Những người bất đồng chính kiến Trung Quốc tỵ nạn tại nước ngoài |
|
Trong cuộc điều trần hôm qua của Ủy ban Hành pháp Quốc hội về Trung Quốc, dân biểu Cộng hòa Chris Smith của bang New Jersey đã nói chuyện với ông Trần qua điện thoại di động.
Ông Trần nói ông muốn gặp Ngoại trưởng Clinton để cám ơn bà và nhờ bà giúp đỡ đưa sang Mỹ để ông có thể nghỉ ngơi. Ông nói thêm rằng ông lo lắng cho sự an toàn của người thân tại tỉnh Sơn Đông, nơi ông từng bị quản thúc tại gia. Ông Trần cũng yêu cầu bảo đảm quyền tự do đi lại của ông.
Ông Trần nói chuyện từ một bệnh viện ở Bắc Kinh nơi ông đã ở lại cùng với vợ và hai người con, trong khi được chữa trị chấn thương ở chân.
Bạn bè và các nhà hoạt động ở Bắc Kinh nói rằng họ bị ngăn không được tới bệnh viện.
Một giới chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói rằng có nhiều dấu hiệu cho thấy rằng giới chức Mỹ có thể gặp ông Trần trong ngày hôm nay.
Bà Clinton, hiện thăm Bắc Kinh, nơi bà nói về tầm quan trọng của nhân quyền ở Trung Quốc, không công khai đề cập tới ông Trần.
Các nhà hoạt động nhân quyền nói rằng họ nhận được các tin tức cho biết ông Trần có lẽ đã bị buộc phải rời Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Bắc Kinh, đúng vào lúc Ngoại trưởng Clinton và Bộ trưởng Tài chính Timothy Geithner tới đây để tham dự các cuộc đàm phán về kinh tế và an ninh.
Các giới chức Hoa Kỳ nói ông Trần tự nguyện rời đại sứ quán, sau khi đạt được thỏa thuận với giới hữu trách Trung Quốc về việc đưa gia đình ông tới sống tại một nơi khác và cho phép ông học luật tại một trường đại học ở Trung Quốc.
Trong cuộc điều trần, dân biểu Smith bày tỏ sự không hài lòng về thỏa thuận này.
“Có nhiều câu hỏi và thậm chí có nhiều quan ngại hơn. Thỏa thuận giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc về sự an toàn của ông Trần và gia đình ông sẽ được thực thi ra sao? Điều gì sẽ xảy ra nếu ông Trần hay bất kỳ thành viên nào trong gia đình ông bị trả thù?”
Một dân biểu Cộng hòa khác, ông Frank Wolf đại diện bang Virginia, hứa sẽ tiến hành điều tra:
“Liệu có sự ép buộc, ép buộc nhẹ nhàng, bắt buộc, hay gây áp lực nào hay không? Nội dụng các cuộc thảo luận nội bộ tại Bộ Ngoại giao và Tòa Bạch Ốc là gì? Khi mọi chuyện êm xuôi, tôi có ý định yêu cầu xem xét tất cả các công điện, mật hay không, xoay quanh các cuộc thảo luận này?”
Ông Wolf cho rằng điều lúc đầu dường như là một thắng lợi ngoại giao, khi ông Trần bỏ chạy khỏi tình trạng quản thúc tại gia, tới tìm nơi trú tạm an toàn tại Đại sứ quán Mỹ, đã biến thành một ‘thảm bại ngoại giao’.
Trung Quốc có bao nhiêu tù chính trị? Theo cơ sở dữ liệu của Quốc hội Mỹ: |
|
Mục sư Phó Hy Thu, Chủ tịch của tổ chức nhân quyền Cơ đốc giáo ChinaAid có trụ sở ở Hoa Kỳ, nói tại buổi điều trần rằng ông kinh ngạc và thất vọng trước sự kiện ông Trần rời khỏi Đại sứ quán Hoa Kỳ. Ông nói:
“Tại sao không dành cho ông Trần một chọn lựa nào khác? Ví dụ như, tại sao Đại sứ quán Hoa Kỳ không nói với ông Trần rằng, ‘Ông có một sự lựa chọn, là ông có thể ở lại, chúng tôi có thể tiếp tục thương thảo với chính phủ Trung Quốc để cho phép vợ và hai người con ông tới đại sứ quán Mỹ, để ông có được một môi trường an toàn để bàn tính chuyện tương lai?”
Các nhà hoạt động khác nói có tin về các vụ đàn áp mới đối với những nhà hoạt động thân cận với ông Trần và với những người mưu tìm nhân quyền rộng rãi hơn ở Trung Quốc.
Họ nói rằng điều quan trọng đối với các giới chức Hoa Kỳ là coi trọng các vấn đề này và có hành động táo bạo để ông Trần được tự do.
Ông Trần được thả sau 4 năm thọ án tù năm 2010 và bị đặt trong tình trạng quản thúc tại gia. Ông Trần, một luật sư tự học, là người công khai chỉ trích chính sách cưỡng bức phá thai và triệt sản ở Trung Quốc.