Đường dẫn truy cập

Chiết Giang: Số ca hỏa táng tăng vọt giữa đợt bùng phát COVID


TƯ LIỆU - Người thân và hàng xóm dự đám tang của một người phụ nữ họ Lưu, khi dịch COVID-19 tiếp tục bùng phát, tại một ngôi làng ở huyện Đồng Lư, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, ngày 9 tháng 1 năm 2023.
TƯ LIỆU - Người thân và hàng xóm dự đám tang của một người phụ nữ họ Lưu, khi dịch COVID-19 tiếp tục bùng phát, tại một ngôi làng ở huyện Đồng Lư, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, ngày 9 tháng 1 năm 2023.

Số ca hỏa táng ở tỉnh Chiết Giang của Trung Quốc trong quý đầu năm nay tăng hơn 70% so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu của chính phủ, một bước nhảy vọt chưa có lời giải thích trong lúc một đợt bùng phát COVID đang quét qua Trung Quốc.

Khoảng 171.000 ca hỏa táng được đăng ký tại Chiết Giang - nơi chiếm khoảng 5% dân số Trung Quốc - trong ba tháng đầu năm 2023, tăng so với 99.000 ca cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu trên trang web của cục dân sự tỉnh Chiết Giang.

Tổ chức Y tế Thế giới cho hay Trung Quốc không báo cáo đầy đủ số ca tử vong COVID là bao nhiêu sau khi nước này đột ngột từ bỏ các biện pháp kiềm chế nghiêm ngặt vào tháng 12 năm ngoái.

Trung Quốc nói khoảng 80.000 người đã chết vì COVID tại các bệnh viện trên cả nước trong hai tháng đầu tiên sau khi các biện pháp hạn chế được dỡ bỏ, khoảng thời gian mà các nhà tang lễ cho biết họ bị quá tải với hàng dài xe tang xếp hàng chờ đợi bên ngoài lò hỏa táng.

Một số nhà dịch tễ học vào thời điểm đó ước tính có tới 2 triệu người có thể đã chết vì COVID ở Trung Quốc.

Dữ liệu của tỉnh Chiết Giang, không nêu rõ nguyên nhân tử vong, đã bị gỡ xuống. Dữ liệu cho quý tư cũng không thấy. Bộ dân sự Trung Quốc, cơ quan đối chiếu số liệu thống kê tử vong, không công bố dữ liệu hỏa táng trên toàn quốc trong khoảng thời gian đó.

Bộ này và chính quyền tỉnh Chiết Giang đều không trả lời yêu cầu bình luận.

Trong ba năm đầu tiên kể từ cuối 2019 khi đại dịch bùng phát, Trung Quốc đã kiểm soát dịch phần lớn bằng cách áp dụng chính sách nghiêm ngặt ‘zero COVID’ bao gồm phong tỏa khắc nghiệt và xét nghiệm hàng loạt.

Nhưng đến cuối năm 2022, chính sách này bắt đầu thất bại khi biến thể Omicron có khả năng lây truyền cao lan rộng và chính quyền địa phương vất vả huy động tiền bạc và nhân lực để thực thi các biện pháp hạn chế.

Trung Quốc đột ngột thay đổi chiến thuật vào tháng 12 năm ngoái sau các cuộc biểu tình phản đối lệnh phong tỏa ở Bắc Kinh, Thượng Hải và các thành phố khác.

Vào tháng 1 năm nay, một nhà khoa học của chính phủ ước tính rằng 80% trong số 1,4 tỷ dân của Trung Quốc đã bị nhiễm COVID.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG