Bằng cách ấn định tỷ lệ hối đoái của đồng nguyên dưới giá thị trường, Bắc Kinh đã giữ các mặt hàng xuất khẩu của họ ở giá rẻ hơn, và đem lại cho các nhà sản xuất Trung Quốc một lợi thế cạnh tranh đáng kể trong lĩnh vực thương mại toàn cầu.
Viện Nghiên cứu Chính sách Kinh tế tại Hoa Kỳ tuần trước báo cáo rằng từ năm 2001 trở đi, việc nhà nước Trung Quốc dùng các biện pháp kiểm soát tỷ lệ hối đoái là yếu tố đóng góp đưa đến việc thị trường nhân dụng Mỹ mất đi gần 3 triệu công ăn việc làm.
Ông Arthur Kroeber là giám đốc điều hành của công ty GK Dragonomics. Ông lập luận rằng Trung Quốc xem đơn vị tiền tệ được ấn định dưới giá thị trường, và mức thặng dư mậu dịch của nước họ là một quyền, và là một phần chủ yếu trong chương trình phát triển kinh tế quốc gia. Ông Kroeger nhận định.
Ông Kroeber nói: “Không có một phương cách nào khác được chứng minh để trở thành một nước giàu và có thế lực, vào giai đoạn đầu, khác hơn là đẩy mạnh xuất khẩu. Một trong các công cụ để cổ vũ cho xuất khẩu là ấn định một tỷ lệ hối đoái thấp, dưới giá trị thực tế. Người Trung Quốc có quan điểm cho rằng tất cả mọi người đều đã trở nên giàu có bằng cách sử dụng cùng một kỹ thuật đó... và do đó muốn cho Trung Quốc giàu có, chúng tôi cũng có những quyền y như những người khác.”
Vì nền kinh tế của Bắc Kinh lệ thuộc nặng nề vào lĩnh vực xuất khẩu, bà Janet de Silva, khoa trưởng Trường Kinh Doanh Ivey ở Hong Kong, nói rằng rất khó có thể tiên đoán làm cách nào Bắc Kinh có thể tự do hóa (thả nổi) đơn vị tiền tệ của họ.
Bà de Silva nói: “Nếu Trung Quốc tiến tới việc thả nổi toàn diện, giá trị đồng nhân dân tệ sẽ tăng vọt, có thể tăng lên 20% so với đồng đôla Mỹ, khiến cho các mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc mất tính cạnh tranh.”
Các giới chức Trung Quốc đã tỏ ra miễn cưỡng, không muốn thả nổi đồng nguyên vì làm điều đó sẽ giảm tính cạnh tranh của các mặt hàng xuất khẩu Trung Quốc, đưa đến nạn thất nghiệp, và tình trạng này có thể dẫn đến bất ổn xã hội.
Nhưng duy trì đồng nguyên dưới sự kiểm soát chặt chẽ của nhà nước cũng có những thiệt hại. Điều đó có nghĩa là đơn vị tiền tệ Trung Quốc không được trao đổi trên thị trường quốc tế, cho nên rất nhiều doanh nghiệp toàn cầu sẽ tiếp tục ấn định giá cả hàng hóa và các hợp đồng bằng đồng đôla.
Nhà tham vấn tài chính Kroeber nói rằng những quan tâm của Trung Quốc về tính ổn định của đồng đôla đã trở thành một tác nhân để Bắc Kinh tìm cách quốc tế hóa việc sử dụng đồng nguyên.
Ông Kroeber nói mục tiêu của giới lãnh đạo Trung Quốc trong 10, 20 năm nữa, là tạo ra một thị trường phiếu nợ quốc tế đủ lớn để biến đồng nguyên thành một đơn vị tiền tệ dự trữ, như đồng đôla Mỹ.
Ông Kroeber nói tiếp: “Điều mà họ đang tìm cách làm là tăng việc sử dụng đồng nhân dân tệ trong việc thanh toán và trên các đơn đặt hàng. Nếu có quan tâm về đơn vị tiền tệ được sử dụng trong các giao dịch thương mại, vốn theo truyền thống là đồng đôla Mỹ, thì sử dụng đơn vị tiền tệ của riêng mình là một giải pháp tốt.”
Trung Quốc vẫn hạn chế các nhà đầu tư nước ngoài, không được tham gia rộng rãi vào nền kinh tế của họ, tuy nhiên, Bắc Kinh đang sử dụng Hong Kong như một cửa ngỏ cho đầu tư, qua các chương trình được gọi là “trái phiếu tỉm sấm”. Đây là những phiếu nợ tính bằng đồng nguyên được bán tại Hong Kong từ năm 2009, được đặt tên theo các món tỉm sấm ngon miệng được nhiều người ưa chuộng tại Trung Quốc.
Các 'phiếu nợ tỉm sấm' có sức hấp dẫn cao đối với các thương hiệu toàn cầu như Tesco và BP, cũng như đối với các công ty Trung Quốc đang muốn gầy vốn qua trung gian các phiếu nợ có mức trả nở thấp hơn, so với những khoản nợ tính bằng đơn vị tiền tệ của Mỹ.
Giáo sư de Silva nói rằng các nhà đầu tư nước ngoài và nội địa cho vay nợ có thể đồng ý với mức lời thấp tới 1,7%, vì tin rằng họ có thể sẽ mang về nhiều lợi lộc hơn nếu đồng nguyên tiếp tục tăng giá.
Bà de Silva nói: “Nếu nhìn lại năm qua, đồng nhân dân tệ tăng giá khoảng 6% so với đồng đôla Mỹ. Và theo dự báo trong 5 năm tới, mức tăng này sẽ vào khoảng 4% hàng năm. Như vậy mức lời 1,7% cộng thêm 4% đó, thì tỷ lệ lời bắt đầu có vẻ rất hấp dẫn.”
Mặc dù giới đầu tư có thể hy vọng rằng đồng nguyên sẽ tăng giá trong tương lai, hiện còn nhiều nghi ngại về liệu một đồng nguyên thực sự tự do có thể sớm trở thành hiện thực hay không. Giữa lúc đồng nguyên phát triển để trở thành một phương tiện trao đổi và dự trữ chín chắn và toàn cầu hóa hơn, giới lãnh đạo Trung Quốc đã tỏ dấu cho thấy chính sách tiền tệ hiện hành sẽ tiếp tục theo yêu cầu của riêng họ, chứ không theo các yêu cầu của các đối tác thương mại của Trung Quốc.
Một cuộc tranh chấp lại sắp bùng nổ trở lại giữa Bắc Kinh và Washington về lợi thế cạnh tranh của Trung Quốc trong các giao dịch thương mại toàn cầu, nhờ vào sự kiện nhà nước kiểm soát nghiêm ngặt và ấn định giá trị đơn vị tiền tệ Trung Quốc, tức đồng nguyên, còn được gọi là đồng nhân dân tệ. Tại Washington, Thượng viện Mỹ đe dọa sẽ ra luật áp dụng các biện pháp chế tài thương mại chống Trung Quốc, vì vấn đề này. Từ Hong Kong, Thông tín viên VOA Ivan Broadhead tường trình về những hệ quả của chính sách về tỷ lệ hối đoái Trung Quốc và động thái của nước này nhằm quốc tế hóa đồng nguyên.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
HRW: Việt Nam đàn áp nhân quyền mạnh tay thêm dưới lãnh đạo mới
2Việt Nam phạt nặng lỗi giao thông: đường sá rối loạn, dân tình ta thán
3TT Biden duyệt tên mới cho bưu điện ở Westminster, tôn vinh cựu binh Chiến tranh Việt Nam
4Lao động nhập cư trên các nông trại Mỹ chuẩn bị trước chính sách trục xuất hàng loạt
VOA có ứng dụng mới
Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.
Tải ứng dụng VOA trên App Store và Google Play!