Các nữ doanh gia đóng vai trò lãnh đạo và các quan chức phụ nữ nổi tiếng từ khắp thế giới đã lắng nghe chủ tịch Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ Toàn Cầu Irene Natividad phát động một chương trình mới để huấn luyện những người đứng đầu các tổ chức phi chính phủ, còn gọi tắt là NGO.
Bà nói các NGO là thiết yếu cho việc khẳng định quyền về kinh tế của phụ nữ ở mọi nơi – kể cả Trung Quốc là nước chủ trì kỷ niệm 20 năm hội nghị thượng đỉnh.
Nhưng trong mấy tháng vừa qua, Trung Quốc đã bổ xuống nhiều hạn chế gay gắt đối với các NGO cả ở trong nước lẫn của nước ngoài, và bị cáo buộc là xách nhiễu nhiều người lãnh đạo NGO, trong đó có nhà hoạt động về bệnh AIDS nổi tiếng là Vạn Diên Hải, đã chạy trốn qua Hoa Kỳ hồi đầu tháng này.
Giới quan sát và phê bình nói rằng Bắc Kinh lo sợ về ảnh hưởng của một xã hội văn minh đang nổi lên mà các NGO là đại diện, và đang mở cuộc đàn áp các tổ chức này.
Bà Natividad cho biết bà lấy làm quan ngại trước các diễn biến và hy vọng Trung Quốc sẽ chuyển hướng trong điều mà bà gọi là một khu vực rất quan trọng của xã hội.
Bà Natividad nói: “NGO là các phương tiện quan trọng làm công việc mà chính phủ và các khu vực tư nhân không làm được bởi vì họ đến được với quần chúng. Cần phải để cho các tổ chức này hoạt động một cách không hạn chế, vì vậy tôi hy vọng các luật lệ mới có thể được xét lại.”
Các luật lệ hạn chế sự đóng góp từ nước ngoài vào các tổ chức NGO trong nước đã được áp dụng hồi tháng 3 và nhiều tổ chức của Trung Quốc cho hay họ đang bị cạn kiệt về tài chính đến mức không còn hoạt động được – và hậu quả là hàng triệu người thiếu thốn ở Trung Quốc sẽ phải chịu thiệt thòi. Họ nói rằng các luật lệ mới về thuế má và các thủ tục hành chánh quan liêu đang nhắm mục đích gây trở ngại nghiêm trọng.
Các chuyến thăm bất chợt tới các văn phòng NGO của các thanh tra thuế, cảnh sát, sở cứu hỏa và các cơ quan an ninh khác đã được tăng cường.
Hồi tháng hai, Bộ Giáo Dục báo cho các trường đại học phải cắt đứt liên hệ với chi nhánh ở Hong Kong của tổ chức từ thiện Oxfam có trụ sở chính ở Anh Quốc, chấm dứt chương trình thực tập 4 năm để huấn nghệ cho các sinh viên sắp tốt nghiệp Trung Quốc về công tác xã hội.
Ngoài ra, các chùa chiền Phật giáo, đền thờ Hồi giáo và các nhà thờ Công giáo đều bị thanh tra và phải qua các thủ tục hành chánh quan liêu để được chính phủ chấp thuận cho nhận các đóng góp của nước ngoài từ 150.000 đôla trở lên.
Ông Nicolas Bequelin thuộc tổ chức Human Rights Watch ở Hong Kong ca ngợi bà Natividad đã lên tiếng.
Ông Bequelin nói: “Chúng tôi ở trong tình hình khá tồi tệ đối với các NGO ở Trung Quốc vào lúc này, và tất cả có lẽ đều do chính phủ Trung Quốc lo ngại rằng các NGO đặt công tác của chính phủ dưới sự theo dõi nhiều hơn và chung cuộc sẽ dẫn đến áp lực nhiều hơn về trách nhiệm, và đó là điều mà chính phủ không muốn thấy. Đương nhiên là người dân Trung Quốc sẽ tiếp tục đòi có thêm các tổ chức đại diện cho quyền lợi của hộ và giải quyết các vấn đề xã hội trông thấy rõ. Nhưng không chắc là chính phủ sẽ nhượng bộ trước các mục tiêu xã hội này. Tôi nghĩ sẽ rất khó mà lạc quan vào lúc này bởi vì chúng ta đã thấy các diễn biến và các biện pháp chống lại các NGO chưa từng có từ trước đến nay.”
Bà Natividad có quốc tịch Mỹ đã nói với các đại biểu rằng Chương trình Lãnh đạo NGO của bà sẽ bắt đầu huấn luyện cho các nữ lãnh đạo doanh nghiệp NGO vào năm tới. Bà nói việc này sẽ giúp các NGO trên khắp thế giới phải làm việc trong các hoàn cảnh khó khăn có thể tiếp tục công tác cấp thiết của mình.
Chính phủ Trung Quốc đang gây khó dễ cho các tổ chức phi chính phủ ngoại quốc và trong nước. Nhưng Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ Toàn cầu đang tiến hành ở Bắc Kinh đã phát động chương trình “Lãnh đạo NGO” và nói rằng các tổ chức phi chính phủ này là thiết yếu đối với việc khẳng định quyền của nữ giới về kinh tế. Từ Bắc Kinh, thông tín viên VOA Peter Simpson ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1