Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân nói rằng nước ông sẵn sàng hành động cùng cộng đồng quốc tế để phối hợp các chính sách kinh tế nhằm đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế thế giới.
Ông Lưu nói rằng trong hai cuộc hội nghị quốc tế sắp tới đây, các nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về tình hình kinh tế thế giới, cải cách các thể chế tài chính quốc tế, các qui định về thương mại và tài chính. Ông kêu gọi nhóm G20, là nhóm sẽ có cuộc hội nghị trước, mở “một diễn đàn dành cho các nguyên thủ” về quản trị kinh tế toàn cầu.
Tiền tệ là một vấn đề dự kiến sẽ được đặt ưu tiên cao trong chương trình nghị sự.
Hoa Kỳ và các nước khác đã nhiều năm nay kêu gọi Trung Quốc cho phép tăng giá đồng nguyên nước họ. Những người chỉ trích cáo buộc Trung Quốc duy trì lợi thế cạnh tranh thương mại không công bằng với việc giữ tỷ giá hối đoái của đồng nguyên thấp một cách giả tạo.
Trung Quốc bác bỏ những lời cáo buộc rằng họ thao túng đồng nguyên và nói rằng họ sẽ tiếp tục cải cách chế độ tỷ giá hối đoái ở mức độ riêng của mình. Bắc Kinh cũng đã chỉ trích quyết định bơm thêm tiền vào hệ thống tài chính hồi tuần trước của Quĩ Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ.
Thứ trưởng Tài chính Chu Quang Diệu gần đây nói rằng các giới chức Trung Quốc sẽ có một cuộc trao đổi thẳng thắn với các giới chức Hoa Kỳ về chính sách nới lỏng định lượng của Quĩ Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ.
Ông Chu nói rằng là một nước phát hành loại tiền tệ dự trữ chính, Hoa Kỳ có trách nhiệm giúp ổn định thị trường tài chính toàn cầu. Ông nói rằng hành động mới đây nhất của Quĩ dự trữ Liên bang có thể gây nên tình trạng dư thừa nguồn vốn đổ vào các thị trường đang nổi, mà theo ông điều đó có thể gây bất ổn định về tài chính tại những thị trường đó.
Trung Quốc và các nước khác lo ngại rằng hành động của Quĩ Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ sẽ làm suy yếu giá trị của đồng đôla một cách đáng kể.
Ông Chu Phong, giáo sư tại Trung Tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Đại học Bắc Kinh nói rằng có lý do khác để chính phủ Trung Quốc lo ngại về sự giảm giá của đồng đôla.
Giáo sư Chu nói rằng lý do chính là bởi vì việc giảm giá mạnh đồng đôla Mỹ có thể ảnh hưởng tới giá trị các tài sản của Hoa Kỳ mà Trung Quốc sở hữu.
Trung Quốc là chủ nợ nước ngoài hàng đầu của Hoa Kỳ, nắm giữ hơn 860 tỷ đôla Trái phiếu.
Hội nghị G20 kéo dài 2 ngày sẽ khai mạc ở Seoul vào ngày thứ Năm này. Hội nghị sẽ qui tụ các nhà lãnh đạo của 8 nước công nghiệp hàng đầu thế giới cùng với các nước công nghiệp nhỏ và các thị trường đang nổi chính. Tất cả những nước này đại diện cho khoảng hơn 85% nền kinh tế toàn cầu.
Tiếp theo hội nghị G20 sẽ là hội nghị thượng đỉnh thường niên của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á Thái Bình Dương được tổ chức vào hai ngày thứ Bảy và Chủ nhật tại Yokohama, Nhật Bản. APEC là một diễn đàn không mang tính ràng buộc nhằm thúc đẩy thương mại và đầu tư trong khu vực cho các nước ở cả hai bờ Thái Bình Dương.
Bất chấp những lời lẽ gay gắt về vấn đề tiền tệ, Giáo sư Chu cho rằng vấn đề quan trọng nhất sẽ là liệu các nước có tăng cường phối hợp các biện pháp kinh tế sau vụ khủng hoảng tài chính hay không.
Ông Chu nói ông cho rằng sự thành công của hội nghị G20 sẽ là liệu các nước có đạt được điều mà ông gọi là “sự đồng thuận tốt” về việc tăng cường hợp kinh tế vĩ mô hay không.
Trung Quốc là một trong những điểm sáng kinh tế của thế giới kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vào năm 2008. Trong khi các nền kinh tế phát triển vẫn còn chật vật để phục hồi thì Trung Quốc đã tăng trưởng mạnh mẽ và vượt qua Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, ngay sau Hoa Kỳ.
Trung Quốc nhấn mạnh đến sự ổn định và tính thống nhất của nền kinh tế toàn cầu vào lúc chủ tịch nước này chuẩn bị tham dự hội nghị G20 và diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á Thái Bình Dương. Bắc Kinh cũng phản bác lại những lời kêu gọi định giá lại tiền tệ của họ bằng việc chỉ trích những biện pháp, vốn có thể làm suy yếu thêm đồng đôla, gần đây của Hoa Kỳ. Thông tín viên đài VOA Stephanie Ho gởi về bài tường trình chi tiết từ Bắc Kinh.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1