Ôm cái máy sưởi để cho đỡ lạnh, cô Fu Ming 23 tuổi nhìn kỹ căn phòng nhỏ xíu như một xà lim mà cô gọi là nhà. Cô thừa nhận là đây không phải là cuộc sống mà cô từng mường tượng sau khi tốt nghiệp đại học về môn lập trình.
Cô là một trong số khoảng 50 ngàn người sống trong một nơi có tên gọi là "xã hội kiến” tại Bắc Kinh, một cộng đồng gồm những người trẻ, có giáo dục chuyên nghiệp bị buộc phải sống trong điều kiện chen chúc, bần hàn bên rìa khu ngoại ô có tên là Đường Gia Lĩnh.
Các đây 2 năm, cô Fu Ming đã từ Nội Mông dọn đến Bắc Kinh xây dựng sự nghiệp. Nhưng thành công không phải là chuyện dễ. Mỗi ngày cô phải di chuyển trên một quãng đường thật dài để đến chỗ làm. Lý do là đồng lương của những sinh viên tốt nghiệp đại học chỉ vào khoảng 320 đôla một tháng. Cô chọn nơi ở tồi tàn này, bởi lẽ tiền thuê phòng trong thành phố quá đắt.
Cô cho biết cô thức dậy từ 5 giờ rưỡi sáng và tới chỗ làm bằng xe bus và xe điện ngầm, và cô về tới nhà khoảng 9 giờ tối. Cô Fu nói cô không đủ khả năng tài chính để dọn tới một nơi cư ngụ gần chỗ làm hơn.
Phòng cô Fu chỉ có một cửa sổ, nhìn ra một hành lang hẹp và tối. Các phòng đều không có nước máy và cũng chẳng có máy điều hòa, nhưng có lò sưởi và một cái lò nấu. Quần áo giặt thì treo đầy dọc theo những bức tường.
Người qua đường tò mò nhìn vào, khiến nơi này càng giống không khí nhà tù. Nhưng cô nói cô hãy còn may mắn vì có được một căn phòng riêng với gía thuê 300 nhân dân tệ một tháng như thế. Có khi 4 người phải chung nhau thuê một căn phòng như cô, còn chen chúc, chật chội hơn thế nhiều.
Ai có tiền có thể có dịch vụ Internet, nhưng truyền hình là một thứ xa xỉ đối với cô Fu. Cô viết blog về cuộc đời của mình trong khu ổ chuột này và viết email cho gia đình và bạn hữu mô tả sự thất vọng và “những cảm giác trống rỗng” của cô.
Đường Gia Lĩnh đã trở thành một biểu tượng cho sự mâu thuẫn của nền kinh tế tăng trưởng nhanh chóng của Trung Quốc.
Sau khi mở rộng các trường đại học vào năm 1980, hiện nay Trung Quốc có hơn 6 triệu sinh viên tốt nghiệp mỗi năm, nhưng lại không có đủ việc làm với đồng lương xứng đáng.
Bị coi là khả năng quá cao không có việc gì có thể đáp ứng cho họ tại quê nhà, các sinh viên tốt nghiệp phải kéo về những thành phố lớn như Bắc Kinh và Thượng Hải, chỉ để khám phá ra rằng là họ phải chen chúc trong điều kiện ăn ở thật tồi tệ để sống sót.
Và họ đành phải tạm gác lại giấc mơ về một cuộc sống thoải mái, sung túc của giai cấp trung lưu nơi thành thị.
Chỉ cách đây có 2 năm, Đường Gia Lĩnh còn là một ngôi làng quê với vỏn vẹn 3 ngàn dân. Nhưng vì nhu cầu nhà ở của nhiều người từ nơi khác đổ về, các nông dân đã thấy được cơ hội hốt bạc, họ vội vã xây lên những căn nhà ở tập thể hai ba tầng thường là bất hợp pháp, để cho thuê lấy tiền.
Hiếm có căn nhà nào được xây dựng lên như vậy mà có lối thoát cháy, hoặc những biện pháp an toàn khác.
Thế nhưng, cô Fu Minh và những người thuê nhà tại khu này đang lo sẽ bị đuổi nhà. Lý do là chính quyền, e ngại là hình ảnh xấu về các sinh viên tốt nghiệp phải sống trong những khu ổ chuột, cùng với tình trạng bất mãn có thể nẩy sinh từ đó, đã dự trù triệt hạ khu Đường Gia Lĩnh. Họ nói khu này cần được xây dựng lại và hứa hẹn với “bộ lạc kiến” ở đây những nơi ở hiện đại, giá rẻ trong tương lai.
Tuy nhiên, vấn đề đã bị coi là nhạy cảm về vấn đề chính trị, và các giới chức không muốn đề cập tới. Nhưng, rất nhiều “con kiến”, đã rất lo âu. Họ đồng ý đây là một khu ổ chuột, nhưng là công nhân di trú, họ làm gì có hộ khẩu Bắc Kinh mà mong được cấp nhà! Lý do là, mỗi người Trung Quốc đều có an sinh xã hội, nhưng chỉ ở tại quê nhà của họ mà thôi.
Anh Zhou Hung, kỹ sư vi tính từ Hồ Nam tới, nói rằng đời sống tại Bắc Kinh rất khó khăn vì không có hộ khẩu. Nhiều đồng nghiệp của anh đã phải bỏ thành phố mà đi vì đời sống quá đắt đỏ.
Hung cho biết anh tới đây hồi tháng 3 năm ngoái cùng với một nhóm khoảng 30 người, nhưng bây giờ ở đây chỉ còn 5, 6 người. Tất cả đã bỏ đi hết, vì lý do công việc khó tìm, sinh hoạt đắt đỏ mà đồng lương lại quá thấp.
Anh nói nếu chỗ anh đang ở bị triệt hạ, anh sẽ trở lại quê nhà, cho dù biết rõ là ở đó không có tương lai. Anh cho biết anh chỉ cảm thấy thất vọng, nhưng dân địa phương chắc chắn sẽ giận dữ.
Anh Hung không nghĩ rằng chính quyền có thể áp đặt lệnh triệt hạ khu ổ chuột này đối với các chủ nhà. Chắc chắn họ sẽ phản đối vì đó là phương tiện kiếm sống của họ.
Nhưng mọi sự không hẳn đều đen tối. Nhiều người cư ngụ ở đây sẵn sàng chia phòng với bạn học.
Những người đang đi kiếm phòng và từng là bạn đồng học Li Yu, Wang Xin và Wnag Yuan từ tỉnh Thiểm Tây tới tỏ vẻ lạc quan.
Cô Wang nói nhà cửa đối với cô thế này là được rồi, an ninh cũng tốt. Nếu giá cả phải chăng, cô sẽ cố ở đây trong một thời gian dài. Chỗ làm của cô ngay gần đó.
Trở lại với cô Fu Ming, cô cho biết sẽ cố ở thêm một năm nữa xem tương lai có khá hơn không.
Cô lấy một tấm bìa cứng chặn cửa sổ để người qua đường hiếu kỳ khỏi tò mò nhìn vào chỗ ở của cô. Cô nói thêm là khi nào có thời giờ rảnh cô sẽ may một tấm màn cửa cho đẹp.
Tại vùng ngoại ô thủ đô Bắc Kinh, có một khu được đặt tên là "tổ kiến", một cộng đồng đông đảo những người trẻ chuyên nghiệp sống trong hoàn cảnh khó khăn vì thị trường công ăn việc làm quá eo hẹp và vì giá nhà đất tăng vọt. Từ Bắc Kinh, thông tín viên Peter Simpson gửi về các chi tiết sau đây.