Khách đi mua bán ở các siêu thị tại Bắc Kinh lắc đầu tỏ vẻ bất bình khi chủ hiệu sửa lại giá cả hàng hoá của họ.
Ở khắp Trung Quốc, tình trạng lạm phát đang nâng giá hàng trăm món hàng - từ tỏi cho đến đồ sành sứ, cho đến nhiên liệu và những ổ bánh Big Mac của McDonald’s.
Mức tăng 4,4% trong tháng trước về chỉ số giá tiêu thụ tác động mạnh nhất đến những người đi mua bán như bà Yu.
Bà Yu nói rằng số tiền bà phải chi để mua đầy giỏ mỗi ngày mỗi tăng và sự kiện này ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bà.
Lập lại một lời chỉ trích của chính phủ Trung Quốc, bà đổ lỗi cho Hoa Kỳ về các chính sách tiền tệ của họ.
Bắc Kinh nói rằng quyết định của Hoa Kỳ bơm 600 tỷ đôla vào nền kinh tế Mỹ sẽ chuyển một luồng tiền mặt lớn vào các nền kinh tế đang trỗi dậy như Trung Quốc và làm nẩy sinh ra nạn lạm phát.
Kinh tế gia Tim Condon tại công ty bảo hiểm AIG nói rằng bà Yu và chính phủ Trung Quốc chỉ đúng có một nửa khi đổ lỗi cho Hoa Kỳ về tình trạng lạm phát.
Ông nói rằng lạm phát giá thực phẩm có xu hướng là một hiện tượng về mức cung và giá cả nay mai sẽ ổn định.
Ông Condon cho biết: “Dường như sẽ luôn luôn có vấn đề về cung ứng vì thiếu mưa, hay mưa nhiều quá, hoặc vì bất cứ lý do nào khác. Nhưng các dao động đó chỉ có tính thoảng qua và số cung sẽ trở lại bình thường, và giá cả sẽ hạ. Tôi không cho rằng người tiêu thụ Trung Quốc sẽ thấy giá một ổ Big Mac tăng lên 15 xu Mỹ. Tôi nghĩ sẽ có một sự điều chỉnh và giá cả sẽ lại ổn định.”
Trung Quốc đã gánh chịu nạn lụt nghiêm trọng trong mùa hè năm nay, và cơn lạnh sớm mùa đông cũng ảnh hưởng đến hoa mầu.
Nhưng chính phủ vẫn lo ngại về giá cả tăng cao, là sự kiện có tính nhậy cảm về chính trị tại một nuớc nơi phần lớn thu nhập gia đình dành cho thực phẩm.
Để kiểm soát giá cả, khuya hôm qua, nội các Trung Quốc đã loan báo sẽ áp dụng các biện pháp kiểm soát giá các thực phẩm chính, và đề nghị trợ cấp thực phẩm cho người nghèo và gia tăng cung ứng nhiên liệu.
Chính phủ hy vọng sự can thiệp đó sẽ ghìm giá hàng tiêu thụ không tăng quá nhanh.
Ngũ cốc, dầu ăn, đường và bông là các thị trường mà chính phủ muốn ổn định.
Các giới chức cho hay họ sẽ tăng cường trấn át việc đầu cơ giá cả và trừng phạt những người tích trữ nhu yếu phẩm và nâng giá bất hợp pháp.
Nhưng nhiều kinh tế gia cho rằng chính phủ đang đứng trước tình trạng nan giải. Nếu chống lạm phát quá quyết liệt thì có thể gây phương hại cho các nỗ lực nâng cao thu nhập nông thôn va chuyển nền kinh tế hướng tới tiêu thụ nội địa, để khỏi lệ thuộc vào xuất khẩu.
Giá cả thực phẩm tăng vọt đã khiến nhiều người Trung Quốc tham gia các cuộc biểu tình đòi dân chủ năm 1989 ở Quảng trường Thiên An Môn, đưa đến kết thúc đẫm máu khi chính phủ phái xe tăng và binh sĩ đến trấn áp.
Một số người tiêu thụ Trung Quốc phẫn nộ đang đổ lỗi cho các chính sách tiền tệ của Hoa Kỳ đã gây ra tình trạng lạm phát ở Trung Quốc. Sự quy trách này diễn ra sau khi chính phủ Trung Quốc quyết định áp đặt các biện pháp kiểm soát giá cả thực phẩm, và đề xuất trợ cấp cho những người nghèo và tăng cung ứng nhiên liệu. Từ Bắc Kinh, thông tín viên VOA Peter Simpson gửi về bài tường thuật sau đây.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1