Cùng với nhiều vấn đề khác, thương thuyết gia Hoa Kỳ Glyn Davies và người tương nhiệm phía Bắc Triều Tiên, đang mưu tìm một giải pháp giúp nối lại các cuộc đàm phán 6 bên về chương trình hạt nhân của miền Bắc.
Mặc dầu hai bên không đạt được khai thông nào, ông Davies tỏ ý với các phóng viên rằng ông không lấy làm thất vọng:
“Tôi nghĩ chúng tôi có đạt được một chút tiến bộ. Tôi cho rằng điều chúng tôi phải làm là đánh gia và nhìn vào những gì mà phía Bắc Triều Tiên muốn nói với chúng tôi, và rồi hội ý với các đồng minh và đối tác của chúng tôi trong các cuộc đàm phán 6 bên.”
Ngoài Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên, các cuộc đàm phán 6 bên nhằm thuyết phục Bình Nhưỡng từ bỏ các chương trình vũ khí hạt nhân còn có sự tham gia của Trung Quốc, Nam Triều Tiên, Nhật Bản và Nga.
Ông Davies nói hai bên đã thảo luận về một loạt các vấn đề, nhưng ông từ chối không tiết lộ chi tiết về những đề tài như viện trợ lương thực cho Bắc Triều Tiên hay chương trình tinh chế uranium của Bình Nhưỡng.
Ông nói Washington coi phi hạt nhân hóa là ưu tiên số 1, nhưng cũng muốn nhìn thấy Bắc Triều Tiên thực hiện một nỗ lực cải thiện quan hệ với Nam Triều Tiên.
Căng thẳng Bắc-Nam đã lên đến tột đỉnh vào tháng 11 năm 2010, khi phía Bắc Triều Tiên pháo kích vào một hòn đảo của Nam Triều Tiên làm 4 người thiệt mạng.
Ông Lữ Siêu, một nhà nghiên cứu về Triều Tiên tại Viện Khoa học Xã hội Liêu Ninh của Trung Quốc, nói rằng căng thẳng tiếp diễn là một yếu tố quan trọng có thể gây trì hoãn thêm cho bất kỳ việc mau chóng nối lại các cuộc đàm phán 6 bên.
Ông Lữ nói rằng phía Mỹ sẽ cứu xét các quan điểm của Nam Triều Tiên về việc liệu có nối lại các cuộc đàm phán 6 bên hay không. Ông mô tả quan hệ hiện thời trên bán đảo Triều Tiên là “đối nghịch trầm trọng,” và cho rằng đây là lý do vì sao có phần chắc các cuộc họp đa phương sẽ không được tái tục ngay.
Tiến trình 6 bên bắt đầu vào năm 2003, nhưng đã bị đình chỉ hơn 2 năm nay, sau khi Bắc Triều Tiên trục xuất các thanh sát viên hạt nhân quốc tế.
Hôm nay, nhà thương thuyết Hoa Kỳ Davies nói mặc dầu chưa có biến chuyển quan trọng nào nhằm khai thông bế tắc, tất cả các hên có thể sẵn sàng một lần nữa nhích tới. Ông nói:
“Muốn đạt được thành quả ngoại giao và tiến tới, đôi khi ta không phải làm điều gì ngoạn mục cả. Đó chính là bản chất của ngoại giao. Đôi khi chúng ta chỉ cần đến tiến bộ từng bước một.”
Đây là cuộc họp đầu tiên giữa các nhà thương thuyết Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên kể từ khi lãnh tụ Kim Jong Il qua đời hồi tháng 12 năm ngoại.
Ông Davies cũng gặp đặc sứ Trung Quốc Võ Đại Vĩ trong ngày hôm nay. Ông sẽ gặp đối tác phía Nam Triều Tiên của ông là ông Lim Sung-nam ở Seoul vào ngày thứ bẩy.
Hôm nay, Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên đã kết thúc hai ngày đàm phán tại Bắc Kinh mà không đạt được khai thông nào về chương trình hạt nhân gây nhiều tranh cãi của Bình Nhưỡng. Nhưng theo thương thuyết gia Hoa Kỳ Glyn Davies, các cuộc đàm phán dù sao cũng mang tính cách “nghiêm túc và thực tiễn.”