Đường dẫn truy cập

Rối loạn tại Tây Tạng cho thấy dân không chấp nhận đường lối của TQ


Mặc dù kinh tế địa phương đã tăng trưởng, cảm nghĩ tuyệt vọng của rất nhiều người thuộc sắc dân Tây Tạng cũng tăng theo
Mặc dù kinh tế địa phương đã tăng trưởng, cảm nghĩ tuyệt vọng của rất nhiều người thuộc sắc dân Tây Tạng cũng tăng theo

Từ lâu Trung Quốc vẫn tán dương các chính sách của họ tại Tây Tạng nhắm gia tăng phát triển và nâng cao mức sống tại một khu vực xa xôi và nghèo khó. Nhưng khi mà những vụ biểu tình phản đối và các vụ tự thiêu tiếp tục ở một vài nơi, tình hình bất ổn là dấu hiệu của sự bác bỏ của dân chúng đối với những lời tự nhận là tiến bộ đó. Thông tín viên Stephanie Ho từ Bắc Kinh tường trình.

Truyền thông chính thức của Trung Quốc vẽ ra hình ảnh người Tây Tạng là một nhóm sắc tộc hạnh phúc với truyền thống đầy màu sắc gồm ca vũ và riêng đối với dân du mục chăn nuôi còn là tài nghệ bắn cung nữa.

Những hình ảnh này phụ họa cho những lời tự nhận của chính phủ Trung Quốc nói là mức sống của người Tây Tạng đang lên cao và dân Tây Tạng hài lòng với cuộc sống.

Ông Tanzen Lhundup làm việc tại Trung Tâm Nghiên Cứu về Tây Tạng, nói mối quan tâm của Bắc Kinh đối với dân Tây Tạng là có thực.

Ông nói: "Chính phủ đã đầu tư rất nhiều để cải thiện điều kiện sinh sống, cơ sở hạ tầng và giáo dục tại Tây Tạng. Họ đã đưa ra một số rất nhiều những chính sách ưu đãi để nâng đỡ trong những nơi có dân Tây Tạng sinh sống. Những thay đổi tại Tây Tạng và những khu vực có người Tây Tạng sinh sống rất sâu rộng.”

Mặc dù kinh tế địa phương đã tăng trưởng, cảm nghĩ tuyệt vọng của rất nhiều người thuộc sắc dân Tây Tạng cũng tăng theo. Trong năm qua, gần 30 người đã tự thiêu, biểu tượng sống động cho thấy họ thà chết thay vì sống dưới quyền cai trị của Trung Quốc.

Nhiều cuộc phản đối chống Trung Quốc đã xảy ra mới đây, như vụ các nhà sư Phật giáo tự thiêu trong tuần qua tại tỉnh Thanh Hải, là giới từ lâu vẫn đóng một vai trò trọng tâm trong văn hóa Tây Tạng.

Tại tỉnh Cam Túc, một nhà sư yêu cầu dấu danh tính, nói: "Chúng tôi không có tự do, không có tự do tôn giáo và ngay cả tự do ngôn luận nữa. Áp lực quá lớn. Người dân không còn chọn lựa nào khác là phải biểu tình phản đối."

Những vụ biểu tình và tự thiêu chẳng mang lại thay đổi đáng chú ý nào từ Bắc Kinh.

Chuyên gia Lian Xiangmin, cùng làm việc tại Trung Tâm Nghiên Cứu Tây Tạng của Trung Quốc, cũng nói lên quan điểm in hệt như chính phủ, rằng các vụ biểu tình là do sự sắp đặt giả tạo chứ không liên hệ gì đến những bất mãn thực sự. Chuyên gia này nói: "Theo tôi thì chuyện đầu tiên là những ai sắp đặt những vụ biểu tình như vậy cần phải ngưng ngay lập tức. Thứ nhì, Đạt Lai Lạt Ma cần phải ra tuyên cáo kêu gọi chấm dứt ngay các vụ tự thiêu và bày tỏ sự chống đối của ông đối với hành vi tự thiêu. Thứ ba, truyền thông cần ngưng ngay chuyện làm ồn ào những vụ việc như vậy."

Tại Trung Quốc, hầu hết những vụ biểu tình đều không được truyền thông nhà nước tường thuật, thay vào đó lại chú tâm nhấn mạnh rằng Tây Tạng là một phần đất không thể tách rời của Trung Quốc. Đức Đạt Lai Lạt Ma, vẫn còn là một biểu tượng mạnh về chính trị và tinh thần cho nhân dân Tây Tạng, phần lớn vẫn tự chế không đưa ra những lời nhận định trước công luận về các vụ tự thiêu.

Đối với cả đôi bên, những vụ tự thiêu vẫn mang ý nghĩa biểu tượng của một vấn đề rắc rối mà phía bên kia từ chối không chịu công nhận.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG