Võ sư Đoàn Bảo Châu, nhà bình luận và phản biện có nhiều ảnh hưởng trên mạng xã hội, bị “sốc” và “phải đi lánh nạn” khi công an Hà Nội nhiều lần triệu tập và kiến nghị khởi tố ông, ông cho VOA biết hôm 31/12/2024.
Ông Châu, với trang Facebook có hơn 175.000 người theo dõi, chia sẻ với VOA rằng do các bài viết và một số video của ông về nhiều vấn đề chính trị, xã hội, kinh tế… ở Việt Nam, công an Hà Nội đã ra quyết định “tạm hoãn xuất cảnh”, hai lần gửi “giấy triệu tập” tới ông trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 8/2024.
Bên cạnh đó, trong lần gặp công an vào tháng 6 theo giấy triệu tập đầu tiên, ông cũng được biết công an đã lập hồ sơ kiến nghị khởi tố ông “dày 15 cm”. Khi đó, ông sửng sốt nhận thấy nguy cơ bị bắt giữ cận kề và đã đi lánh nạn.
Nói về lý do “bị sốc”, ông Châu cho biết từ năm 2000, qua công việc là phóng viên quốc tế hoặc cộng tác viên cho các hãng tin và báo nước ngoài gồm AFP, Reuters, New York Times…, ông đã nhiều lần tiếp xúc, nói chuyện… với các nhân viên an ninh của công an Hà Nội và Bộ Công an, đôi khi đáp ứng các đề nghị của họ về sửa một số bài viết của ông cho bớt “nhạy cảm”.
Giữa ông và họ là sự đúng mực, tôn trọng lẫn nhau nên ông đã không lo lắng gì cho đến khi bất ngờ có những giấy triệu tập và kiến nghị khởi tố nêu trên.
Kể từ khi có giấy triệu tập lần hai vào cuối tháng 8 mà ông Châu đã không thực hiện, công an đã tăng cường theo dõi chặt chẽ cũng như sách nhiễu người thân của ông, gồm vợ, con trai, anh trai và chị gái, ngoài ra, thông qua họ, công an yêu cầu ông “ra trình diện”.
Theo phân tích của nhà phản biện đang đứng trước nguy cơ bị nhà chức trách bắt giữ ở đất nước cộng sản, việc công an nhắm đến cá nhân ông có liên quan đến một chỉ thị mật hồi năm 2023 của Đảng Cộng sản Việt Nam bị The Project 88 (Dự án 88) phát hiện và công khai hóa.
Như VOA đã đưa tin The 88 Project, một tổ chức phi chính phủ quốc tế có trụ sở ở Mỹ, đã công bố rằng chỉ thị số 24 của Bộ Chính trị ra lệnh cho các cơ quan phải quản lý chặt chẽ việc xuất cảnh đối với cả cán bộ lẫn công dân, ngăn cấm hình thành tổ chức chính trị đối lập; cấm thành lập tổ chức của người lao động dưới hình thức dân tộc, tôn giáo; và tăng cường công tác phòng chống “các thế lực phản động”, “cách mạng màu”…
Bàn tay can thiệp của chính quyền, tuân theo chỉ thị này, đã làm các nhóm xã hội dân sự “tan tác hết cả, ai cũng sợ, các lãnh đạo xã hội dân sự ai mà trốn được cũng tìm đường ra nước ngoài sống”, ông Châu nói với VOA.
Tuy rằng ông chỉ là một tiếng nói phân tích, phản biện ôn hòa, không thuộc tổ chức xã hội dân sự nào, nhưng từ góc nhìn của ông, chính quyền Việt Nam “vẫn cứ sợ”, khiến ông bị biến thành mục tiêu sách nhiễu, bắt bớ. Ông Châu nói thêm:
“Sâu thẳm bên trong, chính quyền biết rằng họ không được lòng dân. Do đó, những ai nói lên tiếng nói thẳng thắn là họ sợ hãi, nhất là những người có uy tín xã hội, có lượng theo dõi lớn, ôn hòa, trung thực, có lý lẽ như tôi, họ càng muốn triệt phá”.
Nhà phản biện đang phải lẩn trốn chỉ ra rằng chính quyền mất uy tín vì các quan chức “tham nhũng ở mọi cấp độ” và đạo đức của họ ở “đáy của xã hội”.
“Bản thân trong tâm họ biết tôi làm gì có tội gì, nhưng họ muốn bịt miệng tôi đi thôi”, ông Châu nói.
Hiện đang phải ẩn náu tại một nơi bí mật, không đi ra ngoài, không duy trì các quan hệ xã hội, ông trông đợi tình hình sẽ thay đổi:
“Tôi hy vọng chính quyền Việt Nam nhận ra việc làm sai của mình, họ để tôi về nhà sống bình thường, dựng lại võ đường. Tôi muốn công luận, những người bạn đọc của tôi quan tâm, ủng hộ, báo chí tiếng Việt và tiếng Anh cùng lên tiếng. Khi chính quyền Việt Nam thấy tôi có một lượng người ủng hộ đằng sau, họ sẽ không làm điều gì sai trái đối với tôi”.
VOA cố gắng liên lạc với cán bộ liên quan đến việc triệu tập ông Châu để tìm hiểu quan điểm của phía công an, nhưng không kết nối được.
Theo dữ liệu của The 88 Project, tổ chức phi lợi nhuận của Mỹ chuyên lên tiếng bảo vệ quyền tự do ngôn luận ở Việt Nam, có 181 trường hợp các nhà hoạt động bị cầm tù tính đến ngày 30/12/2024; nhiều người trong số họ là nhà báo và các cây viết trên mạng.
Diễn đàn