Những vụ rắc rối mới nhất tại Ô Khảm đã khởi sự từ hồi tháng 9. Thoạt tiên, các cư dân phẫn nộ đã tổ chức các cuộc biểu tình ồn ào để phản đối chính quyền địa phương, bị họ tố cáo là đã tịch thu đất canh tác của họ để dùng trong các dự án phát triển.
Sự chống đối leo thang trong tuần này sau khi ông Tiết Cẩm Ba, một người hoạt động bị bắt trong các cuộc biểu tình, qua đời sau đó trong thời gian bị cảnh sát câu lưu. Nhà chức trách nói ông chết vì những nguyên nhân tự nhiên, thế nhưng thân nhân của ông nói rằng ông bị đánh đập dữ dội. Gia đình chưa thu hồi được xác của nạn nhân.
Hôm nay, các đại diện làng Ô Khảm đã mở các cuộc thảo luận hòa giải với các giới chức cấp tỉnh. Trong cuộc họp, các giới chức đồng ý trả tự do cho 3 người đàn ông khác cũng bị bắt trong các cuộc biểu tình tháng 9, đồng thời tái xét nguyên nhân gây ra cái chết của ông Tiết Cẩm Ba.
Một người dân làng hoan nghênh lời hứa của chính quyền địa phương. Ông nói ông hy vọng rằng các giới chức sẽ giữ lời cam kết của họ. Ông nói dân làng đã chứng tỏ sự đồng thuận của họ bằng cách tháo gỡ các rào cản chận đường, trong khi cảnh sát cũng rút lui ra khỏi hiện trường.
Trong hơn một tuần lễ, cư dân Ô Khảm đã phong tỏa trục lộ chính dẫn tới ngôi làng, và đuổi các giới chức địa phương ra khỏi làng trong cơn phẫn nộ về vụ đất đai bị tịch thu và vì cái chết của ông Tiết.
Mặc dù các cuộc biểu tình đã chấm dứt trong lúc này, bà Trương, một dân làng khác, nói rằng bà và những người láng giềng đang theo sát những gì xảy ra tiếp theo.
Bà Trương nói nếu các giới chức không giải quyết vấn đề, cư dân làng Ô Khảm sẽ tiếp tục chiến dịch phản đối. Bà nói dân làng hết sức giận dữ, và bất bình về việc nhà chức trách có thể bắt một người như ông Tiết Cẩm Ba, rồi sau đó, theo lời bà “đánh đập ông cho tới chết.”
Tại một cuộc họp báo trước đó trong tuần, ông Trịnh Nhạn Hùng, bí thư của thành phố Sơn Vĩ, chủ quản làng Ô Khảm, chỉ trích dân làng về hành động mà ông cho là “gây rối” của họ.
Ông Trịnh nói rằng chính quyền địa phương đã tốn rất nhiều tiền để bố trí hàng trăm cảnh sát vũ trang đến quanh ngôi làng.
Ông khẩn thiết kêu gọi dân làng hãy thông cảm với các giới chức địa phương, mà theo lời ông, đang gặp khó khăn hơn trong cuộc sống.
Ông nói trách nhiệm của các giới chức ngày càng tăng, trong khi quyền hạn của họ lại giảm dần. Ông nói công chúng đã trở nên khó khăn và đòi hỏi nhiều hơn, và theo lời ông, trở nên “khó quản trị.”
Bà Sharon Hom, thuộc Tổ chức bênh vực Nhân quyền Human Rights Watch ở Trung Quốc, nói rằng sự cố tại làng Ô Khảm phản ánh một thay đổi quan trọng trong thái độ của người dân thường Trung Quốc, giờ đây không còn đơn giản chấp nhận những giải thích của chính quyền về tất cả mọi chuyện nữa.
Bà đơn cử sự phẫn nộ của công chúng sau một tai nạn xe lửa ở thị trấn Ôn Châu, miền Đông Trung Quốc, xảy ra hồi tháng Bảy, như một ví dụ tương tự với sự cố xảy ra tại làng Ô Khảm.
Bà nói: “Đây là một yêu sách ngày càng tăng đòi phải có trách nhiệm trong những sự cố như thế này. Và ta coi đó như một phần của việc đòi hỏi trách nhiệm và nói lên sự thực trong những tai nạn đường sắt ở Ôn Châu – sự phẫn nộ của dân chúng chỉ vì không được cho biết sự thực.
Và mặc dầu tin tức của các giới truyền thông nhà nước về các sự việc xảy ra ở Ô Khảm rất ít, người dân Trung Quốc đã tham gia một cuộc tranh luận rất sống động trên mạng Internet.
Nhiều lời bình luận hoan nghênh lối giải quyết bất bạo động các căng thẳng ở đó, trong khi một số nói rằng dân làng Ô Khảm đã đạt được một chiến thắng. Tuy nhiên, những người khác tỏ ý quan ngại rằng sau khi sự chú ý của công chúng phai mờ đi, thì nhà cầm quyền sẽ truy lùng những người tổ chức biểu tình.
Cư dân nổi loạn tại làng Ô Khảm ở Nam Trung Quốc đã chấm dứt cuộc biểu tình ồ ạt để phản đối nhà cầm quyền địa phương, sau khi các giới chức đề nghị nhượng bộ để giải quyết những khiếu nại của họ. Dân làng phản đối vụ tịch thu đất canh tác và cái chết của một cư dân, xảy ra trong khi người này bị câu lưu.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1