Đối với các nhà hoạt động thúc đẩy dân chủ ở Trung Quốc, những ngày và những tuần vừa qua không mấy tốt đẹp.
Tại tỉnh Tứ Xuyên, ông Trần Vệ bị kết án 9 năm tù giam và tại tỉnh Quý Châu, ông Trần Tây, một người không có liên hệ họ hàng với ông Vệ, bị kết án 10 năm tù giam. Cả hai đã viết các bài tham luận bị coi là chỉ trích chính phủ Trung Quốc. Cả hai người đều chính thức bị kết tội xúi giục lật đổ chính quyền.
Ông Trần Tây, một cựu quân nhân và công nhân nhà máy, từng bị kết án 3 năm tù giam vì ủng hộ các cuộc biểu tình đòi dân chủ năm 1989, đã bị quân đội dùng xe tăng đàn áp một cách tàn bạo.
Ông Trần Tây đã tổ chức một diễn đàn nhân quyền cho các thường dân tại thủ phủ Quý Dương thuộc tỉnh Quý Châu. Vợ ông, bà Trương Quần Tuyển, cho rằng những tiếng nói mang tính phản biện của chồng bà là điều cần thiết nếu chính phủ Trung Quốc thực sự muốn theo đuổi dân chủ và tiến bộ.
Bà Trương nói bà không cho rằng chồng mình tìm cách lật đổ chính phủ. Bà nêu sự kiện ông không nắm trong tay quân đội, cảnh sát hay điều hành tòa án. Thay vào đó, bà đặt một câu hỏi hùng biện, rằng có lẽ nào chính phủ Trung Quốc lại yếu ớt tới mức lo sợ cả một ngòi bút và một tờ giấy?
Ông Trần Tây và Trần Vệ bị kết án vào đúng ngày Giáng sinh hay ngay trước ngày lễ này. Ông Phó Hy Thu thuộc tổ chức China Aid có trụ sở ở Hoa Kỳ nói ông nghĩ rằng chính quyền Bắc Kinh đã tính toán về thời điểm tuyên án.
Ông Phó Hy Thu nói: “Rõ ràng là có sự tính toán về phản ứng của các chính phủ phương Tây và công luận quốc tế vì chính phủ Trung Quốc cảm thấy rằng họ sẽ không gây chú ý từ cộng đồng quốc tế nếu tuyên các bản án nặng đối với các nhà bất đồng chính kiến vào đúng dịp Giáng sinh.”
Ông Phó Hy Thu cũng nhắc lại một bản án được tuyên đúng vào ngày lễ Giáng sinh năm 2009. Khi đó, ông Lưu Hiểu Ba, nhà văn bất đồng chính kiến mạnh mẽ chỉ trích chính quyền, đã bị kết án 11 năm tù giam. Một năm sau, ông Lưu được trao giải Nobel Hòa bình.
Ông Phó cũng nêu ra các vụ cưỡng ép mất tích, bắt giữ bừa bãi và giam cầm như bằng chứng cho thấy sự đàn áp dã man nhắm vào giới bất đồng ở Trung Quốc vẫn tiếp tục diễn ra.
Ông Phó nói tiếp: “Cuối năm 2011, nhân quyền Trung Quốc hứng chịu một mùa đông thực sự lạnh giá, và tôi không hy vọng là mọi chuyện sẽ khá hơn.”
Trong một buổi họp báo thường lệ hôm nay, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi bảo vệ thành tích nhân quyền của Trung Quốc.
Ông Hồng nói rằng chính phủ Trung Quốc đã phát triển kinh tế đất nước, cải thiện cuộc sống của người dân, cải thiện hệ thống pháp lý, và pháp trị cũng như đang nỗ lực bảo vệ và bảo đảm toàn diện tự do và quyền của người dân Trung Quốc.
Người phát ngôn này kết luận rằng hồ sơ nhân quyền Trung Quốc hiện thời là ‘tốt đẹp nhất trong lịch sử nước này’. Ông kêu gọi cộng đồng quốc tế, “nhận định đúng đắn và khách quan về tình hình phát triển nhân quyền của Trung Quốc,” theo nguyên văn lời ông.
Trung Quốc bênh vực thành tích nhân quyền của mình sau khi tuyên các bản án tù khắc nghiệt đối với các nhà hoạt động đòi dân chủ. Những người chỉ trích cho rằng, năm nay, tình hình nhân quyền đã thụt lùi ở Trung Quốc sau một loạt các vụ truy tố các nhà hoạt động nổi bật.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1