Quốc Hội Nhân Dân đang duyệt lại những tu chính án sẽ thay đổi hình luật của họ để cho phép lực lượng an ninh giam giữ các nghi can ở những địa điểm bí mật mà không cần phải truy tố cho tới sáu tháng. Theo dự kiến các nhà làm luật sẽ chính thức chấp thuận dự luật mới này vào cuối tháng Chín.
Ông Patrick Poon thuộc Tổ Chức Quan Tâm của Luật Sư Nhân Quyền Hồng Kông nói rằng, những thay đổi được dự trù chứng tỏ là tình hình nhân quyền tại Trung Quốc đang suy thoái, bất chấp lời tuyên bố khác hẳn của chính phủ.
Ông nói: “Những tu chính mới có thể thật sự giam giữ bất cứ người nào vào bất cứ lúc nào tại một nơi bí mật nếu cảnh sát muốn. Điều đó sẽ làm gia tăng các trường hợp mất tích do bị cưỡng bức bắt dẫn đi ở Trung Quốc, vì vậy chúng tôi rất quan tâm về những điều khoản mới này.”
Mất tích do bị cưỡng bức bắt dẫn đi là biện pháp thông thường được sử dụng để bịt miệng những người bất đồng chánh kiến tại Trung Quốc, và đã gia tăng dữ dội từ tháng Hai, khi chiến dịch trên mạng bắt đầu kêu gọi các cuộc nổi dậy theo lề lối như ở các nước Ả Rập, để chống lại chính phủ Cộng Sản Trung Quốc.
Nhiều người hoạt động nhân quyền và các luật sư đã mất tích do bị bắt dẫn đi mà không có cáo trạng trong nhiều tháng liên tiếp, mặc dù lề lối này bị đặt ra ngoài vòng pháp luật theo Hiến Pháp Trung Quốc.
Theo luật mới, những vụ mất tích do cưỡng bức dẫn đi sẽ hợp pháp, và giới hữu trách sẽ không phải thông báo cho gia đình hay luật sư của người bị giam giữ biết.
Ông Poon nói rằng, những khoản tu chính này là một cách cho chính phủ Bắc Kinh tự biện hộ trước những chỉ trích của quốc tế, trong đó có Liên Hiệp Quốc, về thành tích nhân quyền của Trung Quốc.
Ông nói: “Tôi nghĩ rằng đó là lý do tại sao họ đang tìm cách hợp pháp hóa những loại theo dõi nơi cư ngụ hoặc giam giữ người, cho luật này tinh vi hơn, để họ có thể tuyên bố rằng họ đang tuân theo luật lệ của chính họ để giam giữ những người với điều được gọi là lý do chính đáng, thí dụ như nguy hại cho an ninh quốc gia.”
Ông Poon nói rằng, Trung Quốc lo ngại về những chỉ trích nhắm vào hệ thống luật pháp của họ. Nhưng ông Donald Rothwell, giáo sư môn luật quốc tế tại Trường Đại Học Quốc Gia Úc, nói rằng biện pháp này sẽ chẳng làm được gì nhiều để giảm bớt mối lo ngại của quốc tế liên quan tới những nguy cơ về luật pháp của các công dân nước ngoài làm việc ở Trung Quốc.
Giáo sư Rothwell nói:
“Điều này sẽ chỉ làm mạnh hơn những chỉ trích về nhân quyền của các nước phương Tây đối với Trung Quốc.”
Hôm thứ Tư, bà Khương Du, phát ngôn viên bộ ngoại giao Trung Quốc, đã từ chối nói về dự luật trên. Bà nói với các ký giả rằng những dự luật đó là một vấn đề thuộc quốc hội Trung Quốc.
Bà Khương Du còn cảnh báo các luật gia Trung Quốc hãy hành nghề trong khuôn khổ luật pháp bằng không sẽ bị trừng trị.
Không thành viên nào của quốc hội Trung Quốc đưa ra nhận định gì về những tu chính này, nhưng cơ quan này đã hỏi ý kiến công chúng về các tu chính án.
Ông Pu Zhiqiang, luật sư về dân quyền Trung Quốc bác bỏ việc hỏi ý kiến công chúng, cho đây chỉ là một chiến thuật giao tế công cộng.
Ông Pu nói những thay đổi chỉ nhằm hợp pháp hóa những vụ giam giữ hiện nay. Theo ông, quan điểm của công chúng cũng như những người không mạnh thế lắm tại quốc hội sẽ không được để ý tới, bởi vì Cục Công an đầy quyền lực vẫn có quyết định tối hậu.
Ông Pu nói các giới chức an ninh muốn đàn áp phe bất đồng chính kiến để dập tắt những lời phê phán chính quyền và mối đe dọa về bất ổn xã hội.
Hôm thứ Tư, ông Giang Thiên Dũng, luật gia nhân quyền, nói với 1 tờ báo Hồng Kông là ông đã bị hành hạ cả thể chất lẫn tinh thần, liên tục bị tẩy não và đe dọa trong suốt thời gian 2 tháng bị giam giữ.
Bản tường trình chi tiết của ông Giang là 1 trong những tài liệu đầu tiên loại này được công bố, bởi vì phần đông các nhà hoạt động nhân quyền, kể cả nghệ sĩ Ngải Vị Vị và luật sư Cao Trí Thịnh, sau khi được thả đều bị chính quyền Trung Quốc cảnh báo là hãy giữ im lặng nếu không muốn bị bắt lại.
Trung Quốc bị hối thúc hãy bãi bỏ kế hoạch sửa đổi hình luật của họ nhắm hợp pháp hóa việc giam giữ các nghi can tại những địa điểm bí mật. Các luật sư ở trong cũng như ngoài nước nói rằng những đề nghị này sẽ dẫn tới việc có thêm các vụ “mất tích do bị cưỡng bách bắt dẫn đi” của những người hoạt động chính trị và làm sói mòn thêm nữa tình hình nhân quyền tại Trung Quốc. Phản ứng này được đưa ra tiếp theo sau một bài báo ấn hành hôm thứ Tư do luật sư nhân quyền Giang Thiên Dũng viết, tố cáo là ông đã bị đánh đập và tra tấn trong các cuộc thẩm vấn cưỡng bức và bí mật.