỹ lên kinh tế và sau nữa là chính trị nội bộ TQ.

Nhiều người không hiểu là ông Trump đang dùng chính thế cờ vây nổi tiếng của chính “bạn hiền” TQ để đối phó với nước này, hay nôm na là dùng gậy ông đập lưng ông; và đang áp dụng thế vô chiêu thắng hữu chiêu nổi tiếng của Kim Dung, một tác giả kiếm hiệp Trung Hoa lừng danh.

Một mặt, chính phủ Mỹ áp thuế cao, thúc đẩy phá giá tiền TQ, gây khủng hoảng niềm tin trong giới đầu tư quốc tế và dân chúng trong nước, bắt đầu chia rẽ chính trị nội bộ và bắt đầu cho một loạt kiện tướng phụ tá của ông Tập ngồi chơi xơi nước… Mặt khác, với thúc đẩy của TT Trump, lưỡng viện Quốc hội Mỹ đã chấp thuận và ông cũng sắp sửa ban hành luật về an ninh quốc phòng kiểm soát đầu tư TQ vào Mỹ cũng như triệt hạ khả năng quốc phòng của TQ, thí dụ như việc gây rối và bành trướng ở Biển Đông hay mưu tính sang cả vùng Ấn độ-Thái bình Dương. Các biện pháp song hành này sẽ là thế cờ vây TQ, không nhất thiết phải là dùng lực lượng bên ngoài tiến vào lãnh thổ họ, nhưng quan trọng hơn là gây rối loạn kinh tế, chính trị và quân sự. Sau cùng, thúc người của chính họ chống lại họ?

Thế vô chiêu của ông Trump chính là sự bất định trong một chính sách rõ ràng của Tòa Bạch ốc để địch thủ có thể tiên đoán được mà phòng ngừa hay đối phó. Vài học giả ở Mỹ tuyên bố TT Trump không có chiến lược rõ rệt hay cụ thể, thiếu nghiên cứu, nên khó thắng được TQ. Tuy nhiên, theo dõi sát các nghiên cứu và kế hoạch của nhóm tư vấn Tòa Bạch ốc từ nhiều tháng, người viết có thể khẳng định rằng lo ngại này không đúng.

Một cách cụ thể, Bộ trường Tài chính Mnuchin và Cố vấn Hội đồng Kinh tế quốc gia Kudlow, ở mặt nổi, vẫn ôn hòa lo điều đình các biện pháp bắt TQ nhường nhịn; và mặt khác, Cố vấn Thương mại Nhà Trắng Navarro và Đại diện Thương mại Hoa kỳ Lighthizer, ở mặt chìm nhưng có ảnh hưởng sâu sắc đến chính sách của TT Trump, sửa soạn cả một kế hoạch “tác chiến” định lượng qui mô về thương mại gồm các mặt hàng, thuế suất, và giá trị, kể cả trường hợp TQ tuồn hàng sang các xứ Đông Nam Á để tránh thuế trong tương lai gần. Các học giả nhìn từ xa bằng con mắt lý thuyết chung chung đã không đánh giá đúng khả năng đang có của Tòa Bạch ốc và nhóm chuyên gia liên hệ. Chính sự coi thường này về chính sách thương mại lâu dài của Trump là lợi thế vô chiêu hay đôi khi hư chiêu của ông?!

Còn chuyện TT Trump có thể “bỏ cuộc” giữa chừng và trở nên hòa hoãn. Tất nhiên với tính khí của ông, chuyện này rất dễ xảy ra, nhưng là vì lý do tốt và chính đáng. Vì kinh tế Mỹ ít phụ thuộc vào xuất cảng, có thể vài ảnh hưởng của thương chiến Mỹ-Trung trở nên gay gắt trong ngắn hạn là lạm phát và lãi suất tăng trong vài quý tới, nhưng đừng quên là tăng trưởng kinh tế Mỹ đang rất mạnh so với TQ và Âu Tây. TQ thì phụ thuộc mạnh mẽ vào xuất cảng để duy trì đầu tư và tăng trưởng, nguy cơ rối loạn kinh tế và chính trị dễ xảy ra trong 6-9 tháng tới. Nếu TQ may mắn bắt đầu khôn ngoan nhận ra thực tế đó, và tỏ thái độ nhường nhịn, sẽ là lúc TT Trump lại tỏ ra hòa hoãn khoan nhượng với TQ, có thể để theo đuổi một mục đích chính trị quốc tế mới.

Lúc đó là lúc ông có thể tuyên bố “Fair Trade” đã trở lại và từ từ sẽ tăng cường “Free Trade” cho Mỹ? Đúng với câu “mantra” (bí quyết) của chính sách thương mại Mỹ hiện tại được tóm tắt trong câu: “Free, Fair and Reciprocal Trade” (Thương mại tự do, bình đẳng và hỗ tương).

XS
SM
MD
LG