Belarus đang kiệt quệ về tài chính. Khi mà họ không trả được hóa đơn tiền điện, chính quyền nước bạn Nga đặt tại điện Kremlin cúp ngay, không cung cấp điện cho họ nữa.
Đài truyền hình Nga do nhà nước kiểm soát loan đi những tin tức đầy tính thù nghịch, gọi chế độ ở Belarus là độc tài chuyên chính.
Chiến lược của Moscow rất rõ ràng: tạo áp lực để cho Minsk phải bán các công ty quốc doanh cho Nga với giá rẻ mạt.
Công ty được nằm trong tầm ngắm là Belaruskali, một công ty lớn của thế giới sản xuất potass. Nếu Nga mua được công ty này, họ sẽ kiểm soát một nửa sản lượng loại phân bón này, một sản phẩm có tính cách sinh tử vào một thời điểm mà nạn thiếu lương thực đang đe dọa toàn thế giới.
Nhưng bất ngờ lại có một kẻ khác chen vào. Giờ đây thì Mink đang thương thảo để bán một phần công ty Belaruskali cho các công ty quốc doanh của Trung Quốc.
Lùng sục khắp thế giới để vơ vét tìm mua nguyên liệu, càng ngày trung Quốc càng xâm nhập vào các phần đất thuộc Liên Xô cũ, một khu vực mà từ lâu Moscow coi là ao nhà của họ.
Một cây bút chuyên viết về chính trị của Nga, ông Konstantin von Eggert nói rằng điện Kremlin thận trọng không nói thẳng ra những lời lẽ chống đối những hành động xâm nhập kinh tế của Trung Quốc ở Beralus, nơi từng có thời được coi là một nước Cộng hòa Xô Viết gương mẫu.
Ông nói: "Người Nga không mấy hài lòng với sự kiện đó, nhưng đồng thời họ cũng phải im miệng, vì họ chẳng làm gì được. Nước Nga đang mất dần thế đứng tại những nước cộng hòa thuộc Liên bang Xô Viết cũ, trong không gian hậu Xô Viết."
Chuyên gia đặc trách Á châu của Bộ Ngoại giao Belarus, ông Leonid Batyanovsky, nói Minsk không dùng Trung Quốc để đối đầu với Nga.
Ông nói: ”Phát triển quan hệ với Trung Quốc không có nghĩa là dùng Trung Quốc để đối đầu với một nước nào đó.”
Belarus không thu hút được mấy đầu tư của Hoa Kỳ hay châu Âu, phần lớn là do các nhà đầu tư cảm thấy bất an về quyền sở hữu trong một quốc gia do một người duy nhất cầm quyền suốt 17 năm.
Nhưng năm ngoái Trung Quốc đã mở rộng tiền tài trợ tín dụng tới 1 tỉ đô la cho một loạt các dự án tại Belarus.
Ông Batyanovsky nói tiếp: “Chúng ta nói đến chuyện tái thiết đường sá. Chúng ta nói đến điện khí hóa đường sắt. Chúng ta nói đến những dự án bất động sản tại Minsk. Chúng ta nói đến việc thành lập khu công nghiệp Belarus-Trung Quốc.”
Belarus chỉ là biên giới mới nhất của những đầu tư Trung Quốc trong 14 nước Cộng hòa Xô viết cũ một thời là những thuộc địa kinh tế của Nga.
Trong tháng qua, chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào thăm Ukraina, một nước láng giềng mà từ lâu bị dân Nga gọi là Malaya Rossiya- Tiểu Nga.
Tại Kyiv, nhà lãnh đạo Trung Quốc và người tương nhiệm Ukraina, ông Viktor Yanukovych, chứng kiến việc ký kết những thỏa ước doanh thương trị giá 3,5 tỉ đô la.
Trước đó trong chuyến đi này, ông Hồ Cẩm Đào đã viếng thăm Kazakhstan.
Chỉ mới 20 năm trước, ông Nursultan Nazarbayev, lúc bấy giờ là người đứng đầu nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Sô Viết Kazakhstan, đã tranh đấu để giữ cho Kazakhstan ở trong Liên bang Sô Viết.
Tuy nhiên trong tháng qua, ông Nazarbayev, hiện là Tổng thống của nước Kazakhstan độc lập, đã cùng với Chủ tịch Trung Quốc ký một hiệp định “đối tác chiến lược.”
Cả hai nguyên thủ quốc gia hứa tăng gấp đôi mậu dịch hai chiều trong vòng 4 năm tới và họ ký những thỏa ước mới nhất để Trung Quốc đầu tư hàng tỉ đô la vào Kazakhstan, lần này để khai thác đồng.
Tại nước Turkmenistan sát bên cạnh, Trung Quốc vừa mới mở rộng tín dụng trị giá 4 tỉ đô la để tăng gấp đôi lượng khí đốt xuất khẩu sang Trung Quốc.
Với số lượng dầu mỏ và khí đốt khổng lồ chuyển về phía Đông, Trung Quốc đã đánh bạt Nga trong tư thế một nguồn mậu dịch và đầu tư lớn nhất tại tất cả 5 nước Cộng hòa Sô Viết cũ ở vùng Trung Á.
Việc quay sang Trung Quốc nhanh chóng đến nỗi các nhà lãnh đạo Trung Á lo ngại về một hệ quả ngược.
Mới đây, một tòa án Kazakhstan đã kết án tù dài hạn hai nhà địa chất về tội bán những bí mật về khoáng sản cho một điệp viên Trung Quốc.
Trong một diễn biến khác, một cố vấn của Tổng thống Kazakhstan bác bỏ một tin được gọi là lời dối trá dơ bẩn nói là chính phủ nước ông đã ký một thỏa thuận bí mật cho Trung Quốc thuê một triệu hecta đất nông nghiệp trong 99 năm.
Tuy nhiên ông Von Eggert, một phân tách gia Nga không tiên đoán là Nga sẽ lợi dụng những hệ quả ngược chống Trung Quốc.
Ông cho biết thêm: ”Nga không có đủ sức mạnh chính trị, kinh tế hay quân sự để chống trả lại sự xâm nhập của Trung Quốc vào vùng xưa nay được xem như là vùng quyền lợi thiết yếu của Nga như Tổng thống Medvedev đã có lần tuyên bố. Đây chỉ là một dấu hiệu khác về sự suy tàn của Nga thời hậu đế quốc.”
Trong khi đó tại Minsk, những nhà hoạch định thành phố đang vẽ đồ bản cho một 'kitai gorod' - thị trấn Trung Quốc - đầu tiên.
20 năm sau khi liên bang Xô Viết sụp đổ, Trung Quốc cạnh tranh với Nga trong tư cách là một nước đầu tư lớn nhất và nước bạn hàng buôn bán nhiều nhất ở các quốc gia từng là các nước cộng hòa trong liên bang Xô Viết cũ.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1