Trong một cảnh đầy xúc động, ông Peng Gaofeng được đoàn tụ với đứa con trai của ông, bị bắt cóc ba năm trước đây khi em mới lên ba.
Bắt cóc trẻ em là một vấn đề lớn ở Trung Quốc với hằng ngàn trẻ em bị mất tích mỗi năm. Chính phủ dường như chẳng thể làm được gì nhiều để giúp các phụ huynh đang trong tình trạng quẫn trí này.
Người cha tuyệt vọng của em Xinle đã lùng kiếm khắp nơi trong nước, đi hằng trăm dặm đường để tìm con.
Nhưng bé trai này cuối cùng đã được trả về nhờ việc tìm kiếm trên Internet.
Ông Peng mở một trang blog và sử dụng mạng lưới Twitter - ở Trung Quốc gọi là Weibo - để đăng hình ảnh con trai ông với hy vọng một người nào đó, tại một nơi nào đó, trong quốc gia rộng lớn với dân số một tỉ 4 trăm triệu này nhận ra được Xinle.
Và việc đó đã có hiệu quả.
Ông Peng nói rằng sức mạnh của mạng lưới truyền thông xã hội này hết sức to lớn khi ông truy cập, và nếu không có Internet ông sẽ không bao giờ tìm được con ông.
Lời cầu khẩn nhờ giúp đỡ của ông Peng trên mạng đã được ông Deng Fei, một nhà báo với 100.000 độc giả trên trang mạng Weibo chú ý.
Ông gởi lại lời yêu cầu giúp đỡ của ông Peng và tấm ảnh của Xinle tới các địa chỉ khác.
Trong dịp Tết Nguyên Đán, một trong những độc giả của ông Deng đã tiếp xúc với ông và cho biết đã thấy bé trai này tại phía bên kia đất nước.
Ông Deng đã tiếp xúc với cảnh sát và sử dụng trang mạng xã hội để cho thấy cuộc đoàn tụ gia đình đầy nước mắt này và báo chí trong nước đã đưa tin này lên trên trang đầu.
Ông Deng nói rằng ông đã quay phim cuộc đoàn tụ vừa kể để đưa ra bằng chứng rằng mạng lưới truyền thông xã hội có thể là một công cụ vô cùng mạnh mẽ để tìm kiếm trẻ em bị mất tích.
Ông nói rằng giờ đây mỗi người dân Trung Quốc biết truy cập Internet có sức mạnh để bày tỏ ý kiến.
Một cuộc vận động khác trên mạng khuyến khích những người sử dụng Internet đăng hình ảnh các trẻ em ăn xin, được biết đã giúp sáu trẻ em được đoàn tụ với gia đình. Tại Trung Quốc, những trẻ em bị bắt cóc thường bị buộc phải đi ăn xin.
Ông Thomas Crampton, làm tham vấn trang mạng xã hội tại Châu Á cho tổ chức Giao Tế Quần Chúng Toàn Cầu Ogilvy, và đã viết nhiều về việc sử dụng Internet tại Trung Quốc.
Ông nói rằng mặc dầu chính phủ Bắc Kinh vẫn ngờ vực mạng lưới truyền thông xã hội và sự gia tăng nhận thức về kỹ thuật số tại quốc gia này, nhưng chính phủ Trung Quốc cần phải hài lòng với trường hợp em Peng Xinle.
“Tuy nhiên, mối quan hệ này không hoàn toàn có tính cách đối kháng, chính phủ đã nhìn thấy giá trị của nó. Thí dụ trang mạng xã hội đã được sử dụng trong vụ động đất ở Tứ Xuyên để điều phối những nỗ lực cứu hộ, để gây quỹ...Đây là mối quan hệ mà chính phủ rất ý thức về sức mạnh của nó, và vui mừng khi thấy nó được sử dụng theo cách phù hợp với lợi ích của chính phủ.
Tuy nhiên, Đảng Cộng Sản cầm quyền tại Trung Quốc vẫn còn kiểm duyệt Internet, và ngăn chặn các mạng lưới xã hội quốc tế như Twitter.
Nhiều trang mạng của các hãng tin nước ngoài, trong đó có đài Tiếng Nói Hoa Kỳ, cũng thường bị ngăn chặn.
Tin tức về sự sụp đổ của các Tổng Thống Ai Cập và Tunisia sau các cuộc biểu tình đòi dân chủ đã bị kiểm duyệt gắt gao tại Trung Quốc.
Nhưng, ngay cả tờ báo chính của chính phủ, tờ Nhân Dân Nhật Báo, cũng thừa nhận về tính cách hữu ích của mạng lưới truyền thông xã hội. “Thời đại của microblogs đã tới,” nhật báo vừa kể đã phát biểu như vậy trong một bản tin nói về sự thành công trong việc tìm con trên mạng của ông Peng.
Và một số cơ quan chính phủ bắt đầu sử dụng mạng lưới truyền thông xã hội. Có tin về các đơn vị cảnh sát sử dụng microblogs để giải quyết những vụ mất tích.
Tại Trung Quốc, các mạng lưới thông tin xã hội như microblogs và dịch vụ nhắn tin nhanh, thường bị kiểm soát chặt chẽ, để ngăn không cho phổ biến các thông tin mà chính quyền không muốn. Nhưng một số người Trung Quốc đang học cách sử dụng mạng lưới thông tin xã hội này để đoàn tụ gia đình.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1