Chính phủ Trung Quốc tuyên bố không có hợp đồng nào được ký kết tại cuộc họp hồi tháng 7 ở Bắc Kinh và không có vũ khí nào được xuất khẩu sang Libya sau cuộc họp. Họ cũng nói rằng lúc đó họ không biết là có một cuộc họp như vậy.
Nếu các công ty Trung Quốc quả thực đã xuất khẩu vũ khí sang Libya thì điều đó vi phạm các biện pháp chế tài do Liên hiệp quốc áp đặt hồi đầu năm nay.
Ông Richard Fisher là một nhà phân tích của Trung tâm Thẩm định và Chiến lược Quốc tế ở Washington. Ông cho biết ông ngạc nhiên khi thấy Bắc Kinh thừa nhận cuộc họp diễn ra và thậm chí là các công ty quốc phòng Trung Quốc muốn dính líu tới cuộc nội chiến Libya.
Ông Fisher nói: "Chúng tôi rất hiếm khi, nếu không muốn nói là chưa bao giờ, có được sự thừa nhận lầm lỗi – cho dù là thừa nhận một phần, từ một người phát ngôn của chính phủ Trung Quốc. Qui tắc thứ nhất của họ là phủ nhận mọi thứ; và người phát ngôn của chính phủ lại lên tiếng sau 24 giờ trễ nãi để phủ nhận một lần nữa, rồi sau đó mới thừa nhận là ít ra đã có sự tiếp xúc với các giới chức chính phủ Libya."
Ông Fisher nói rằng sự thừa nhận của Trung Quốc dường như có mục đích lấy lòng cả hai phía của cuộc xung đột Libya.
Ông Fisher nói tiếp: "Một sự phủ nhận thẳng thừng chỉ làm cho vị thế bị xuống cấp của họ ở Libya trở nên tệ hơn. Vì vậy họ đã quyết định không phủ nhận. Nhưng qua việc thừa nhận một phần là có sai lầm, họ cũng mở cửa cho nhiều nghi vấn khác."
Mãi tới ngày 12 tháng 9 vừa qua Trung Quốc mới thừa nhận Hội đồng Chuyển tiếp Quốc gia NTC là chính phủ hợp pháp của Libya và tố cáo về những hợp đồng bán vũ khí để giúp cho các lực lượng của Gadhafi đã làm phức tạp thêm vị thế của Trung Quốc ở Libya, nơi họ có nhiều hợp đồng về dầu lửa và xây dựng cơ sở hạ tầng.
Người Trung Quốc đến Libya làm ăn đông đến độ khi cuộc xung đột Libya bắt đầu, Bắc Kinh đã phái một tàu khu trục của hải quân đến nơi để di tản khoảng 30,000 công dân của họ.
Những chi tiết về cuộc họp tháng 7 đã được phanh phui hồi gần đây khi một nhà báo của tờ The Globe and Mail ở Canada tìm thấy những giấy tờ tại một khu xóm ở Tripoli nói tới việc các công ty quốc phòng Trung Quốc tìm cách bán súng ống và đạn dược cho các lực lượng của ông Gadhafi. Những hồ sơ đó không cho thấy các loại vũ khí có được chuyển giao hay chưa.
Các giới chức của NTC nói rằng họ có hay biết về sự dính líu của Trung Quốc, ngay cả trước khi các giấy tờ đó được phát giác và họ dự trù tiến hành những hành động pháp lý.
Trong cuộc phỏng vấn dành cho hãng tin Reuters hồi tuần trước, phát ngôn viên quân sự Libya, ông Abdulrahman Busin, nói rằng NTC có những bằng chứng cụ thể về việc ông Gadhafi mua vũ khí từ Trung Quốc và những nước ở Đông Âu, bất chấp lệnh cấm của Liên hiệp quốc.
Ông Busin nói: "Rất nhiều những vụ mua bán đó được thực hiện qua một người trung gian. Việc này không phải tới bây giờ mới xuất hiện. Chúng tôi đã theo dõi việc này từ lâu rồi. Và những hồ sơ mới được tìm thấy chỉ làm vững chắc thêm luận cứ mà chúng tôi đã xây dựng trong mấy tháng vừa qua."
Ông Busin cho hay các hồ sơ đó cho thấy người trung gian là một công dân của Algerie, là nước mà Trung Quốc có những những mối liên hệ quân sự rất chặt chẽ. Ông cũng nói rằng có những bằng chứng rõ ràng cho thấy Trung Quốc biết rất rõ là những vũ khí mà họ bán cho Algerie rốt cuộc sẽ được đưa tới Libya.
Trước khi Liên hiệp quốc áp dụng các biện pháp chế tài hồi đầu năm nay, và trước khi cuộc nội chiến Libya bắt đầu, nhiều nước trên thế giới đã tiếp xúc với bộ quốc phòng Libya để rao bán vũ khí. Hơn 100 công ty của ít nhất 24 nước đã tham gia Hội chợ Quốc phòng Libya hồi cuối năm ngoái. Hơn phân nửa các công ty đó là công ty Anh.
Các nhà phân tích quân sự cho hay các công ty quốc phòng Trung Quốc nằm trong số các công ty tham gia triễn lãm, kể cả những công ty có tên trong các hồ sơ tìm thấy hồi đầu tháng này.
Ông Pieter Wezeman là một nhà nghiên cứu cấp cao của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, chuyên nghiên cứu về những vụ mua bán vũ khí ở Trung Đông và Bắc Phi.
Ông Wezeman nhận xét: "Chắc chắn là Trung Quốc sẽ tìm cách bán mọi loại trang thiết bị, từ vũ khí nhẹ, xe bọc sắt cho tới các loại máy bay chiến đấu; như họ đã làm ở những nơi khác và giống như những gì mà các nước khác đã làm. Tuy nhiên, người ta không biết nhiều về vấn đề là Trung Quốc thật sự đã bán cho Libya những gì."
Phân tích gia Fisher cho biết các loại vũ khí của Trung Quốc đã đóng một vai trò trong cuộc xung đột ở Libya.
Ông Fisher nói: "Một cuộc xem xét khái quát về những hình ảnh giao tranh từ khi cuộc nội chiến bắt đầu cho thấy rất rõ là cả hai bên của cuộc xung đột đều sử dụng các loại vũ khí của Trung Quốc. Đôi bên đã dùng súng phóng lựu của Trung Quốc để bắn vào đối phương. Cả hai bên đều dùng xe tải do Trung Quốc chế tạo để gắn các khẩu súng đại liên hoặc súng cối để tấn công phía bên kia."
Các giới chức chính phủ Mỹ nói rằng họ chưa nhận thấy điều gì mâu thuẫn với tuyên bố của Trung Quốc là chưa có bán vũ khí. Phát biểu hồi đầu tuần này tại Washington trong một cuộc hội thảo do nhật báo Christian Science Monitor bảo trợ, Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên hiệp quốc Susan Rice nói rằng Trung Quốc đã cho Hoa Kỳ biết rằng họ dự định “tăng cường những biện pháp kiểm soát nội bộ” để bảo đảm là sẽ không diễn ra những cuộc gặp gỡ như cuộc gặp hồi tháng 7.
Hồi tuần trước, Trung Quốc thừa nhận rằng các công ty quốc phòng của nước họ đã gặp gỡ các đại diện của ông Moammar Gadhafi hồi tháng 7 để bàn về những vụ mua bán vũ khí. Sự thừa nhận này làm dấy lên nhiều nghi vấn về sự hỗ trợ quân sự mà Bắc Kinh dành cho cựu lãnh tụ độc tài của Libya. Mời quí vị theo dõi thêm chi tiết dựa theo tường thuật của thông tín viên William Ide.