Đường dẫn truy cập

Trung Quốc: Hoa Kỳ không nên quốc tế hóa vấn đề biển Đông


Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì mới lên tiếng phản đối Hoa Kỳ ‘quốc tế hóa’ vấn đề biển Đông – nơi những lời tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh gây xung đột với các quốc gia khác trong khu vực.

Trong thông cáo đăng tải trên trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 25/7, ông Dương đặt câu hỏi: ‘Kết quả sẽ là như thế nào nếu vấn đề (biển Đông) được quốc tế hóa và đa phương hóa? Điều đó sẽ chỉ làm cho vấn đề trở nên tồi tệ và khó giải quyết hơn.’

Hãng tin Bloomberg cho biết ông Dương đưa ra bình luận như vậy tại cuộc gặp các ngoại trưởng tham dự Diễn đàn An ninh khu vực ASEAN (ARF) hồi tuần trước, sau khi Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton tuyên bố rằng việc giải quyết tranh chấp lãnh hải ở khu vực ngoài khơi bờ biển phía Nam Trung Hoa là ‘một ưu tiên ngoại giao hàng đầu’.

Hãng tin Bloomberg còn nhận định rằng phát biểu của bà Clinton cho thấy ý định muốn can thiệp vào khu vực của Washington.

Trong khi đó, thông cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng các bình luận ‘dường như là công bằng’ của bà Clinton ‘thực chất là một sự tấn công nhắm vào Trung Quốc’. Bộ này cũng nói thêm rằng ‘không có vấn đề gì’ trong việc tự do lưu thông cũng như an ninh ở biển Đông.

Trước đó, tại Hà Nội, bà Clinton cho biết rằng những tuyên bố chủ quyền mâu thuẫn nhau ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa làm ảnh hưởng tới giao thương hàng hải, cản trở việc tiếp cận vùng hải phận quốc tế ở khu vực và hủy hoại luật về biển của Liên Hiệp Quốc khiến ‘Washington quan ngại’.

Ông Dương được trích lời lặp lại quan điểm bấy lâu nay của Bắc Kinh rằng ‘cách thức tốt nhất để giải quyết những bất đồng như thế là thông qua đối thoại song phương giữa các nước có liên quan’.

Cũng giống như các tuyên bố từ trước tới nay của các giới chức Hoa Kỳ, Ngoại trưởng Clinton nói Washington ‘không nghiêng về phía nước nào trong vấn đề biển Đông’, nhưng ‘sẵn sàng cùng tất cả các bên hành động để chấm dứt tranh chấp’.

Còn ông Dương Khiết Trì thì cho rằng các nước châu Á ‘có thể đối xử với nhau một cách bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, cũng như hóa giải các quan ngại của nhau một cách phù hợp’.

Ngoài Việt Nam và Trung Quốc, còn có Malaysia, Brunei, Philippines và Đài Loan tuyên bố chủ quyền các hòn đảo ở biển Đông, nơi được cho là có trữ lượng dầu và gas lớn.

Chính quyền Hà Nội nhiều lần tuyên bố ‘chủ quyền không thể tranh cãi’ đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở biển Đông.

Các chuyên gia từng nhận định rằng Việt Nam tìm cách gia tăng việc ‘quốc tế hóa vấn đề biển Đông thông qua nhiều kênh khác nhau’.

Nguồn: Bloomberg, AFP

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG